Theo đài truyền hình NHK (Nhật Bản), vào tháng 5 năm 2022, nam bác sĩ Takashima Shingo đang làm bác sĩ nội trú tại một bệnh viện ở thành phố Kobe thì bất ngờ tự tử .
Theo luật sư của gia đình, Takashima đã làm thêm giờ tổng cộng tới 207 tiếng đồng hồ trong 1 tháng trước khi qua đời và không nghỉ một ngày nào trong suốt 3 tháng.
Trong cuộc họp báo diễn ra hồi tuần trước, Bệnh viện Trung tâm Y tế Konan, nơi vị bác sĩ trẻ tuổi làm việc, đã bác bỏ thông tin đó.
Bác sĩ Takashima tự tử vào năm 2022.
Người phát ngôn của Bệnh viện cho biết: “Có nhiều lúc, các bác sĩ dành thời gian tự học và ngủ theo nhu cầu sinh lý của họ. Do mức độ tự do rất cao nên không thể xác định chính xác giờ làm việc". Khi được CNN liên hệ phỏng vấn, một phát ngôn viên của Bệnh viện cho biết: “Chúng tôi không coi trường hợp này là làm việc ngoài giờ và sẽ ngừng bình luận về vấn đề này trong tương lai”.
Bình luận của Bệnh viện nơi Takashima làm việc là như vậy, nhưng vào tháng 6 mới đây, cơ quan thanh tra lao động của Chính phủ Nhật Bản đã phán quyết cái chết của anh là một sự cố liên quan đến công việc do anh phải làm việc nhiều giờ. Đài NHK đưa tin đồng thời nhấn mạnh áp lực to lớn đặt lên các nhân viên y tế.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, nước này từ lâu đã phải đấu tranh với văn hóa làm việc quá sức. Người lao động ở nhiều lĩnh vực khác nhau phải làm thêm giờ, áp lực cao từ người giám sát và sự tôn trọng công ty.
Căng thẳng sau đó và tổn hại về sức khỏe tâm thần thậm chí còn gây ra hiện tượng gọi là “karoshi” hay “tử vong do làm việc quá sức” - dẫn đến việc ban hành luật nhằm ngăn chặn tử vong và thương tích do làm việc quá giờ.
Ảnh minh họa.
Trong một cuộc họp báo vào thứ Sáu tuần trước (18/8), gia đình bác sĩ Takashima đã mô tả con trai họ bị đẩy đến tuyệt vọng và bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của anh.
Trước khi Takashima tự tử, mẹ anh, Junko Takashima, cho biết con trai bà đã nói “khó quá” và “không ai có thể giúp anh”, theo đoạn video do phương tiện truyền thông địa phương công bố về cuộc họp báo.
Bà Junko nói: "Thằng bé luôn nói với tôi rằng 'Không có ai để ý đến con cả'. Tôi nghĩ môi trường làm việc đã đẩy con tôi đến bờ vực thẳm".
Bà nói thêm: “Giờ đây, con trai tôi đã qua đời, không thể trở thành một bác sĩ tốt nữa. Nó cũng sẽ không thể cứu bệnh nhân và đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, tôi chân thành mong muốn môi trường làm việc của các bác sĩ sẽ được cải thiện để điều tương tự không xảy ra nữa trong tương lai”.
Anh trai của Takashima, người không được nêu tên, cũng phát biểu trong cuộc họp báo rằng: “Cho dù chúng ta nhìn vào số giờ làm việc của em trai tôi như thế nào, 200 giờ (làm thêm) là một con số không thể tin được và tôi nghĩ Bệnh viện đã không có cách tiếp cận sâu sát để quản lý lao động ngay từ đầu".
Một số trường hợp làm việc quá sức ở Nhật Bản đã gây chú ý trong những năm qua. Ví dụ, vào năm 2017, các quan chức Nhật Bản kết luận rằng một phóng viên 31 tuổi (qua đời năm 2013) bị suy tim do làm việc nhiều giờ. Theo NHK, cô đã làm thêm 159 giờ trong tháng trước khi qua đời.
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy hơn 1/4 bác sĩ toàn thời gian tại Bệnh viện làm việc tới 60 giờ một tuần, trong khi 5% làm việc tới 90 giờ và 2,3% làm việc tới 100 giờ.
Những cải cách về luật lao động và quy định làm thêm giờ trong năm 2018 đã đạt được một số tiến bộ nhỏ. Báo cáo của nhà chức trách Nhật Bản vào năm 2022 cho thấy số giờ làm việc trung bình hàng năm của mỗi nhân viên đã “giảm dần”. Tuy nhiên, mặc dù số giờ làm việc thực tế đã giảm nhưng số giờ làm thêm vẫn dao động qua các năm.
Nguồn: CNN