Mỹ coi trọng đồng minh và Ấn Độ trong chiến lược mới
Ngày 21/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chiến lược mới đối với Afghanistan. Mỹ quyết định tăng quân ở Afghanistan, lo ngại vội vã rút quân sẽ tạo ra “khoảng trống quyền lực”.
Trong chiến lược mới đối với Afghanistan, Mỹ nhấn mạnh sẽ căn cứ vào tình hình chiến sự thực tế để triển khai các hành động quân sự, chứ không phải đưa ra thời gian biểu trước. Tổng thống Mỹ sẽ dành cho quân đội Mỹ tại Afghanistan nhiều quyền lực hơn nhằm tấn công tốt hơn các phần tử khủng bố.
Chiến lược mới của Mỹ tại Afghanistan nhằm tấn công kẻ thù, tiêu diệt tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và Al Qaeda, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn nhằm vào nước Mỹ. Mỹ tiến hành cuộc chiến này bằng cách sử dụng tổng hợp các sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự. Mỹ không tìm cách tái thiết Afghanistan, mà tập trung vào tấn công các phần tử khủng bố.
Mỹ có kế hoạch tăng 4.000 quân ở Afghanistan. Hiện nay, quân đội Mỹ tại Afghanistan có khoảng 8.500 quân, các nước NATO khác có khoảng 5.000 quân. Mỹ đã kêu gọi các nước đồng minh NATO khác cùng tăng quân.
Ngoài ra, trong chiến lược mới của Mỹ, Mỹ coi trọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ, muốn Ấn Độ phát huy vai trò quan trọng trong chiến lược Afghanistan của Mỹ. Ngoài ra, Mỹ còn mong muốn thu hẹp thâm hụt thương mại (31 tỷ USD) với Ấn Độ.
Thủ tướng lâm thời Pakistan Shahid Khaqan Abbasi. Ảnh: The Financial Express.
Mỹ đẩy Pakistan về phía Trung Quốc
Trong khi đó, khi công bố chiến lược mới đối với Afghanistan, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án Pakistan “che giấu” các phần tử khủng bố, cảnh báo Pakistan có thể sẽ phải chịu tổn thất. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson còn cho rằng lòng tin đã bị phá hoại, trong lương lai sự ủng hộ của Mỹ đối với Pakistan sẽ lấy việc nước này áp dụng “phương thức khác nhau” làm điều kiện.
Những phát biểu này của phía Mỹ đã gây phẫn nộ cho Pakistan. Cuối tuần qua, Thủ tướng lâm thời Pakistan Shahid Khaqan Abbasi cho biết: “Từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã cho biết rất rõ là chiến lược quân sự ở Afghanistan không có hiệu quả, cũng sẽ không có hiệu quả”.
Có chuyên gia cảnh báo, chính sách của Mỹ rất có thể tiếp tục đẩy Pakistan vào vòng tay của Trung Quốc. Trung Quốc đang đầu tư trên 50 tỷ USD vào các nước láng giềng Nam Á để triển khai xây dựng “Vành đai, Con đường”, kết nối con đường thương mại giữa các nước trên thế giới.
Hiện nay, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif không đến Mỹ, mà muốn đến Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Pakistan thậm chí đã trì hoãn chuyến thăm Pakistan của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Nam Á là Alice Wells.
Một quan chức ngoại giao Pakistan cho biết trong thời điểm này, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa muốn đưa cuộc chiến Afghanistan đến Pakistan, Trung Quốc tiếp tục đứng về phía Pakistan.
Quan chức này cho biết thêm: “Chúng tôi đã gác lại việc tiếp tục thảo luận, mà muốn trước tiên xác định, quan hệ Mỹ - Pakistan rốt cuộc phải phát triển như thế nào mới có hiệu quả”.
Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Muhammad Asif đến Trung Quốc chứ không phải đến Mỹ thảo luận vấn đề Afghanistan. Ảnh: South China Morning Post.
Quan chức Pakistan cho rằng Mỹ không nên lấy Pakistan làm “con dê tế thần”, đồng thời chỉ trích quân đội Mỹ không thể quét sạch nơi ẩn náu của các phần tử vũ trang ở Afghanistan.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Pakistan từng là đồng minh quan trọng của Mỹ. Khi đó, nước này từng giúp Mỹ chi viện cho tổ chức “thánh chiến” ở Afghanistan để chống lại Liên Xô. Nhưng từ đó trở đi, quan hệ Mỹ - Pakistan đã xuất hiện bước ngoặt.
Washington đối mặt với một vấn đề khó khăn: Một mặt phải dựa vào Pakistan để cung cấp “đầu cầu” cho việc đi vào Afghanistan và toàn bộ khu vực. Mặt khác, muốn phê phán Pakistan không thể tấn công hiệu quả chủ nghĩa khủng bố ở trong nước.