"Trẻ em lớp 1, làm phép tính đúng hết nhưng chữ số viết ngược có nên chấm điểm cho cháu thấp như thế này không?" - Đây là thắc mắc của một phụ huynh gây sốt mạng xã hội những ngày gần đây. Người này đính kèm bài kiểm tra của con mình. Trong đó, con chị bị chấm sai 6 phép tính. Thay vì viết kết quả là số 5, số 6 như thông thường, học sinh này viết ngược. Tổng bài kiểm tra em được 5 điểm.
Người này cũng đính kèm thêm thông tin tìm được trên Google về tình trạng viết ngược của trẻ, đồng thời cho rằng, não bộ của trẻ tầm 7 tuổi trở lại còn chưa phát triển toàn, con mình đang còn nhìn hình ảnh "chiếu gương", không thể chỉ bảo ngày một ngày hai. Vậy nên, thầy cô cần khuyến khích trẻ yêu thích việc tính toán, viết lách hơn là chấm sai làm ảnh hưởng tâm lý khiến trẻ chán học.
"Làm Toán, cháu tính sai thì không nói. Còn việc viết số ngược, khoa học chứng minh là sẽ có giai đoạn trẻ chưa ý thức được là mình sai khi viết ngược, sau một thời gian trẻ sẽ tự sửa được. Vậy nên thầy cô, bố mẹ cũng nên tìm hiểu mà khích lệ cháu. Cháu làm phép tính đúng, chấm cháu điểm thấp, cháu sẽ nghĩ mình làm phép tính sai chứ cháu cũng không biết được là mình viết chữ số ngược", người này nói thêm.
Dưới bài đăng của người mẹ, nhiều người bênh vực giáo viên, cho rằng trong trường hợp này cô chấm sai là đúng chức năng, nhiệm vụ. Một số chỉ trích bà mẹ này coi nặng điểm số khiến con cái áp lực.
Họ cho rằng, điều mà phụ huynh nên quan tâm là tìm hiểu xem hiện tượng đó có bình thường hay không? Nếu không có gì bất thường thì không cần lo lắng nhưng vẫn phải để ý rèn lại cho bé. Bên cạnh đó, các phép tính con đều làm đúng tức là con cũng thông minh, mẹ nên thấy thế là đủ.
Một số người chia sẻ đây là tình trạng bình thường, một thời gian trẻ sẽ điều chỉnh được: "Con mình cuối học kỳ 2, lớp 1, lúc viết ngược số 5, lúc không. Con tiếp thu tốt nhanh, cô giáo còn khen dù đôi chữ bị ngược. Không sao bạn nhé. Con thứ 2 của mình còn ngược nhiều hơn cô chị, năm nay bé vào lớp 1. Bình tĩnh cho con tự tin"; "Bé nhà mình trước cũng vậy luôn, dạy con từ từ rồi cũng viết đúng bạn ạ"...
Trước góp ý và chỉ trích của một số phụ huynh, bà mẹ này cũng phản pháo kịch liệt. Tranh cãi giữa hai bên càng lúc càng căng thẳng, với những từ ngữ có phần nặng nề.
Trẻ viết ngược có sao không?
Trên thực tế, trẻ thường viết ngược trong một giai đoạn nhất định, thậm chí viết xong cũng không hề nhận thức được đó là bị ngược. Viết ngược là hành vi phát triển bình thường cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi thậm chí là 7 tuổi. Cả trẻ em thuận tay trái và tay phải đều có thể vật lộn với việc đảo ngược chữ cái, chữ số.
Nhiều người nôn nóng bắt con sửa cho bằng được, tạo áp lực khiến trẻ trở nên rụt rè không tự tin, không yêu thích viết chữ số. Đừng làm chúng không muốn đến trường chỉ vì sợ bị chê trách, trừng phạt mà thôi.
Trong trường hợp này, thái độ tích cực của cha mẹ sẽ là nguồn động viên lớn giúp trẻ tin tưởng vào bản thân để tiếp tục quá trình học viết của mình. Hãy cho trẻ tiếp xúc với chữ số, bảng chữ cái đúng theo cách vừa học vừa chơi, đứng gây áp lực để đến 5 - 6 tuổi trẻ sẽ tự sửa được.
Ở một số trẻ, hiện tượng này kéo dài qua 6 - 7 tuổi. Trong trường hợp qua 7 tuổi mà trẻ vẫn còn hiện tượng viết kiểu soi gương, lúc đó cha mẹ có thể gặp những nhà chuyên môn để được tư vấn.