Doanh nhân Dư Bành Niên gây choáng khi quyên góp toàn bộ tài sản trị giá hơn 9,3 tỷ tệ (hai tỷ USD) cho hoạt động cộng đồng, từng được tạp chí Time vinh danh là "một trong 14 nhà từ thiện hàng đầu thế giới, đứng đầu danh sách từ thiện Hurun Trung Quốc 5 lần liên tiếp từ năm 2006 đến năm 2010.
Ít ai biết, con đường đi đến thành công của vị tỷ phú này không hề dễ dàng
''Người cọ rửa toilet sạch nhất Hong Kong"
Ông sinh năm 1922 trong một gia đình nghèo ở Hồ Nam, Trung Quốc. Do cuộc sống khó khăn, ông bắt đầu kinh doanh nhỏ ở Trường Sa và những nơi khác trước khi tốt nghiệp đại học. Nhưng do tình hình chiến tranh hỗn loạn, ông không kiếm được là bao.
Năm 1949, ông rời quê, một mình đến Thượng Hải. Ông làm nghề kéo xe, kinh doanh một quán hàng rong và làm nhiều công việc lặt vặt. Thế nhưng mọi chuyện không như ý,
Năm 1955, Trung Quốc cải cách ruộng đất, ông Dư bị buộc tội "có mối quan hệ ở nước ngoài" và là "địa chủ bỏ trốn". Sau đó, bị bắt vào trại lao động ba năm ở An Huy. Tất cả số tiền tiết kiệm mà ông khó khăn kiếm được đều bị tịch thu.
Ông được trả tự do sớm hai tháng trước khi mãn hạn tù vì những cáo buộc được cho là sai sự thật. Năm 1958, ông tới Hong Kong (Trung Quốc) để sinh sống và lập nghiệp.
Khi ra tù, hồi tưởng đoạn ký ức này, ông nói: "Khi bạn thực sự xui xẻo, cái gọi là tình bạn, sự lãng mạn và mối quan hệ vợ chồng đều rất dễ bị tổn thương. Để bảo vệ bản thân ở mức độ lớn nhất, bạn bè cũ, người yêu, vợ chồng thậm chí sẽ còn xúc phạm bạn thêm. Vì vậy, vũ khí quan trọng nhất của một người là sự tự lực. Chỉ người mạnh mẽ mới có thể tự mình đứng vững trong xã hội, không bị người khác bỏ rơi và chà đạp".
Khi mới đến Hồng Kông, ông không hiểu tiếng Quảng Đông hay tiếng Anh, không có lý lịch hay tiền bạc và không thể tìm được việc làm. Ông đói đến mức phải đến nhà thờ và tổ chức từ thiện để lấy bát cháo cho no bụng. Khi buồn ngủ, ông tìm tới ghế dài trong công viên hoặc trên bãi biển. Chuyện này kéo dài vài tháng. Trong thời gian này, ông bị nhầm là kẻ trộm, bị đánh, bắt giam một kẻ buôn lậu. Nhưng những điều này không làm ông mất đi tinh thần chiến đấu. Ông tiếp tục tìm việc và học tiếng Quảng Đông.
Cuối cùng, ông được nhận vào làm cọ rửa nhà vệ sinh trong một khách sạn - công việc được coi là thấp hèn nhất Hong Kong lúc bấy giờ.
"Chỉ những người làm được việc nhỏ mới có thể làm nên nghiệp lớn. Chỉ những người có thể cúi xuống mới có thể đứng thẳng", ông Dư nói.
Trước ánh mắt không mấy thiện cảm của người đời, người đàn ông này không để tâm tới sự coi thường của người khác. "Nếu bản thân quan tâm tới lời chê bai thì chẳng còn tâm trí thực hiện công việc", ông nói. Trong khi người khác chỉ làm qua loa cho xong việc thì Dư trở thành ''người cọ rửa toilet sạch nhất Hong Kong".
Thậm chí, vào thứ 7, Chủ nhật, nhiều người sẽ nghỉ ngơi, đi mua sắm, vui chơi nhưng ông Dư cho rằng vẫn có người làm việc ngoài giờ. Vì vậy, ông vẫn tới dọn dẹp như thường lệ để mang lại môi trường sạch sẽ, thoải mái cho những người đó, kể cả khi công ty không có ai. Nửa năm sau, ông chủ công ty biết được việc làm của Dư nên đã để ông làm việc tại văn phòng công ty. Từ đó, con đường sự nghiệp của ông Dư mở rộng.
Năm 1970, nhờ lời giới thiệu của một ông chủ cũ, Dư đến Đài Loan kinh doanh bất động sản. Sau đó, ông đầu tư thêm cổ phiếu và bất động sản ở Hong Kong. Liên tiếp gặt hái được thành công, Dư Bành Niên dần thăng tiến và trở thành chủ tịch hãng bất động sản Foo Tak nổi tiếng có giá trị hàng tỷ USD, là ông chủ của hàng loạt công ty, khách sạn, y tế, du lịch... khắp Trung Quốc.
Một trong những thương vụ nổi tiếng nhất của Dư Bành Niên chính là mua lại căn nhà của Lý Tiểu Long. Theo quan niệm của người Hong Kong khi đó, nhà của người nổi tiếng, lại mất tại nhà không thể ở được. Tuy vậy, Dư Bành Niên đã vay ngân hàng mua lại căn biệt thự 1.000 m2 với giá hơn một triệu USD. Sau khi cải tạo, ông cho người nước ngoài thuê và chỉ mất vài năm để thu hồi vốn. Năm 1996, căn biệt thự đã có giá 70 triệu USD.
Dư Bành Niên từng chia sẻ bí quyết thành công là làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Ông nói: "Dù công việc bị coi là thấp kém, ví dụ lau chùi toilet, tôi vẫn cố gắng là người lau chùi sạch nhất".
Vị tỷ phú nói thêm, trong công việc, đặt ra những mục tiêu lớn là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là tập trung vào từng bước nhỏ, những kế hoạch hành động ngắn hạn để đi đến mục tiêu. "Thành công luôn phải có điểm bắt đầu, đó chính là lý do bạn nên bắt tay vào những việc nhỏ ngay hôm nay bằng một thái độ nghiêm túc và tận lực", Dư Bành Niên nói.
Làm từ thiện đến cuối đời
Dù là chủ tịch kiêm tổng giám đốc của khách sạn mang tên mình và giám đốc 9 bộ phận khác nhau, ông Dư luôn đích thân thực hiện mọi việc, ngay cả bản vẽ thiết kế cải tạo tòa nhà văn phòng cũng phải do chính ông hoàn thành từng nét một. Thư ký của ông nhớ lại: "Ông tự xây dựng khách sạn và tham gia vào mọi việc. Nhiều bạn bè đã khuyên ông không nên làm việc này. Việc đó quá vất vả". Lịch trình hàng ngày cho thấy ông sẽ giải quyết trung bình 15 đầu việc mỗi ngày.
Trong mắt của cháu trai, lúc Dư Bành Niên 83 tuổi, ông vẫn chăm chỉ lao động. Ông thức dậy vào khoảng 7 giờ sáng mỗi ngày, làm việc đến 1, 2 giờ sáng ngày hôm sau. Vì vậy, phần lớn mọi người đều bắt gặp ông trong trạng thái làm việc, kể cả vào cuối tuần. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn khi đã về già, vị tỷ phú cho biết: "Tôi rất xem nhẹ tiền bạc, tôi chỉ muốn cải thiện sức khỏe và làm việc tốt thêm vài năm nữa. Bởi các cụ có câu: 'Nếu người ta làm việc tốt thì họ sẽ khỏe mạnh và sống lâu hơn'. Bây giờ điều tôi muốn là làm cho bệnh nhân nghèo được hưởng lợi".
Trong nhiều năm, Dư Bành Niên luôn đứng đầu danh sách các nhà từ thiện của tạp chí Hurun Report (bảng xếp hạng những cá nhân giàu có nhất ở Trung Quốc). Năm 2007, tên ông cũng lọt danh sách những nhà hảo tâm lớn nhất thế giới do tạp chí Time của Mỹ bình chọn. Đầu những năm 2000, ông sáng lập quỹ từ thiện mang tên mình để hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cứu trợ thiên tai. Thông qua quỹ, ông quyên góp 25 triệu tệ để chăm sóc cũng như cải thiện sức khỏe người dân.
Điều đặc biệt là người đàn ông này rất quan tâm đến những bệnh nhân đục thủy tinh thể. Từ năm 2003, quỹ từ thiện ông lập ra đã mổ mắt miễn phí cho hàng ngàn người tại Trung Quốc. Dư chia sẻ, bởi ông cũng từng đục thủy tinh thể nên hiểu được nỗi đau của người cùng hoàn cảnh.
Khi được hỏi vì sao không chuyển thừa kế cho các con, ông chia sẻ: "Nếu các con có năng lực hơn tôi, thì không cần thiết để nhiều tiền cho chúng. Nếu chúng không đủ năng lực, nhiều tiền sẽ chỉ có hại". Có người cũng từng hỏi: "Làm giàu làm gì khi không dành của cải cho con cháu", Dư Bành Niên trả lời: "Làm giàu cốt để bung hết khả năng của mình. Còn con cháu là những cá thể khác, chúng tự do sống khác".
Đối với ông, điều để lại cho con cháu tốt nhất không phải là tiền bạc, hơn thế nữa kinh doanh là một lĩnh vực làm giàu cho cộng đồng và mang lợi ích cho xã hội chứ không đơn thuần chỉ là kiếm tiền phục vụ cá nhân.
Năm 2015, tỷ phú Dư Bành Niên qua đời tại Thâm Quyến, hưởng thọ 93 tuổi.
Theo 163, QQ