Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin
“Cuộc họp của ngoại trưởng các nước G7 đã can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, bôi nhọ và làm mất uy tín của Trung Quốc một cách đầy ác ý,” phát ngôn viên Wang gay gắt cho biết. Theo ông này, nội dung của “thông cáo đầy ngạo mạn và có tính định kiến.”
“Chúng tôi lấy làm tiếc và bác bỏ điều này,” ông Wang tiếp tục, đồng thời cho biết thêm rằng Bắc Kinh đã thể hiện “sự phản đối mạnh mẽ” đối với Nhật Bản - quốc gia đã tổ chức cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao các nước G7 vào cuối tuần qua.
Các cuộc họp của các nhà lãnh đạo hoặc bộ trưởng các nước phát triển G7 thường kết thúc bằng việc đưa ra một thông cáo chung, trong đó nêu rõ quan điểm của nhóm về các vấn đề quốc tế. Tuyên bố chung được G7 đưa ra ngày hôm qua tập trung nhiều vào Trung Quốc. Theo đó, nhóm các nước phát triển G7 khẳng định rằng “không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông” và thúc giục Bắc Kinh “tránh các hành động đe dọa, ép buộc, dọa nạt hoặc sử dụng vũ lực” trong khu vực.
Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước G7 cũng thể hiện sự ủng hộ của nhóm này với việc Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế đồng thời lên án các hành vi “vi phạm nhân quyền” của Bắc Kinh ở Tân Cương và Tây Tạng. G7 cũng cáo buộc Trung Quốc làm xói mòn “các quyền tự trị và tự do của Hồng Kông”.
Đài Loan là “một phần lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã trả lời như vậy đồng thời tuyên bố rằng “để thực sự giữ cho Eo biển Đài Loan yên bình, điều cần thiết là phải phản đối và ngăn chặn dứt khoát” bất kỳ bước đi nào của Đài Bắc hướng tới độc lập. Ông Wang còn tuyên bố Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là “công việc nội bộ của Trung Quốc mà không lực lượng nước ngoài nào được phép can thiệp dưới bất kỳ lý do nào hoặc bằng bất kỳ hình thức nào”.
Ông Wang kết luận: “Chúng tôi kêu gọi G7 tập trung vào các vấn đề của riêng họ và loại bỏ tâm lý thời Chiến tranh Lạnh.
Căng thẳng đang leo thang nghiêm trọng ở Eo biển Đài Loan kể từ mùa hè năm ngoái, khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi thực hiện chuyến thăm đến hòn đảo này và Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một số tuyên bố cho thấy ông sẵn sàng sử dụng quân đội Mỹ để đẩy lùi một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Trung Quốc nhằm vào Đài Loan. Với việc Washington đẩy mạnh đường lối cứng rắn trong vấn đề Đài Loan, trong đó có cả việc nước này vừa phê chuẩn việc bán hàng trăm tên lửa chống hạm cho Đài Bắc trong tuần này, các thành viên G7 khác đang tỏ ra thận trọng hơn trong vấn đề Đài Loan. Tổng thống Pháp gần đây kêu gọi châu Âu không nên theo đuôi Mỹ trong vấn đề Đài Loan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan là một cuộc khủng hoảng “không phải của chúng ta” và kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu tránh bị lôi kéo vào một cuộc đối đầu vì hòn đảo này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna vẫn đưa tên mình vào thông cáo chung ngày hôm qua của nhóm nước G7, cho thấy rằng, hiện tại, khối vẫn thống nhất trong việc đối đầu với Bắc Kinh.