Nhờ đâu Pakistan không hề nao núng trước sức ép khủng khiếp từ tối hậu thư của Mỹ ?

Tất Đạt |

Một chuyên gia nhận định: "Pakistan hôm nay đã khác Pakistan năm 2009, với những mối quan hệ ngoại giao bền vững với Trung Quốc, Qatar, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ."

Lời đe dọa trực tiếp

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi tối hậu thư tới Islamabad, yêu cầu Pakistan ngừng tài trợ khủng bố và đưa ra cảnh báo trừng phạt nếu quốc gia này không tuân theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Pakistan đã từ lâu không còn chịu áp lực từ phía Mỹ.

Do đó, tối hậu thư của ông Trump có khả năng cao sẽ không đạt được kết quả khả quan nào, trừ việc khiến mối quan hệ giữa hai nước ngày càng rạn nứt và gián tiếp giúp Trung Quốc có cơ hội lấn sâu vào khu vực.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Trump tuyên bố sẽ không rút quân Mỹ khỏi Afghanistan như kế hoạch ban đầu và đe dọa nếu Pakistan không đáp ứng đầy đủ các cam kết với Mỹ, thì mối quan hệ giữa Mỹ và Pakistan sẽ trở thành thù địch.

Tại Căn cứ Myer, ông Trump phát biểu: "Chúng ta không thể im lặng mãi trước việc Pakistan chứa chấp khủng bố, phiến quân Taliban và các nhóm khủng bố khác trong khu vực."

Ông Trump không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch tăng viện binh của Mỹ tại Afghanistan hoặc cách thức ép Pakistan phải tuân thủ.

Nhờ đâu Pakistan không hề nao núng trước sức ép khủng khiếp từ tối hậu thư của Mỹ ? - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif. Ảnh: India Today

Nhưng theo dự tính, ông Trump sẽ cắt giảm viện trợ quân sự của Mỹ trong chiến dịch chống khủng bố của Pakistan, chống lại nhóm Tehrik-i-Taliban Pakistan (TTP), al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tương đương khoảng 200.000 nhân sự, chiếm 1/3 số lính thường trực ở quốc gia này.

Pakistan không hề lo sợ

Arif Rafiq, một nhân viên tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu và Viện Trung Đông, cho biết quân đội Pakistan không thực sự phải đưa ra quyết định "theo Mỹ hoặc chống Mỹ".

Pakistan nhìn chung cũng không quá sợ hãi áp lực Mỹ như hồi năm 2009, khi phiến quân TTP chiếm được hầu hết khu vực Tây Bắc Pakistan.

Theo ông Rafiq, tới tận năm 2015 Pakistan mới có thể tiêu diệt được nhóm khủng bố, mặc dù nhóm TTP vẫn tiếp tục tổ chức tấn công từ căn cứ mới ở miền đông Afghanistan.

Ông Rafiq nói: "Pakistan hôm nay đã khác Pakistan năm 2009. Quốc gia này đã an toàn hơn, kinh tế phục hồi, và mối quan hệ với Trung Quốc ngày càng được cải thiện về nhiều chiều. Kể từ sau đợt phục kích trùm khủng bố Osama bin Laden, Pakistan đã tăng cường, thắt chặt quan hệ ngoại giao với Qatar, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhờ vậy, Pakistan đã tách được khỏi phụ thuộc vào Mỹ cũng như có thể đương đầu với áp lực Mỹ. Tối hậu thư của Mỹ đang dần đẩy Pakistan trở thành đồng minh của Trung Quốc hơn là phục tùng Mỹ.

Michael Anton, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng, cho biết Mỹ cũng có thể áp đặt trừng phạt lên các quan chức Pakistan có liên quan tới mạng lưới Haqqani, một tổ chức đồng mình của Taliban, chịu trách nhiệm cho hàng loạt vụ tấn công đẫm máu ở Afghanistan.

Mỹ coi Taliban là một nhóm nổi dậy, mạng lưới Haqqani được coi là một tổ chức khủng bố, và Mỹ sẵn sàng trừng phạt lãnh đạo của tổ chức này.

Nhờ đâu Pakistan không hề nao núng trước sức ép khủng khiếp từ tối hậu thư của Mỹ ? - Ảnh 2.

Lính Mỹ tại Pakistan. Ảnh: RT

Theo ông Michael Kugelman, Phó Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, Pakistan kiểm soát hai tuyến đường cung cấp quân sự tới Afghanistan, và là quốc gia cung cấp nguồn tin tức tình báo quan trọng về các nhóm khủng bố như al-Qaeda cho CIA.

Ông nhận định: "Washington càng đe dọa, Islamabad càng ‘bất tuân’."

Tối hậu thư của ông Trump tới Pakistan được gửi đi khi Ngoại trưởng Tehmina Janjua có chuyến thăm Bắc Kinh để tái thiết lập bàn đàm phán hòa bình giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Dự định, các bên tham gia gồm có Afghanistan, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ.

Đáp trả tối hậu thư của ông Trump, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh lên tiếng bảo vệ Pakistan: "Pakistan đang dẫn đầu trong nỗ lực chống khủng bố. Nhiều năm qua, quốc gia này đã cống hiến và hi sinh không nhỏ trong việc tiêu diệt các phiến quân và gìn giữ hòa bình, ổn định trong khu vực. Chúng tôi hi vọng cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng đắn với nỗ lực của Pakistan trong việc chống khủng bố."

"Chúng tôi cũng hi vọng Mỹ và Pakistan có thể tiếp tục cộng tác trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và cùng nỗ lực để đảm bảo hòa bình cho khu vực."

Nhờ đâu Pakistan không hề nao núng trước sức ép khủng khiếp từ tối hậu thư của Mỹ ? - Ảnh 3.

Ông Tập Cận Bình và ông Nawaz Sharif. Ảnh: Daily Pakistan

Trong cuộc điện đàm hôm thứ Tư (23/8), Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và đề cao "tầm quan trọng của Pakistan trong vấn đề Afghanistan." Ông cũng khẳng định các quốc gia "cần tôn trọng chủ quyền và các vấn đề an ninh của Pakistan."

Trung Quốc cho biết sẽ phản ứng với mọi cáo buộc và sức ép tài chính, kinh tế cũng như chính trị lên Pakistan.

Ông Rafiq nhận định có thể Trung Quốc quan ngại về chiến lược của Trump trong cuộc chiến tại Afghanistan, bởi đây là một phần trong tranh chấp địa chính trị khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt trong mâu thuẫn Trung - Ấn tại Bhutan gần đây.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc nghi ngờ Mỹ sẽ thân thiết với Ấn Độ để cân bằng lại cán cân quyền lực trong khu vực với không chỉ Pakistan, mà còn với Trung Quốc và sáng kiến "Vành đai Con đường" của quốc gia này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại