LTS: Bài viết dưới đây được trích trong cuốn Hồi Ký Lý Quang Diệu - Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất, do Omega Plus xuất bản, Alpha Books phát hành toàn quốc.
Câu chuyện chuyển mình của Singapore đã được kể bởi một người không chỉ sống qua tất cả các giai đoạn khó khăn mà chính là nhân vật kiến tạo quốc gia, mở đường cho đảo quốc phát triển.
*****
Trong những năm 1960, tôi đã khởi xướng một cuộc vận động chống khạc nhổ. Nhưng thậm chí trong những năm 1980, một vài tài xế taxi vẫn khạc nhổ ra khỏi cửa sổ và một vài người vẫn khạc nhổ trong chợ và các trung tâm ăn uống.
Chúng tôi vẫn bền lòng và tiếp tục phổ biến thông báo vào các trường học và trên khắp phương tiện thông tin đại chúng rằng khạc nhổ sẽ làm lây lan dịch bệnh như ho lao chẳng hạn. Ngày nay, chúng tôi thấy rằng ít người khạc nhổ nơi công cộng.
Bắt đầu từ sự khác biệt
Sau độc lập, tôi đã tìm kiếm một vài cách để chỉ ra sự khác biệt giữa chúng tôi với các nước thuộc thế giới thứ ba khác. Tôi đành chấp nhận chọn một Singapore xanh và sạch.
Mục đích của chiến lược này là làm Singapore trở thành một ốc đảo trong Đông Nam Á, vì nếu chúng tôi có những tiêu chuẩn của thế giới thứ nhất thì các thương gia và các khách du lịch sẽ chọn chúng tôi làm cơ sở cho việc kinh doanh của họ cũng như là một vùng du lịch.
Xử lý ảnh: Thi Anh
Chúng tôi không thể làm sạch thành phố bằng cách di dời những người bán hàng rong và những taxi bất hợp pháp trong nhiều năm. Chỉ sau năm 1971, khi đã tạo ra nhiều việc làm, chúng tôi mới có thể thi hành luật pháp và làm sạch đường phố.
Chúng tôi cấp giấy phép kinh doanh cho những người bán hàng rong và chuyển họ từ lề đường vào trung tâm dành cho những người bán hàng rong với hệ thống nước cống rãnh và chỗ đổ rác. Mãi đến đầu những năm 1980, chúng tôi mới tái ổn định tất cả những người bán hàng rong.
Một vài người trong số đó làm những món ăn tuyệt hảo hấp dẫn khách du lịch. Một vài trong số đó trở thành những nhà triệu phú đi làm bằng xe Mercedes Benz và thuê người phục vụ. Đây là sự táo bạo, nỗ lực và tài năng của những người tạo nên Singapore.
Để đạt được những tiêu chuẩn của thế giới thứ nhất trong một khu vực thuộc thế giới thứ ba, chúng tôi bắt đầu biến đổi Singapore thành một thành phố vườn nhiệt đới. Tôi đã trồng rất nhiều cây tại buổi khai trương các khu cộng đồng, trong suốt những chuyến viếng thăm của tôi đến những tổ chức khác nhau và các bùng binh.
Một số cây lớn rất mau, nhưng số khác thì không. Khi thăm lại một khu cộng đồng, tôi thấy có nhiều cây non mới trồng, nhưng dường như nó chỉ được trồng để dành cho chuyến viếng thăm của tôi. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi cần một văn phòng có đầy đủ chuyên môn để chăm sóc các cây sau khi đã trồng chúng. Tôi thiết lập một văn phòng như thế trong Bộ Phát triển quốc gia.
Chúng tôi đã trồng hàng triệu cây cối: cọ và các cây bụi. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người và họ tự hào với các khu vực lân cận. Chúng tôi cũng dạy họ cách chăm sóc mà không phá hoại cây cối. Trong vòng một năm, những nơi công cộng đã có sự thay đổi đáng kể.
Hầu hết các nước châu Á đều chú ý rất ít hoặc thậm chí không hề chú ý gì đến việc làm tươi xanh đất nước. Đó là điều khác biệt của Singapore.
Đưa cá trở lại sông
Xử lý ảnh: Thi Anh
Tôi bổ nhiệm Lee Ek Tieng, một kỹ sư dân sự, sau này là người đứng đầu tổ chức chống ô nhiễm, chịu trách nhiệm kế hoạch đắp đập tất cả các con sông, suối. Kế hoạch này được thực hiện trong vòng khoảng 10 năm.
Anh ta phải chắc chắn rằng tất cả rác rưởi, nước cống và các nước thối khác từ các khu dân cư và các nhà máy đều được đổ vào các ống cống. Chỉ có nước mưa sạch được hứng từ các mái nhà, các vườn và được phép chảy vào các máng mở rồi sau đó chảy ra các con sông đã được đắp đập.
Vào năm 1980, chúng tôi đã có khả năng cung cấp khoảng 240.000 mét khối nước mỗi ngày và sau đó đáp ứng được khoảng một nửa lượng nước tiêu thụ hằng ngày của chúng tôi.
Kế hoạch tham vọng nhất của tôi là làm sạch sông Singapore và Kallang Basin để mang cá về lại cho các con sông. Khi lần đầu tiên tôi đề xuất kế hoạch này vào tháng 2 năm 1977, rất nhiều người, đặc biệt là các nhà công nghiệp, đã hỏi tôi: "Tại sao phải làm sạch? Kênh đào Rochore (chảy vào Kallang Basin) và sông Singapore luôn luôn dơ bẩn; là một phần di sản của Singapore!".
Việc làm sạch sông Singapore và Kallang Basin là một công trình có quy mô lớn. Anh ta đặt các ống cống ngầm cho toàn bộ hòn đảo, điều này đặc biệt khó khăn trong một trung tâm thành phố đã được xây dựng sẵn. Chúng tôi di chuyển nhân công của khoảng 3.000 xưởng sản xuất thủ công rồi sau đó tái định cư họ ở những khu công nghiệp.
Chúng tôi cũng thiết lập một tổ chức tái định cư để giải quyết các tranh cãi và mặc cả liên quan đến mỗi đợt tái định cư, cả những người bán hàng rong, nông dân, hoặc những người làm nghề thủ công. Họ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi bị di chuyển hoặc thay đổi công việc.
Điều này quả là một công tác chính trị vốn mạo hiểm nếu không giải quyết cẩn thận và hợp lý. Vào tháng 11 năm 1987, tôi cảm nhận được một điều toại nguyện lớn lao là khai thông sông Singapore và Kallang Basin sạch, sau đó là các ống cống mở của Singapore.
Các dòng sông trong sạch đã tạo nên một chất lượng cuộc sống khác. Giá trị và việc sử dụng đất tăng lên đáng kể, đặc biệt là trong thành phố và những nơi tiếp giáp với dòng sông, kênh rạch. Những khu nhà cao tầng ven bờ biển được xây dựng từ những xưởng đóng tàu nhỏ xấu xí. Thật là một giấc mơ khi thả bộ dọc theo hai bên bờ của sông Singapore.
Biết xấu hổ để có văn hóa
Xử lý ảnh: Thi Anh
Từ thập kỷ 1970, để cứu lấy kẻ nghiện ngập, chúng tôi ra lệnh cấm quảng cáo thuốc lá. Dần dần, chúng tôi ban hành lệnh cấm hút thuốc ở những nơi công cộng - trong thang máy, xe buýt, trong các trạm và trên xe lửa MRT (Mass Rapid Transit) và cả trong các văn phòng có gắn máy lạnh cũng như các nhà hàng.
Chúng tôi có "một tuần tự do hút thuốc" mỗi năm. Như một phần của chiến dịch này, tôi thuật lại trên ti vi kinh nghiệm cá nhân tôi. Tôi đã từng hút khoảng 20 điếu thuốc một ngày như thế nào mãi cho đến năm 1957, trong cuộc tuyển cử hội đồng thành phố, sau khi chiến dịch này diễn ra 3 tuần, tôi bị mất giọng và thậm chí không thể cảm ơn các cử tri.
Bởi vì không thể giới hạn được việc nghiện ngập của mình, tôi bỏ thuốc. Tôi phải chịu đựng trong hai tuần. Vào thập niên 1960, tôi trở nên dị ứng với khói thuốc và không cho phép hút thuốc trong phòng làm việc có gắn máy lạnh của tôi và các phòng nội các.
Trong vòng vài năm, hầu hết các bộ trưởng đều đã bỏ thuốc lá ngoại trừ hai người là Raja và Eddie Barker. Cứ mỗi 10 phút, họ lại đi ra khỏi phòng họp để đốt thuốc và thỏa mãn cơn thèm ở ngoài hành lang. Đây là một trận chiến không ngừng mà chúng tôi vẫn tiến hành.
Lệnh cấm ăn kẹo cao su đã khiến chúng tôi bị nhạo báng rất nhiều ở Mỹ. Đầu năm 1983, Bộ trưởng Phát triển quốc gia đã đề nghị chúng tôi cấm điều này vì các lý do gây ra bởi việc kẹo cao su bị nhét vào các lỗ khóa và các hộp thư cũng như trong các nút điều khiển của thang máy.
Việc nhổ kẹo cao su lên sàn nhà và các hành lang chung làm tốn tiền lau rửa và hư hỏng các dụng cụ vệ sinh. Đầu tiên, tôi nghĩ rằng lệnh cấm này quá khắt khe. Nhưng sau khi những kẻ phá hoại các công trình văn hóa nhét kẹo cao su vào bộ cảm biến của các cửa ra vào của hệ thống xe lửa MRT khiến cho hệ thống bị trục trặc.
Lúc này, tôi không còn là thủ tướng nữa nhưng Thủ tướng Goh và các đồng sự của ông đã quyết định ban hành luật cấm này vào tháng 1/1992. Một vài nghị sĩ đã từng du học ở các trường đại học Mỹ kể lại rằng bên dưới các ghế trong hội trường bẩn thỉu như thế nào với từng mảng kẹo cao su dính dai như đỉa.
Lệnh cấm đã làm giảm đáng kể sự khó chịu, sau khi thanh toán hết các hàng tồn trong các cửa hàng, vấn đề kẹo cao su ở các trạm MRT và trên xe lửa đã giảm đáng kể.
Các phóng viên nước ngoài ở Singapore đã không hề tìm thấy một vụ tai tiếng tham nhũng lớn nào hoặc các hành động phạm pháp nghiêm trọng nào để đưa lên mặt báo, thay vào đó, họ đưa tin có sự hăng hái và thường xuyên của các chiến dịch "làm tốt", nhạo báng Singapore như là một "nhà nước vú em".
Họ cười nhạo chúng tôi. Nhưng tôi vẫn tự tin. Nếu chúng tôi không nỗ lực thuyết phục dân chúng thay đổi cách sống thì hẳn là chúng tôi có một xã hội thô lỗ hơn, khiếm nhã hơn.
Chúng tôi không được coi là một xã hội có học thức, có văn hóa nếu chúng tôi không xấu hổ để bắt đầu cố gắng trở thành một xã hội có học thức, có văn hóa trong thời gian ngắn nhất có thể.
Đầu tiên, chúng tôi giáo dục và hô hào dân chúng. Sau đó, chúng tôi thuyết phục và lôi kéo số đông, chúng tôi xây dựng luật để trừng phạt những thiểu số ngoan cố. Điều này đã khiến Singapore trở thành một môi trường sống thú vị hơn. Nếu đây là một "nhà nước vú em" thì tôi tự hào vì đã được nuôi dưỡng nó.