Bám đuổi Mỹ-Trung, "xoay trục" của ông Putin sẽ làm châu Á "dậy sóng"?

Quốc Vinh |

Đích thân đến Singapore dự EAS, Tổng thống Putin có thể sẽ mở đầu cho kế hoạch "chen chân" vào sự ảnh hưởng lâu đời của Mỹ và Trung Quốc tại châu Á.


Tổng thống Vladimir Putin đang gửi một tín hiệu rõ ràng về việc ông sẽ tìm cách mở rộng ngoại giao đa diện bằng nỗ lực "xoay trục sang châu Á" trong chuyến thăm Si nga pore vào ngày 14 và 15/11.

Giữa bối cảnh quan hệ Nga với cả châu Âu và Mỹ đang gặp nhiều rào cản xoay quanh các biện pháp trừng phạt, Châu Á vẫn là một đấu trường hứa hẹn nhất cho sự tham gia về mặt ngoại giao lẫn thương mại của Nga.

Sự tham dự của Tổng thống Nga tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần này đã trở thành sự kiện đáng chú ý khi trước đây, người đại diện cho Moscow vẫn thường là Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Tuy nhiên, điều này có phải là sự chứng minh cho việc Nga đang tăng cường việc tiếp cận châu Á hay không vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ.

Theo nhà phân tích các vấn đề đối ngoại của Nga Dmitriy Frolovskiy, mối quan tâm của Moscow ở Đông Á có thể đại diện cho điều gì đó liên quan đến chính sách thay đổi của ông Putin.

Điện Kremlin đã bỏ qua sự nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong suốt 1/4 thế kỷ qua. Thay vào đó, Nga tiếp tục tìm đến châu Âu như là đối tác chính trị và kinh tế lớn của mình sau sự sụp đổ của Liên Xô cho đến tận thời điểm khủng hoảng ngoại giao Crimea.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp của Nga ngày càng nhận thức được Đông Á nói chung - và các quốc gia thuộc ASEAN nói riêng - là những đối tác để đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế bên ngoài châu Âu.

Do đã bỏ qua khu vực này quá lâu, Nga hiện đang phải khẩn trương đuổi kịp để cạnh tranh với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Như các số liệu mà Bloomberg công bố một năm trước, tỷ trọng thương mại nước ngoài của Nga liên quan đến các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã tăng từ 23% lên 31% trong giai đoạn 2012-2017. Trong số các quốc gia ASEAN riêng lẻ, sự tăng trưởng này thậm chí còn rõ rệt hơn.

Ví dụ, kim ngạch thương mại với Việt Nam, đối tác khu vực lâu đời nhất của Nga đã đạt 5,2 tỷ USD vào năm 2017. Đây là mức cao nhất kể từ năm 1991. Nga cũng là điểm đến đầu tư nước ngoài lớn thứ hai của Việt Nam, mang lại gần 3 tỷ USD. Sự tăng trưởng này đã được thúc đẩy bởi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Á-Âu có hiệu lực vào cuối năm 2016.

Mặc dù vũ khí của Nga luôn có khách hàng ổn định trong khu vực nhưng ngành công nghiệp quốc phòng nước này gần đây đã đưa ra một cách tiếp cận tích cực hơn.

Ngoài Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á khác đang ngày càng mua vũ khí của Nga nhiều hơn trước kia. Vào tháng 8/2017, Indonesia tuyên bố sẽ mua 11 máy bay chiến đấu Sukhoi trị giá 1,14 tỷ USD, nhấn mạnh rằng họ sẽ thực hiện hợp đồng này bất chấp sự đe dọa đến từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Theo thông tin từ hãng thông tấn TASS tháng trước, ngành hàng không của nước này cũng đang tìm cách bán cả máy bay chở khách và trực thăng quân sự cho Indonesia.

Nga cũng đã ký một "thỏa thuận quà tặng" với Philippines - quốc gia vẫn dựa chủ yếu vào vũ khí của Mỹ - để "bôi trơn"các hợp đồng vũ khí Nga xâm nhập vào thị trường này.

Chiến lược của Nga rất đơn giản: Duy trì các mối quan hệ quốc phòng nồng ấm và ký các giao dịch sinh lợi với tất cả các bên.

Bám đuổi Mỹ-Trung, xoay trục của ông Putin sẽ làm châu Á dậy sóng? - Ảnh 2.

Vũ khí Nga luôn là mặt hàng được ưa chuộng ở châu Á.

Quốc phòng đại diện cho một trong hai mặt trận quan trọng của Nga trong khu vực. Mặt trận còn lại là năng lượng. Xuất khẩu năng lượng sang các nước ASEAN của Nga đã tăng gấp 5 lần kể từ năm 2013.

Các nền kinh tế phát triển nhanh của Đông Nam Á rõ ràng là thị trường quan trọng đối với dầu mỏ và khí đốt Nga. Về mặt năng lượng sạch, các nước ASEAN cũng đại diện cho thị trường tăng trưởng đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga.

Tổng công ty năng lượng hạt nhân của Nga Rosatom đã đàm phán với Indonesia và Philippines để xây dựng các nhà máy hạt nhân, và có thông tin cho rằng có thể sẽ dự kiến ​​xây dựng ở cả Việt Nam .

Không giống như ở châu Âu, nơi mà Moscow nổi tiếng về xuất khẩu năng lượng, vũ khí để duy trì ảnh hưởng về địa chính trị, vai trò năng lượng của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương là đơn giản hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trong chuyến đi lần này, không phải tất cả các nước ASEAN nhất thiết đều là mối quan tâm của ông Putin. Ví dụ, tại Malaysia, cựu Thủ tướng Najib Razak đã được thay thế bởi nhà lãnh đạo có khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc Mahathir Mohamed .

Không ngại ngần trong việc làm mích lòng Trung Quốc và Mỹ, Thủ tướng Mahathir ngay từ khi nắm vai trò đã có những động thái thay đổi hướng đi ngoại giao của Kuala Lumpur.

Theo đó, vào tháng 8 vừa qua, Chính phủ mới đã quyết định tạm ngừng lại dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 22,3 tỷ USD đến từ Trung Quốc. Thủ tướng Mahathir thậm chí còn lên tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm tháng 9 tới New York.

Nga có nằm ngoại lệ hay không? Câu hỏi này vẫn chưa có lời giải. Hiện tại, có vẻ như Moscow chưa phải là mối quan tâm đối với chính quyền Mahathir.

Trong khi cựu Thủ tướng Najib là một nhà ngoại giao khéo léo, cân bằng lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, bên cạnh việc tham gia hợp tác với Nga, ông Mahathir dường như tập trung nhiều hơn vào các vấn đề trong nước.

Tuy nhiên, điều này hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Hơn nửa thế kỷ hoạt động chính trị, thế giới quan của Thủ tướng Mahathir đã tập trung vào việc giải quyết cuộc xung đột giữa các giá trị châu Á và phương Tây – điều có thể khiến ông trở nên hấp dẫn một cách đáng kể trong tầm nhìn chủ nghĩa bản địa của Tổng thống Putin.

Mới đây, Sputnik News cũng tiết lộ kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Nga tại Malaysia, điều cho thấy rằng Moscow dường như vẫn đang đặt nền tảng cho sự hợp tác lớn hơn.

Cuối cùng, ưu tiên của Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á và các chính sách địa chính trị của Nga ở châu Á trong những năm tới sẽ được quyết định bởi tính thực tế và cơ hội.

Bất cứ khi nào có một lựa chọn để nắm bắt lợi ích giữa bối cảnh hỗn loạn hoặc sự thu hẹp quyền lực của một quốc gia khác trong khu vực - như đã chứng minh trong trường hợp của Mỹ ở Trung Đông - Điện Kremlin sẽ không ngại ngần gì đặt chân vào.

Châu Á-Thái Bình Dương hiện vẫn chưa chứng minh được sẽ là khu vực tiếp theo mà Nga áp dụng chiến thuật này -  một chiến thuật đã chứng minh hiệu quả đáng kể ngay cả khi Tổng thống Putin không có chiến lược dài hạn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại