LTS: Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm của lịch sử, rất nhiều nền văn minh rực rỡ nhất đã ra đời rồi tàn lụi, nối tiếp là những đế chế từng hùng mạnh rồi suy vong, kế tiếp đến là những đế quốc thay nhau xâm chiếm thuộc địa khắp địa cầu, những cường quốc không ngừng gia tăng vùng ảnh hưởng...
Di sản của họ cho đến ngày nay có thể là những công trình vĩ đại đứng vững qua hàng nghìn năm, những lâu đài thành quách không còn nguyên vẹn phủ bụi thời gian, các cổ vật hoặc châu báu bạc vàng trong hằng hà sa số các lăng mộ... Nhưng có lẽ, quý giá nhất, lại chính là những thứ vô hình - những bài học thành công và thất bại để cho các dân tộc khác "soi gương". Còn với mỗi người, đây cũng là những bài học quý báu để ứng dụng vào cuộc sống của mình, để xây dựng cuộc sống cá nhân thành công hạnh phúc, góp phần kiến tạo đất nước phồn vinh, thế giới hòa bình.
Đó là lý do chúng tôi đăng tải tuyến "Bài học lịch sử: Bí quyết thành công của các dân tộc dẫn dắt trong lịch sử nhân loại" bên dưới đây. Mời quý vị cùng đón đọc.
Bài 1: Bài học lịch sử 'đắt giá': Nước Anh bền bỉ và khát vọng Đại Hàn
Bài 2: Bài học lịch sử 'đắt giá': Nhắc đến 2 dân tộc này, thế giới luôn nghiêng mình kính nể
Bài 3: Bài học lịch sử 'đắt giá': Vì sao đây lại là điều muôn đời không cũ của Nhật Bản và Israel?
BÀI HỌC SỐ 4: ĐÁNH THỨC HIỀN TÀI - NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA
Cách đây hơn 500 năm, đại học sĩ Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử giám (năm 1484) khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy các bậc vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí".
8 năm sau thời điểm trên, năm 1492, Christopher Columbus mới bắt đầu giương buồm ra khơi để rồi tìm ra châu Mỹ, để rồi dần dần lịch sử hình thành nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang là cường quốc số 1 thế giới ngày nay. Và nước Mỹ, dù có thể không có một lập thuyết riêng về "hiền tài", nhưng lại là một điển hình về "bồi đắp nguyên khí", với ý niệm lan tỏa khắp toàn cầu: "Giấc mơ Mỹ".
Giấc mơ Mỹ là cách nói ngắn gọn nhất thể hiện chiến lược thu hút nhân tài thành công nhất của thế giới đương đại. Dân số Mỹ chỉ bằng 4,5% dân số thế giới nhưng nước này hiện chiếm đến 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Đến nỗi, nhiều học giả kinh tế đã nói vui rằng: "Khi nước Mỹ hắt xì hơi, cả thế giới đều bị cảm lạnh".
Nhỏ hơn Mỹ, nhưng cũng đang là một mô hình kiểu mẫu về thu hút nhân tài, đó là Dubai... Theo Báo cáo di cư thế giới 2018, Dubai giữ danh hiệu là thành phố quốc tế nhất thế giới, với hơn 1 triệu người đến từ hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Nhờ thực hiện đồng bộ chiến lược "Đại dương xanh", Dubai đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu: mượn sức người để phát triển kinh tế; đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát tiển và nâng cao chất lượng giáo dục để bồi đắp cho thế hệ tương lai.
GIẤC MƠ MỸ - CHÌA KHÓA THU HÚT NHÂN TÀI
"Giấc mơ Mỹ" đã trở thành động lực giúp thị trường lao động tại Mỹ cởi mở và có thể dung nạp người nhập cư. Hàng triệu người đã rời bỏ quê hương của họ để tới Mỹ vì viễn cảnh về cuộc sống tốt đẹp với một nền giáo dục hàng đầu.
Nhiều năm qua, nước Mỹ luôn được biết đến như một biểu tượng của tự do và sự phồn thịnh nhất về kinh tế trên toàn cầu.
Văn hóa Mỹ lan tỏa mạnh mẽ nhờ nền công nghiệp Truyền thông & Giải trí (M&E) lớn nhất thế giới. Với 717 tỷ đô la, M&E của Hoa Kỳ chiếm 1/3 toàn cầu (báo cáo Triển vọng Giải trí & Truyền thông 2018-2023 của PriceWaterhouseCoopers (PwC). Không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, sự phát triển hoàng kim này còn giúp lan tỏa "giấc mơ Mỹ" một cách hiệu quả đến mức mà một số nhà nghiên cứu còn nói vui rằng: "Người Mỹ đã gieo rắc giấc mơ của họ trên toàn cầu".
Ở trong nước, nền văn hóa nội địa cũng hưng thịnh vì sách lược "trọng nhân tài": bỏ qua mọi khác biệt, không kỳ thị phân biệt đối xử dưới bất cứ hình thức nào, bất cứ ai có thực tài đều được trọng dụng.
Nhờ có nguồn nhập cư và sách lược này, Hoa Kỳ thu hút, phát triển nhân lực dồi dào để liên tục tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới và cách làm ăn mới. Trong hàng thế kỷ, người Mỹ đã thu hút nhân tài từ châu Âu. Và ngày hôm nay, họ tiếp tục thu hút nhân tài từ châu Á – người Ấn, người Hoa, người Hàn, người Nhật và thậm chí là người Đông Nam Á.
Hình ảnh về thành phố xanh của Mỹ - Chicago.
Để tạo nên giấc mơ Mỹ, Hoa Kỳ rất chú trọng vào phát triển giáo dục và khoa học công nghệ. Một tỷ lệ lớn các giải Nobel được trao tặng cho các nhà khoa học Hoa Kỳ, mà số đông là giáo sư ở các trường đại học, đã làm tăng uy tín của nền giáo dục. 3/5 trường đại học tốt nhất trên toàn thế giới trong năm 2012 đều có xuất xứ từ Mỹ (theo đánh giá của công ty chuyên về giáo dục và du học Quacquarelli Symonds).
Tờ The Wall Street Journal dẫn báo cáo thường niên của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, tính đến tháng 5/2013, có đến 819.644 sinh viên nước ngoài theo học tại Mỹ. Ngoài việc tận hưởng khoảng 24 tỉ USD doanh thu từ nguồn du học sinh này, nước Mỹ đồng thời cũng "cài đặt" những giá trị Mỹ vào hệ tư tưởng của các sinh viên nước ngoài. "Giấc mơ Mỹ" dễ dàng vươn tới tầng lớp tinh hoa nhất trong xã hội, neo giữ những nhân tài hàng đầu ở lại Mỹ làm việc. Đó cũng là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng của quyền lực mềm mà người Mỹ đã thực hiện thông qua con đường giáo dục.
Các chính sách ưu tiên phát triển khoa học công nghệ đã tạo nên những vùng đất năng động về khởi nghiệp, tiêu biểu nhất là Thung lũng Silicon. Nơi đây đã trở thành miền đất hứa của khởi nghiệp toàn cầu, khi quy tụ được rất nhiều vốn đầu tư và lực lượng khổng lồ nhân tài hàng đầu trên khắp thế giới. Các startup lớn nhất hiện nay đều có trụ sở ở Silicon Valley với ý tưởng sáng tạo mới được khởi sinh mỗi ngày.
Thung lũng Silicon - nơi hội tụ những startup hàng đầu thế giới.
Điểm đặc biệt nhất của Mỹ, có lẽ là từ khi hợp nhất thành một quốc gia độc lập, Hoa Kỳ đặc biệt khuyến khích phát triển khoa học và kỹ thuật. Hiện tại, đây là quốc gia đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất thế giới và lớn hơn tất cả các nước G7 khác cộng lại về giá trị tuyệt đối.
Từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Mỹ thi hành chính sách chống độc quyền rất gắt gao. Điều này giúp tạo đà cho nhiều doanh nghiệp cùng phát triển và cũng thúc đẩy khoa học công nghệ. Nhờ đó, xét về lĩnh vực trao đổi thương mại tài sản trí tuệ, Mỹ vẫn chưa có đối thủ. Thu nhập từ bán quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ đạt 129,2 tỷ đô la năm 2013, mức cao nhất toàn cầu.
Nền kinh tế Mỹ ngày nay không chỉ được duy trì bởi việc có thể sản xuất ra cùng một thứ với chi phí ít hơn mà còn là liên tục đổi mới sáng tạo – tức là sáng chế ra một mặt hàng hay dịch vụ hoàn toàn mới mà thế giới sớm cảm thấy hữu dụng và đáng khát khao. Điện thoại thông minh (iPhone, iPad), Microsoft, Facebook, Google… tất cả đều được tạo ra ở Hoa Kỳ chứ không phải nơi nào khác.
Trụ sở Google đặt tại Thung lũng Silicon
CHIẾN LƯỢC "ĐẠI DƯƠNG XANH" CỦA DUBAI
Chỉ trong vòng 20 năm, với dân số khoảng 2 triệu người trên diện tích 4.000km2, Dubai đã phát triển thần kỳ, nổi lên như trung tâm kinh tế mới của thế giới khiến nhiều người phải ngỡ ngàng.
Nguyên nhân của sự bứt phá thần tốc ấy đến từ đâu? Nhiều người sẽ trả lời là nhờ có dầu mỏ - loại vàng đen quyền lực trong nền kinh tế! Nhưng có lẽ những người đó chưa biết rằng, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt hiện chỉ chiếm 6% tổng thu nhập của Dubai.
Điều đã làm thay đổi quốc gia này chính là tầm nhìn của người lãnh đạo và chính sách khôn ngoan nhằm tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài. Người Dubai rất sáng suốt khi hiểu một quy luật rằng: "Sức mình có hạn, nhưng sức người là vô hạn". Nguồn vốn và lượng "chất xám" khổng lồ trên khắp năm châu "chảy" về Dubai đã được những nhà lãnh đạo và người dân nơi đây tận dụng hiểu quả, để bồi đắp vào nền kinh tế còn phụ thuộc giàu mỏ, tạo nên đà phát triển bền vững đi kèm với giấc mơ lớn: trở thành trung tâm tri thức của toàn châu Á và châu Phi.
Burj Al Arab toà nhà có hình cánh buồm hướng ra biển - biểu tượng của TP Dubai.
01- Sách lược thu hút nhà đầu tư
Dubai hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu dùng tiền của họ làm động lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. Theo cuốn sách "Tầm nhìn thay đổi quốc gia", để thu hút đầu tư, Chính phủ nước này đã tạo nên những ưu đãi ực hấp dẫn như:
- Không có thuế thu nhập doanh nghiệp và không có thuế thu nhập cá nhân
- Không khấu trừ thuế
- Không có thuế trên lợi nhuận vốn
- Không hạn chế tiền tệ
- Không có rào cản thương mại
- Thuế nhập khẩu thấp và miễn trừ Hải quan
- Mở cửa thị trường và kinh doanh tự do
- Cho phép người nước ngoài sinh sống ở Dubai được hoàn toàn sở hữu bất động sản
- Dịch vụ riêng biệt cung cấp bởi Cơ quan Đặc quyền Đầu tư & Phát triển Dubai để thuyết phục các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cá nhân có nhu cầu di chuyển tới Dubai bao gồm:
+ Thu hút các công ty đa quốc gia thông qua việc cung cấp các điều kiện cho họ di chuyển đến Dubai
+ Triển khai thực hiện, phát triển và hỗ trợ chuyên dụng, các liên doanh đầy tham vọng được hưởng lợi từ trợ cấp Chính phủ để giảm thiểu rủi ro và thách thức mà họ phải đối mặt.
+ Hỗ trợ các công ty đẳng cấp thế giới thông qua các đề nghị hấp dẫn để phát triển, kinh doanh, cung cấp cho họ chuyên môn và tham gia vào thỏa thuận hợp tác với họ để cho họ tiếp cận với những khách hàng đẳng cấp thế giới...
Thành phố "vàng" Dubai - nơi có cuộc sống xa xỉ nhất hành tinh.
Cùng với sự xuất sắc trong vấn đề thương mại & tiếp thị của người bản địa, chế độ công quyền lành mạnh, an sinh xã hội và cơ sở hạ tầng tốt... các chính sách ưu đãi đã phát huy tối đa sức mạnh. Lợi nhuận đầu tư vào Dubai đứng top đầu thế giới. Không một nhà đầu tư nào có thể bỏ qua cơ hội lớn đến vậy. Vì thế, dòng tiền trên toàn cầu trong nhiều năm qua vẫn không ngừng dịch chuyển về đầy. Đi kèm với tiền bạc là lượng "chất xám" khổng lồ, giúp Dubai phát triển toàn diện nền kinh tế. Những cơ hội làm ăn mới ra đời, các công nghệ mới nhất trên thế giới không ngừng được tiếp thu đã liên tục tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn với chi phí và mức giá hấp dẫn hơn.
Quá trình "mượn sức người" cũng tạo áp lực cho Chính quyền và người dân Dubai. Đối với Chính phủ, họ buộc phải vượt trội trong quản lý, xuất sắc trong hội nhập, xuất sắc trong quản lý nguồn lực và hiệu quả chi phí... Đối với người dân, họ cũng có áp lực không ngừng học hỏi và bắt kịp hay thậm chí đón đầu sự thay đổi của đất nước. Những công dân bản xứ ngày càng trở nên xuất sắc trong đầu tư, vấn đề tiếp thị và thậm chí là việc cùng tồn tại với khách nước ngoài.
Cuộc sống xa xỉ với nhiều phong cách đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và khách du lịch.
02 - Đặt con người vào trung tâm sự phát triển
Quốc vương Sheikh Mohammed bin Rashid al-Maktoum từng nói: "Điều gì có lợi cho kinh doanh thì cũng có lợi cho Dubai". Tiểu quốc này đã có những lựa chọn rất thông minh trong sách lược thu hút nhân tài. Nếu gọi đây là chiến lược "đại dương xanh" thì hoàn toàn chính xác.
Bởi thay vì ráng sức khai thác các kênh thu nhập truyền thống như thuế doanh nghiệp và thuế cá nhân, Chính phủ nước này đã chuyển hướng sang những khoản mà hầu hết các quốc gia khác đã bỏ qua. Đó là dịch vụ tàu vận chuyển và cảng biển, giao thông, du lịch, hàng không, phát triển bất động sản, xuất khẩu, viễn thông... Những khoản đầu tư này cho phép chính phủ thu được lợi nhuận trực tiếp từ túi tiền người ngoại quốc.
Những tòa nhà xuyên mây ở Dubai. Thành phố này cũng là nơi hiếm hoi cho phép người nước ngoài toàn quyền sở hữu bất động sản.
Và mặc dù được hoàn toàn ở hữu bất động sản cũng như thoải mái đầu tư vào Dubai, nhưng các chuyên gia sống xa xứ vẫn sẽ là chính họ. Chính phủ đã thắt chặt các quy định nhập tịch, nhằm giới hạn các nghĩa vụ xã hội của mình ở mức thấp nhất. Cho dù 80% dân số đang không ngừng gia tăng của tiểu vương quốc này là người nước ngoài, họ vẫn chỉ đóng vai trò là các vị khách xa lạ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngay cả khi không có chính sách phúc lợi xã hội nào cũng như không cung cấp quyền nhập tịch, Dubai vẫn thu hút được nhân tài ngoại quốc? Lý do quan trọng nhất là tiểu vương quốc này đã tạo nên một xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Các công dân bản xứ được hưởng rất nhiều đặc quyền. Họ được sống trong một thành phố an toàn nhất thế giới, là trung tâm hàng không của khu vực.
Đối với công dân nước ngoài, họ cũng được ưu ái không kém cạnh. Ngoài những ưu đãi về mặt chính sách đã nêu, Dubai còn tạo ra nền văn hóa phong phú khiến bất kỳ ai tới đây cũng tìm thấy trải nghiệm của quê hương mình.
Bất động sản nhà ở và các dịch vụ ở Dubai đều có chi phí thấp. Cộng với sự tối ưu của hệ thống công quyền, cơ sở hạ tầng và chất lượng sống đã giúp Dubai hoàn thành xuất sắc mục tiêu mang đến cho nhân tài ngoại quốc trải nghiệm phong phú và độc đáo với mức giá thấp nhất có thể.
Nhờ phục vụ tốt những đối tượng này, Dubai đã tìm được rất nhiều phương án mới để gia tăng thu nhập và phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ tiệm cận với những sáng tạo tân tiến nhất trên toàn cầu.
03 - Đầu tư vào giáo dục để tăng cường sức mạnh nội lực
Trong cuốn sách "Tầm nhìn thay đổi quốc gia", tác giả Mohammed bin Rashid Al Maktoum - Quốc vương của Dubai đã chia sẻ: "Một trong những bước cần thiết để thay đổi quốc gia là thay đổi chương trình giảng dạy ở các trường học, tập trung phát triển sự sáng tạo và kỹ năng của học sinh".
Trong cuộc đua với các quốc gia khác, Quốc vương Dubai cũng nhận xét, sự thành hay bại của Dubai sẽ phụ thuộc vào việc giáo dục một thế hệ mới – những người tin vào Thánh Allah và thực hiện cam kết với quốc gia của họ.
Trường ĐH ở Dubai.
Ông tin rằng, con người là vốn quý của bất cứ tầm nhìn nào. Quốc gia muốn phát triển, thì tầm nhìn của người lãnh đạo là chưa đủ. Quan trọng hơn, phải có những người giác ngộ và thực hành được tầm nhìn đó. Vì thế, nhà nước phải lấy việc nuôi dưỡng nhân tài làm trọng. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua giáo dục thích hợp, hướng đạo cho học sinh các kỹ năng đặc biệt, đồng thời nuôi dưỡng sự sáng tạo trong lòng mỗi người kể từ khi bắt đầu biết đến lớp.
Chia sẻ về vai trò của giáo dục, Thái tử Hamdan từng nói rằng: Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi liên tục của Dubai cho giai đoạn phát triển tiếp theo, Tiểu quốc này cần phải tập trung để Dubai trở thành trung tâm tri thức cho một thị trường rộng lớn và sôi động với hơn 2 tỷ người trên khắp Trung Đông, Bắc Phi và khu vực Nam Á - và còn có thể kéo dài đến châu Phi và Đông Á.
"Chúng tôi biết rằng thế giới đang thay đổi, chúng tôi cần phải bắt kịp với sự thay đổi đó, và thậm chí phải là người dẫn đường. Vì vậy, chúng tôi phải tiếp tục đầu tư vào giáo dục và phát minh, khuyến khích các quan hệ đối tác công-tư", Thái tử Dubai nói. "Tất cả điều đó là rất quan trọng cho sự thành công của chúng tôi hôm nay và tương lai – như là một trung tâm tri thức xuất sắc toàn cầu".
Khuôn viên bên trong sạch đẹp như một khách sạn của trường Đại học Middlesex (Dubai).
Vậy những chính sách về giáo dục ở Dubai có điểm gì đặc biệt?
Nền giáo dục Dubai chịu một phần tác động lớn từ chính sách của UAE. Tại U.A.E, các trường công do Chính phủ cấp kinh phí và miễn học phí cho công dân, trong khi học phí tại các trường học tư nhân sẽ khá cao và có nhiều mức khác nhau.
Ngôn ngữ giảng dạy trong các trường công là tiếng Ả Rập. Tiếng Anh được coi trọng như ngôn ngữ thứ hai. Tại một số trường tư thục họ thậm chí sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ giảng dạy chính. Các hệ thống trường học ở Dubai luôn chú trọng đến việc giảng dạy về đạo Hồi với kiến thức từ nền giáo dục tiên tiến nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị, quy chuẩn văn hóa Ả Rập trong thế giới hiện đại.
Bộ Giáo dục của UAE sẽ chịu trách nhiệm cấp phép cho các trường học. Nhưng chính quyền Dubai còn thành lập thêm Hội đồng tri thức và phát triển con người (KHDA) để phát triển các lĩnh vực giáo dục và nguồn nhân lực tại tiểu quốc.
Cử nhân ở dubai được công nhận trên thị trường lao động toàn cầu.
Tại Dubai, các trường ĐH hầu hết đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, cung cấp cử nhân có chất lượng tuyệt vời. Với tấm bằng cử nhân ở những trường ĐH danh tiếng tại đây, sinh viên được công nhận và có cơ hội tham gia cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu.
Chương trình giảng dạy ở các trường đại học tại Dubai được đánh giá là tiến bộ, bám sát thực tế và trang bị cho người học hành trang thích nghi với nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nghề cũng được chú trọng để đáp ứng nhu cầu lao động lành nghề từ các ngành công nghiệp.
Các công nghệ tiên tiến và phương pháp giảng dạy đổi mới được áp dụng tối đa. Sinh viên được khuyến khích sáng tạo, chia sẻ thông tin khoa học, công nghệ để bình luận và phản biện lẫn nhau.
Nhờ vào chiến lược "đại dương xanh" trong thu hút vốn và nhân tài ngoại quốc, tầm nhìn lãnh đạo đặt con người vào trung tâm của sự phát triển, và chiến lược đầu tư cho giáo dục... Dubai đã trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, quá nhiều ưu ái dành cho người bản xứ đã khiến người Dubai luôn muốn hướng con cái họ quay lại báo ơn cho Tổ quốc và bảo vệ nguồn "chất xám" của quốc gia.
Sự khôn ngoan trong chiến thuật "đánh mượn sức" và củng cố, tăng cường sức mạnh nội lực bằng con đường giáo dục cũng chính là những điểm chung lớn nhất trong chính sách "bồi đắp nguyên khí" của cả Mỹ và Dubai - hai mô hình thu hút nhân tài hoàn hảo nhất thế giới hiện nay!
* Còn tiếp...