Bạn ăn KFC, đi xem phim CGV,...đều là đang giúp đất nước và đây là lý do

Chiến Thắng |

Hàng ngày trên tivi, báo đài bạn sẽ không lạ với những cụm từ như "ngân sách nhà nước", "thâm hụt", "bội chi", "thất thu thuế" rồi xua tay "chúng chả liên quan gì đến mình!". Nhưng liệu có phải thế?

Tất nhiên là có. Bất kỳ thứ hàng hóa dịch vụ hàng ngày bạn dùng đến như ăn KFC hay đi xem phim tại CGV đều đóng thuế, đơn giản nhất là thuế giá trị gia tăng. Để nắm rõ một cách chi tiết, hãy bắt đầu từ khái niệm "thuế" rồi sau đó là bạn sẽ hiểu thế nào là "ngân sách nhà nước".

Thuế là gì ?

Thuế là sản phẩm tất yếu Bộ máy nhà nước. Ngay từ thời Ai Cập cổ đại, các loại thuế đã được nhà nước Ai Cập tạo ra. Khác với bây giờ khi thuế trở thành một hệ thống, thời đó, các pharaoh muốn đánh thuế lúc nào cũng được.

Thuế thu xong thường được dùng vào các mục đích đắp đê, nuôi quân đôi, hoặc đơn giản là để các vua chúa xây lâu đài ở cho "sướng".

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hệ thống thuế dần được hình thành. Từ đó, cách chi tiêu tiền thuế thu được của các nhà nước cũng trở nên quy củ hơn.

Từ thuế đến ngân sách nhà nước

Bây giờ, hãy thử tưởng tượng cả một quãng thời gian dài từ lúc bạn mới sinh ra, rồi bạn trở thành một đứa con nít, trở thành một cậu sinh viên rồi đến lúc này là ra trường đi làm.

Bạn hãy tự hỏi xem mình đã dùng hết những loại hàng hóa nào trong cả khoảng thời gian dài đó ?

Dám chắc rằng danh sách bạn đang nghĩ tới sẽ rất rất dài: từ bình sữa, ti giả, tã lót, mì tôm, dầu ăn rồi đến ti vi, điện thoại, xe máy, laptop…

Mỗi vật phẩm này, dù bạn đã thực sự mua nó, hoặc thuê, mượn nó, hoặc đơn giản là tham gia vào quá trình sử dụng chúng, đều gắn với một số tiền mà bạn đã đóng góp vào cái gọi là ngân sách nhà nước.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà bạn phải trả một loạt các loại thuế từ nhỏ đến lớn: mua hàng thì trả thuế giá trị gia tăng, sử dụng thứ gì của công cộng thì đóng phí, lệ phí, hay đơn giản khi bạn ở tại nhà của chính mình cũng là lúc bạn đang trả thuế sử dụng đất cho Nhà nước rồi đó.

Bây giờ, thử tưởng tưởng từ nhỏ đến lớn, tất cả các loại thuế, phí đó được nhét vào một chú lợn. Khi bạn càng nhiều tuổi thì chú lợn đó càng lớn lên do số tiền bạn đóng cho thuế, phí ngày càng nhiều.

Đùng một ngày, chú lợn đó ra đi theo tiếng gọi “đóng thuế là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân”. Chính xác, những chú lợn - những khoản thuế, phí mà mà mỗi cá nhân đã đóng - đã "ra đi" và dần dần tập hợp vào thành một cô lợn “lớn” hơn, chính là ngân sách nhà nước.

Tiền chúng ta đóng đi đâu ?

Hiện ngân sách nhà nước - khối tiền tập hợp từ các khoản đóng thuế của các cá nhân như bạn - được chi tiêu theo 3 mục đích chủ yếu là:

- Chi thường xuyên.

- Chi trả nợ và viện trợ.

- Chi đầu tư phát triển.

Các khoản mục này có thể giải thích như sau:

- Chi thường xuyên là khi Nhà nước chi tiền ra để đáp ứng các nhu cầu chi gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên. Nói đơn giản, đây là các khoản chi thường nhật mà Nhà nước cần chi như trả lương cho các công chức, mua sắm, sửa chữa tài sản, trợ cấp tài sản...

- Chi trả nợ và viện trợ là khi Nhà nước chi tiền ra để trả các khoản nợ của chính phủ vay nợ từ trước, hoặc để viện trợ các các cá nhân, quốc gia khác trong tình huống khẩn cấp.

- Chi đầu tư phát truển là khi Nhà nước chi tiền ra để đầu tư xây dựng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân và toàn xã hội.

Ví dụ như việc bạn đương nhiên có quyền hưởng các dịch vụ công như điện, đường để đi, trường để học...Hãy nhớ rằng, những thứ dịch vụ công chính do tiền của bạn đóng góp tạo ra mà thôi.

Đôi lời về Ngân sách nhà nước Việt Nam

Giống như các nơi khác, ngân sách Việt Nam cũng được tập hợp từ nguồn thu thuế, phí, lệ phí là chủ yếu. Hơn 90% ngân sách quốc gia hàng năm đến từ thu thuế, phí và lệ phí.

Tuy nhiên, một điểm trừ với ngân sách nước ta hiện nay chính là việc phân bổ nguồn chi không hợp lý.Nhìn qua cơ cấu ngân sách, chúng ta có thể thấy rất nhanh sự mất cân đối vẫn còn khi mà chi cho đầu tư phát triển (khoản chi tạo lợi ích trực tiếp cho toàn xã hội) chiếm tỷ lệ ít hơn nhiều so với hai khoản mục chi thường xuyên hoặc chi trả nợ.

Ngày 18/11/2016 Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Cụ thể, Bộ Chính trị xác định: Tỉ lệ huy động vào NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015.

Trong tổng thu NSNN, tỉ trọng thu nội địa khoảng 84-85%, tỉ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỉ trọng thu ngân sách Trung ương 60-65%. Sau năm 2020, tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.

Tỉ lệ chi NSNN giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong tổng chi NSNN, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỉ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại