Tờ Washington Post trích dẫn lời các quân nhân Ukraine cho biết, những bãi mìn do quân đội Nga rải trước tuyến phòng thủ đang là vấn đề nan giải mà đến nay quân đội Ukraine vẫn chưa thể giải quyết được.
Các bãi mìn này là một trở ngại nghiêm trọng ảnh hưởng đến các cuộc phản công của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Độ sâu các bãi mìn trước những cứ điểm chính mà lực lượng Nga kiểm soát là từ 4,8 km đến 16 km.
Một số ấn phẩm phương Tây cũng đã đưa ra nhận định rằng, nếu không vượt qua được những bãi mìn này, Ukarine sẽ khó đột phá được phòng tuyến và chia cắt lực lượng Nga.
Washington Post cho biết thêm, quân đội Ukraine đến nay vẫn chưa sẵn sàng tiến hành cho một cuộc phản công để vượt qua các bãi mìn. Dù Ukraine đã được các nước phương Tây viện trợ nhiều phương tiện kỹ thuật tiên tiến, tuy nhiên những thiết bị này vẫn dễ dàng bị phá hủy khi vướng vào những quả mìn.
Các phương tiện chiến đấu của Ukraine bị phá hủy do vướng mìn trên chiến trường
Những ngày đầu phản công, quân đội Ukraine đã chịu tổn thất nặng nề về thiết bị công binh, đặc biệt họ đã mất tới một nửa số xe công binh Leopard 2R chuyên phá mìn. Bên cạnh đó, một số lượng lớn xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Bradley cũng đã phải nằm lại trên chiến trường.
Nhiều chuyên gia quân sự chỉ ra rằng, các trận chiến trong bãi mìn đã cho thấy điểm yếu của xe bọc thép chở quân và xe tăng, đặc biệt là xe chiến đấu Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức đã viện trợ, những phương tiện mà các quan chức Ukraine luôn tự hào coi đó là vũ khí quyết định đến kết quả của cuộc phản công.
Một số chuyên gia cho rằng, các bãi mìn của quân đội Nga "gây ra nỗi sợ hãi" trong quân đội Ukraine. Ấn phẩm Der Spiegel của Đức gọi cuộc tấn công của Ukraine là "tra tấn", do Lực lượng Vũ trang Ukraine phải vượt qua các bãi mìn, khiến họ chịu tổn thất nhiều thiết bị và binh lính trong khi cố gắng rà phá chúng.
Một vụ nổ mìn trong một cuộc diễn tập rà phá bom mìn của Ukraine.
Những nỗ lực của Ukraine đạt được kết quả rất thấp vì quân đội Nga có thiết bị rải mìn từ xa, cho phép họ "gieo" mìn lại một cách nhanh chóng ngay những khu vực đã được phía Ukraine rà phá. Điều này gây áp lực nặng nề lên những người lính Ukraine khi phải tấn công vượt qua những bãi mìn.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hoạt động rà phá bom mìn của Lực lượng Vũ trang Ukraine, quân đội Nga cũng tích cực sử dụng UAV để tìm kiếm và phá hủy những phương tiện công binh của Ukraine, ngoài ra họ còn sử dụng pháo binh và tên lửa để tấn công.
Một người lính nấp trong khi gỡ mìn chống tăng.
Một sĩ quan Ukraine khác nói với Washington Post rằng, vào ngày đầu tiên của cuộc phản công, một số đơn vị của Lữ đoàn 47 di chuyển trên xe chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ và xe tăng Leopard của Đức, đã lạc đường và lao vào bãi mìn dày đặc. Sau đó quân đội Nga tiếp tục dùng trực thăng vũ trang và pháo binh nã đạn dồn dập vào đội hình, khiến Lữ đoàn số 47 chịu thiệt hại nặng nề.
Để tránh tổn thất về người và thiết bị quân sự, Lực lượng vũ trang Ukraine đã thay đổi chiến thuật, khi chỉ đưa các nhóm nhỏ lẻ đi rà phá bom mìn trước. Đồng thời, các quân nhân Ukraine buộc phải thực hiện công việc của mình bằng cách bò sát mặt đất, nếu không họ sẽ dễ dàng lọt vào tầm bắn của đối phương.
Một người lính gỡ mìn chống tăng bằng dây buộc quanh kíp nổ.
Theo các chuyên gia, các đơn vị của Ukraine thực sự đang gặp phải tình trạng thiếu thiết bị kỹ thuật hiện đại. Bên cạnh đó, những phương tiện kỹ thuật quân sự do phương Tây cung cấp cho Ukraine đã không mang đến kết quả như mong đợi.
Lê Hưng (Nguồn: The Washington Post)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ