Bài học lạnh người sau lũ dữ Sa Ná

Ngọc Hưng |

Những hình ảnh tang thương sau lũ ở bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) khiến chúng tôi nghẹn lời. Nguyên nhân gây lũ được các cơ quan chức năng kết luận là do tắc nghẽn dòng nước lũ khiến bản Sa Ná thiệt hại lớn về người, tài sản…

Sa Ná, nỗi đau còn mãi

Cơn "đại hồng thủy" càn quét qua bản làng Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn) gây đau thương mất mát. Hiện nhiều đoàn cứu trợ vẫn nối đuôi nhau ngược biên. Con đường vào với bản đã dễ hơn nhiều so với thời điểm trước.

Thế nhưng vào được bản rồi, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang trước mắt. Các lực lượng công an, dân quân, biên phòng… vẫn đang nỗ lực giúp bà con thu dọn, vớt vát những thứ còn sót lại dưới những lớp bùn.

Ông Vi Hồng Xiên, cán bộ xã Na Mèo chia sẻ, cụm khu bản Sa Ná bị ảnh hưởng này vốn không nằm trong quy hoạch dân cư, song từ vài hộ ban đầu, các hộ tách dần, tăng dần lên tự lúc nào… mất kiểm soát.

Đến nay cụm bản Sa Ná có tới 74 hộ, phân bổ ven suối Son. Bao lâu nay, con suối Son bắt nguồn từ thượng Lào chảy về đã cung ứng nước tưới tiêu, sinh hoạt cho bà con Sa Ná.

Nhờ đó, mảnh đất vùng biên này trở nên trù phú, thuận nông cho cây lúa, cây ngô sinh trưởng phát triển.

Anh Hà Văn Vân gầy tọp đi hẳn sau đại tang đến với gia đình, khi 6 thành viên bị lũ cuốn trôi. Lực lượng chức năng mới tìm thấy vợ, con trai, chị gái anh, hiện vẫn còn bố, mẹ và con 1 trai vẫn đang mất tích chưa thể tìm thấy.

Mấy ngày này, ngồi trong căn nhà người thân, anh cứ ngước nhìn lên bàn thờ khóc khàn đau xót, khi lại thất thần nhìn qua khung cửa xa xăm, mong kiếm tìm được những người còn lại.

Trong khi đó, cụ Phạm Thị Nít (70 tuổi) cố gắng gượng lết những bước chân đã mỏi ra giữa suối Son thắp nén hương mong sớm tìm được các con của cụ. Cụ Nít kể, nhà có 4 người con nhưng cụ ở cùng nhà với người con út.

Vợ chồng người con trai đầu là Ngân Văn Kiêm và Vi Thị Ọi ở cùng với 2 cháu nội (do các con đi làm ăn xa). Khi lũ đến, ông Kiêm bế cháu nhỏ (3 tuổi) nhờ người đưa lên vị trí cao tránh lũ, sau đó quay về để đưa vợ và người cháu còn lại chạy lũ thì không kịp.

Lũ cuốn trôi ông Kiêm và bà Ọi cùng người cháu 6 tuổi. Người cháu may mắn được cứu vớt sau khi trôi trên dòng lũ gần 4km. Còn vợ chồng ông Kiêm và Ọi đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể.

Ông Xiên cho biết, hiện khu tái định cư cho bà con Sa Ná đang gấp rút san ủi mặt bằng để bà con vào cất dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Phấn đấu cuối tháng 11/2019 này sẽ xong.

Cả nghìn hộ dân sống trong vùng có nguy cơ thiên tai

Bài học lạnh người sau lũ dữ Sa Ná - Ảnh 1.

Cả nghìn hộ dân khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai mong muốn được di dời, bố trí tái định cư.

Sau trận lũ xảy ra, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân là do lòng suối Son bị co hẹp tạo ra nút thắt, nghẽn dòng. Chính quyền cơ sở đã rút kinh nghiệm, chỉ ra nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Trong đó, không thể không nhắc tới yếu tố chủ quan cũng như vai trò, trách nhiệm của chính quyền sở tại. Ngoài việc quy hoạch, bố trí dân cư khu vực có nguy cơ lũ lụt cho tới vấn đề ứng phó, ứng cứu.

Riêng công tác dự báo, cảnh báo chưa sát với thực tế. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương chưa rà soát, đánh giá khu dân cư đảm bảo an toàn với lũ quét, sạt lở đất. Xảy ra lũ quét, 2 ngày sau mới tiếp cận được khu vực bị cô lập, thông tin liên lạc bị mất…

Trước sự việc này, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai trong buổi làm việc tại Thanh Hóa đã cảnh báo, các địa phương ngăn chặn ngay tình trạng khai thác rừng đầu nguồn, không nên sống ở khu vực sông, suối rất nguy hiểm, không nên lấp sông, suối để làm nhà và chính hành động đó tạo nên rủi ro cao.

Đồng thời đề nghị rà soát nơi ở, địa điểm để có phương án sơ tán dân an toàn.

Bài học Sa Ná còn đó, hội nghị rút kinh nghiệm cũng đã được diễn ra tại tỉnh này.

Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các huyện miền núi tỉnh này còn đó cả nghìn hộ dân vẫn đang sinh sống trong vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. Đa phần khi được hỏi các hộ dân này đều mong muốn được sớm di dời!

Đơn cử tại UBND huyện Mường Lát, sau cơn bão số 3/2019, nhiều khu vực dân cư trên địa bàn bị sạt lở.

Ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Cùng với những vùng sạt lở của đợt mưa lũ cuối tháng 8 năm ngoái, toàn huyện hiện có 322 hộ trong diện cần được tái định cư khẩn cấp.

Chúng tôi đã và đang có các văn bản đề xuất tỉnh cho chủ trương. Bởi kinh phí xây dựng các khu tái định cư mới ngoài khả năng của huyện. Rõ ràng, nếu được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh thì mới có thể triển khai.

Con số thống kê gần nhất từ cơ quan hữu trách tỉnh Thanh Hóa trước đợt mưa lũ gây tang thương tại Mường Lát hồi cuối năm 2018 và đầu năm 2019 này cho thấy.

Thực hiện theo Quyết định số 1776/2012 (trước đó là Quyết định số 193/2006) của Thủ tướng chính phủ phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu…

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 11 dự án bố trí sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai. Với mục tiêu ổn định cho 4.395 hộ dân… Đến nay, chỉ có 8 dự án được bố trí vốn thực hiện, với hơn 2.374 hộ được bố trí?!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại