“Bãi chiến trường” tại siêu thị Auchan: Khách thản nhiên khui đồ ăn, giành giật, không thanh toán… - Miếng ăn là miếng tồi tàn lắm ai ơi!

VD |

Tôi tự hỏi, hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tâm thức của Auchan trước khi rời khỏi Việt Nam là gì? Là cảnh khách hàng chen lấn, xô đẩy tranh giật hàng hóa, là những lốc sữa hút dở vứt chỏng chơ trên kệ, hay là những món đồ vỡ được giấu chặt dưới gầm bàn? Hỡi ôi...

Thứ hai đầu tuần, tôi có đọc được thông tin: "Từ 2/6, Auchan sẽ đóng cửa 15 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh. Hệ thống bán lẻ đến từ Pháp cũng đã đưa ra thông báo kết thúc thời gian các chương trình khuyến mãi sớm hơn dự kiến tại 15 siêu thị sắp đóng cửa."

Và ngày hôm qua, tôi thấy một số chị em bạn bè viết lên Facebook rủ nhau qua Auchan xem mua sắm được gì không. Tôi nghe nói là giảm giá 50% các mặt hàng.

Nhưng thật buồn làm sao, đến sáng nay, tôi xem được những bức hình được cho là của một số người vô ý thức khi mua hàng "giá rẻ" lần cuối tại Auchan.

Một quả táo cắn dở bị bỏ lại trên giá, một chai nước ngọt bị khui ra cũng chơ chọi trên giá cùng một chai nước lọc, một hộp snack khoai tây mất vỏ còn chưa ăn hết...

Một bạn khách hàng vì không chịu được cảnh hỗn loạn ấy, cũng không biết nên nhắc nhở ai nên đành chụp lại những tấm hình làm bằng chứng. Nếu bạn là một người mua hàng trong cảnh hỗn loạn đó, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ bất lực cười khẩy hay cũng vui tay khui một gói bim bim ăn như mọi người?

“Bãi chiến trường” tại siêu thị Auchan: Khách thản nhiên khui đồ ăn, giành giật, không thanh toán… - Miếng ăn là miếng tồi tàn lắm ai ơi! - Ảnh 1.

Thật kì lạ, tại sao hằng ngày chúng ta đọc những bài báo trên mạng về ý thức của người dân nước này nước nọ hay chúng ta phán xét về một bộ phận người có những hành vi công cộng không đúng và rồi có thể chính chúng ta lại là người mắc lỗi ấy?

Có phải chúng ta chỉ là những "anh hùng bàn phím", thích nói, thích phán xét nhưng không thích hành động?

Tôi nói "chúng ta" chỉ muốn để mọi người nhìn lại bản thân mình xem đã có những lúc nào như vậy hay chưa. Còn trong bài viết này, tôi thực sự thấy một bộ phận người Việt như trên cần bị lên án.

Có thể đó là lần mua hàng cuối cùng ở Auchan của họ tại Việt Nam, nhưng họ vẫn không để lại một chút tôn trọng nào. Nhân viên siêu thị đã phải tăng ca đến 12h đêm nhưng vẫn có những vị khách "quái đản" quát mắng, hạch sách rằng đồ không ngon, không chất lượng.

Tôi biết có không ít người có cơ hội sang nước ngoài, họ khen đường phố bên đó sạch sẽ lắm, dân bên đó có ý thức lắm nhưng về tới Việt Nam, về tới nhà, thói quen xấu vẫn hoàn thói quen xấu, "tiện tay" vẫn hoàn "tiện tay".

Làm điều mình muốn, làm điều mình thích, muốn mình không chịu thiệt, muốn mình được hưởng ưu đãi mà không hề nghĩ đến người khác, không hề nghĩ đến ba chữ "sống văn minh".

Sống có ý thức và thay đổi thói quen thật ra không hề dễ dàng ngày một, ngày hai. Đó là cả một quá trình giác ngộ, nhận thức, cố gắng. Điều quan trọng là tự thân mỗi người có ý thức thay đổi, nỗ lực cải biến, loại trừ cái xấu khỏi tâm thức và hành động.

"Ý thức hay vô ý thức khác nhau là biết nghĩ cho người khác. Nếu một ai bảo tôi vô ý thức, ý họ là tôi không biết nghĩ cho người khác." - tôi đọc được một câu nói như thế này. Đúng, thế kỉ 21 rồi, suy cho cùng, chúng ta sống là vì nhau mà thôi.

Mỗi một người là một cá thể riêng biệt, chúng ta chỉ có thể kết nối với nhau khi nghĩ tới nhau, nghĩ cho nhau và nghĩ vì nhau được thôi.

Chúng ta không thể đòi hỏi những người khác xa lạ sống giống chúng ta nhưng chúng ta có thể đòi hỏi họ hãy sống văn minh, sống xanh - sạch - đẹp vì môi trường mà chúng ta đang sống.

Nếu là một người văn minh thì tôi đoán khi mua hàng lần cuối ở Auchan, bạn sẽ vẫn chọn những món hàng bạn cảm thấy muốn và cần mua, bỏ vào giỏ rồi đến quầy thanh toán. Trước khi bạn rời khỏi siêu thị, bạn nở một nụ cười như lời cám ơn và chào tạm biệt Auchan.

Chẳng ai muốn có một cảnh hỗn độn như tận thế như vậy cả và cũng chẳng ai muốn là người mua hàng đến sau chịu thảm cảnh mỳ gói đổ đống ra sàn, lốc sữa thiếu mất vài ba hộp, đồ thủy tinh vỡ bị giấu xuống khay để không ai phát hiện. Khách hàng nào chịu mua đồ xấu, đồ hỏng, đồ không nguyên vẹn, phải không?

Khách hàng là "thượng đế" nhưng không có nghĩa "thượng đế" muốn làm gì cũng được. Tất cả đều có nguyên tắc. Tất cả đều có quy củ. Bạn không thể làm mọi thứ theo ý mình mà không để ý đến sự khó chịu và ánh mắt của những người xung quanh.

Bạn nên làm mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp để bạn không phải xấu hổ với chính mình, với những người xung quanh và với đứa con bạn dẫn đi mua hàng cùng.

Thế kỉ 21 rồi, hãy mua hàng văn minh! Hãy sống văn minh, được không!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại