Wuling Mini EV, mẫu ô tô điện cỡ nhỏ, đã duy trì vị trí là mẫu xe bán chạy nhất trong phân khúc của mình từ khi ra mắt vào năm 2020 trên thế giới.
Đến nay, sau 4 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022 và 2023), Wuling Mini EV tiếp tục thống lĩnh thị trường với doanh số ấn tượng. Theo báo Dân trí, với dữ liệu từ EV Volumes, nền tảng chuyên về thông tin xe điện toàn cầu được Clean Technica công bố, Wuling Mini EV đã bán được 237.919 xe trong năm 2023.
Công ty nghiên cứu thị trường ô tô toàn cầu JATO Dynamics cũng đã xác nhận rằng trong ba năm 2020, 2021 và 2022, mẫu xe này đã dẫn đầu về doanh số trong phân khúc xe điện mini. Đáng chú ý, Wuling Mini EV đã lập kỷ lục về doanh số tại thị trường Trung Quốc, với mức bán ra 1.800 xe mỗi ngày, tương đương với việc mỗi 20 giây lại có một chiếc xe được giao dịch.
Tính đến nay, tổng doanh số lũy kế của Wuling Mini EV đã vượt qua con số 1,2 triệu xe trên phạm vi toàn cầu.
Wuling Mini EV có gì?
Chỉ với kích thước 2.971 x 1.943 x 1.621mm và chiều dài cơ sở 1.940mm, nhưng Wuling Mini EV vẫn bố trí được 2 hàng ghế trước – sau bọc nỉ, đảm bảo có thể chở tối đa 4 người trưởng thành với trang bị đai an toàn đầy đủ.
Về an toàn, Wuling Mini EV được trang bị chống bó cứng phanh ABS, cảm biến áp suất lốp và thậm chí cả cảm biến vật cản phía sau khi lùi.
Tuy nhiên về mặt động cơ, Wuling chỉ trang bị một motor có công suất 17,4 mã lực, tức là chỉ mạnh hơn một chút so với công suất xe máy Honda Sh150i (16,9 mã lực).
Xe có thể di chuyển tối đa 100km/h, tuy nhiên trên thực tế, vận tốc tối ưu chỉ đạt khoảng 60 – 80km/h, và có phạm vi hoạt động 120km trên một lần sạc.
Xe không có gương chiếu hậu bên trong, không có cụm điều khiển trung tâm, chỉ có bảng đồng hồ kỹ thuật số LCD 7 inch sau vô lăng, hiển thị dung lượng pin, tầm hoạt động, cấp số... của xe; các núm xoay chỉnh điều hòa và âm thanh bố trí trên bề mặt táp-lô. Tất cả các tính năng trên xe đều chỉnh cơ.
Liên tục giảm giá nhưng vẫn ế ẩm ở Việt Nam
Wuling Mini EV được chào bán ở Việt Nam từ tháng 6-2023, với mức giá lúc đó được công bố từ 239-279 triệu đồng, mức giá bị người tiêu dùng thời điểm đó chê là quá cao. Điều này buộc đơn vị lắp ráp và phân phối phải liên tục điều chỉnh giá bán để tiếp cận khách hàng dễ hơn. Đến tháng 3/2024, giá xe đã giảm 40 triệu đồng so với giá ban đầu, đưa mức giá bản thấp nhất xuống dưới 200 triệu đồng.
Tuy vậy, động thái này vẫn chưa lấy được niềm tin của người tiêu dùng Việt, bằng chứng là hơn nửa năm mở bán, người đi đường vẫn rất ít nhìn thấy mẫu xe này di chuyển trên đường.
Xe điện Wuling Hongguang MiniEV có nhiều điểm hạn chế khiến người tiêu dùng chưa thực sự mặn mà, có thể kể đến như sau.
Đầu tiên, đó là kích thước nhỏ hơn nếu so với các mẫu xe hạng A, điều này khiến không gian bên trong của xe chật chội. Dù xe có thiết kế 4 chỗ nhưng do kích thước chiều dài xe và chiều dài cơ sở hạn chế nên hàng ghế sau của Wuling Mini EV khá chật.
Tiếp đó là quãng đường di chuyển của xe ngắn, không phù hợp khi đi cao tốc hoặc ngoại thành. Cùng với đó, nhà phân phối Wuling tại Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống trạm sạc công cộng hay bộ sạc nhanh. Vì vậy, đây là một bất cập rất lớn cho người sử dụng trong trường hợp quên sạc hay khẩn cấp.
Wuling Mini EV có động cơ yếu, chỉ trang bị một motor có công suất 17,4 mã lực, tức là chỉ mạnh hơn một chút so với công suất xe máy Honda Sh150i (16,9 mã lực). Do đó xe có thể di chuyển tối đa 100km/h, nhưng trên thực tế, vận tốc tối ưu chỉ đạt khoảng 60 – 80km/h dù có phạm vi hoạt động 120km trên một lần sạc cho bản tiêu chuẩn.
Đặc biệt, các trang bị an toàn đi kèm của Wuling Mini EV rất hạn chế và chỉ dừng lại ở mức tối thiểu. Xe chỉ được trang bị chống bó phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, 1 túi khí cho người lái (phiên bản cao cấp). Ngoài ra, xe không được trang bị hệ thống cân bằng điện tử nên khi chạy ở tốc độ cao sẽ rất dễ mất ổn định, đặc biệt là khi phanh, đánh lái gấp.
Một phần nữa chính là tâm lý e ngại hàng giá rẻ của một bộ phận người dân. Thực tế ô tô giá rẻ của Trung Quốc vào Việt Nam cũng đã được 2 thập niên, nhưng không thực sự thành công. Những cái tên trước đây như Lifan 520, Chery QQ3, BYD F0... khi ra mắt định giá rẻ hơn hẳn các mẫu ô tô lắp ráp, nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, nhưng dần biến mất chỉ sau vài năm.