Bắc và Trung Bộ đón đợt nắng nóng gay gắt mới, có thể kéo dài một tuần

Nguyễn Huệ |

Sau nhiều ngày thời tiết mát mẻ dễ chịu, từ ngày mai 16/5, Bắc Bộ và Trung Bộ đón đợt nắng nóng gay gắt mới trên diện rộng và có thể kéo dài một tuần.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, ngày mai (16/5), vùng núi phía Tây khu vực từ Thanh Hoá đến Phú Yên nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%. Hình thái thời tiết này cũng xuất hiện ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Sơn La, Hòa Bình và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 45-65%.

Bắc và Trung Bộ đón đợt nắng nóng gay gắt mới, có thể kéo dài một tuần - Ảnh 1.

Bắc Bộ và Trung Bộ đón đợt nắng nóng gay gắt mới, nhiệt độ cao nhất gần 40 độ C. (Ảnh minh hoạ: Ngô Nhung)

Ngày 17/5, Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.

Đông Bắc Bộ và Nam Bộ thời tiết nắng nóng. Trong đó, nhiệt độ cao nhất phổ biến ở Đông Bắc Bộ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; Nam Bộ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 45-65%. Thời tiết nắng nóng ở Nam Bộ sẽ dịu dần từ 18/5.

Từ 18-23/5, Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Đông Bắc Bộ trong ngày 18/5 cũng xuất hiện nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ. Nắng nóng ở khu vực này gián đoạn trong 2 ngày khi từ 19-20/5 xuất hiện mưa rào và dông rải rác, nhiệt độ giảm nhẹ. Tuy nhiên, nền nhiệt sau đó nhanh chóng tăng trở lại với đợt nắng nóng diện rộng trong các ngày từ 21-23/5.

Tại thủ đô Hà Nội, theo dữ liệu cập nhật từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong hai đợt nắng nóng liên tiếp trên, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận lên tới 38 độ C trong ngày 22/5.

Trong các ngày 16-18/5, chỉ số tia cực tím trên cả nước duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao.

Cũng theo cơ quan khí tượng, từ khoảng cuối tháng 5/2023, nền nhiệt độ có xu hướng cao hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm, số ngày nắng nóng cũng gia tăng tại Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ và ở mức cao hơn so với năm 2022.

Trong những ngày sau đó, người dân hai miền Bắc và Trung sẽ trải qua một mùa hè nóng bức, khốc liệt hơn năm 2022 khi số ngày nắng nóng trong các tháng 5,6,7 được dự báo xuất hiện nhiều và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022.

Những tháng này, người dân cần đề phòng xảy ra khô hạn cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.

Sang tháng 8/2023, Bắc Bộ và Trung Bộ vẫn đón những đợt nắng nóng, cường độ có thể gay gắt hơn so với năm 2022. Khoảng tháng 9/2023, nắng nóng xu hướng suy giảm hơn.

Tháng 8-10/2023, nhiệt độ tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn khoảng 0,5 độ C. Tháng 10/2023, nhiệt độ tại Trung Bộ cao hơn khoảng 0,5-1 độ C.

Tổng lượng mưa trong tháng 8/2023 ở Bắc Bộ phổ biến mức xấp xỉ nhưng sang tháng 9-10/2023, tổng lượng mưa lại thấp hơn khoảng 10-25% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Trong đợt nắng nóng sau kỳ nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương và 30/4-1/5, Tương Dương (Nghệ An) ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 44,2 độ C vào ngày 7/5, vượt kỷ lục được lập cách đó một ngày của Hồi Xuân (huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá) 44,1 độ C.

Trước đó, mức nhiệt độ kỷ lục 43,3 độ C từng xuất hiện vào ngày 20/4/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại