Bắc Kinh bị "tạt nước lạnh" giữa 5 châu, chuyên gia TQ nói kiểu "vắng mợ thì chợ vẫn đông"

An An |

Xét trên mối quan hệ quân sự song phương, bất kỳ trao đổi nào cũng không phải là món quà từ Mỹ dành cho Bắc Kinh, một chuyên gia Trung Quốc chia sẻ.

Mỹ "giội gáo nước lạnh"

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 7/4 cho biết, vào cuối tháng tư tới, lực lượng hải quân của nhiều nước từ khắp năm châu sẽ gửi lực lượng tới tham dự lễ duyệt binh hạm đội tàu chiến quốc tế nhân kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân Trung Quốc.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cũng cho hay, nhiều hoạt động hải quân giữa các nước sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4 tới đây tại Thanh Đảo.

Trong dịp này, các hội thảo cấp cao, duyệt binh tàu chiến quốc tế, triển lãm quân nhạc liên hợp và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa thể thao sẽ đồng thời được tổ chức.

Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, hải quân nước này - lực lượng hải quân đứng đầu thế giới không nằm trong danh sách trên.

The Washington Free Beacon vào ngày 3/4 dẫn lời quan chức chính phủ Mỹ nhận định, Nhà Trắng phản đối quân đội nước này tham dự sự kiện của Trung Quốc do lo ngại sự hiện diện của tàu chiến Mỹ sẽ giúp Trung Quốc "đánh bóng" hình ảnh quốc tế.

Vì thế, thay vì cử tàu chiến hoặc quân chức quân sự từ Washington, Lầu Năm Góc chỉ cử đội ngũ sĩ quan ở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tới tham dự.

Theo Thời báo Hoàn cầu, không có gì đáng ngạc nhiêm khi Mỹ không cử hạm đội tàu chiến tham gia vào các hoạt động của hải quân Trung Quốc bởi đây là chính sách Lầu Năm Góc đã thực hiện gần 2 năm qua.

Vào ngày 23/5/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rút lời mời Trung Quốc tham dự cuộc diễn tập quân sự liên hợp Vành đai Thái Bình Dương RIMPAC 2018 với lý do quân sự hóa biển Đông.

Bắc Kinh bị tạt nước lạnh giữa 5 châu, chuyên gia TQ nói kiểu vắng mợ thì chợ vẫn đông - Ảnh 1.

Sức mạnh hải quân Trung Quốc không ngừng tăng cường trong những năm gần đây. Ảnh: AP

Nguyên Phó Giám đốc hoạt động hình báo hạm đội Thái Bình Dương - Đại tá James Fanell cho rằng, việc Mỹ hủy bỏ lời mời tham dự hoạt động kỷ niệm của hải quân PLA là một dấu hiệu tích cực.

"Việc không cử bất cứ tàu chiến nào tham dự lễ duyệt binh tàu chiến quốc tế nhân 70 năm kỷ niệm hải quân Trung Quốc ở Thanh Đảo cho thấy chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục duy trì lập trường trước đây", ông nói, "Sự tham gia của các tàu chiến Mỹ sẽ không chỉ hợp pháp hóa hành vi xấu xí của PLA trên biển mà còn làm suy yếu ảnh hưởng của quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương hồi năm 2018".

Thượng nghĩ sĩ James Inhofe - Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đánh giá cao quyết định này của Nhà Trắng.

"Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cần sự hiện diện của tàu chiến và thủy thủ đoàn Mỹ, hải quân Mỹ cũng đang bận rộn đối phó với những thách thức từ sự khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông và những khó khăn lớn khác trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc nên không thế phân tán lực lượng chỉ vì tham dự hoạt động kỷ niệm này", ông Inhofe trả lời trên The Washington Free Beacon.

Chuyên gia Trung Quốc phản bác

The Washington Free Beacon dự đoán, việc tàu chiến Mỹ vắng mặt tại hoạt động kỷ niệm ở Thanh Đảo có thể khiến các đồng minh khác hủy bỏ kế hoạch cử tàu chiến tới tham dự.

Được biết, cho đến hiện nay, đã có khoảng hơn 10 quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Nga đồng ý gửi hạm đội tàu tới Thanh Đảo. Hơn 60 quốc gia cho biết sẽ cử các đoàn đại biểu hải quân tới tham dự lễ kỷ niệm này.

Hoàn cầu dẫn nguồn Press Trust of India (Ấn Độ) ngày 7/4 cho hay, Đại sứ quán nước này ở Trung Quốc tuyên bố, tàu khu trục diệt hạm mạnh nhất Kolkata và tàu tiếp tế INS Shakti sẽ tới Thanh Đảo từ ngày 21-26/4.

Tờ Manila Bulletin (Philippines) cùng ngày dẫn lời Tư lệnh hải quân Manila Bulletin cho biết, hải quân Philippines sẽ gửi tàu vận tải chiến lược BRP Tarlac tới Trung Quốc ngày 21/4. Trên tàu có 118 thủy thủ đoàn và 493 người là thành viên đặc trách hải quân và học viên Học viện quân sự Philippines.

Theo truyền thông Trung Quốc, việc tàu chiến Mỹ vắng mặt tại hoạt động ở Thanh Đảo "không mảy may tác động đến tình hữu nghị và sự tin tưởng giữa hải quân các nước trên thế giới đã xây dựng trong nhiều năm qua".

Ngày 7/4, Hoàn cầu dẫn lời một chuyên gia giấu tên chia sẻ, đây là một hoạt động hải quân đa quốc gia nên việc Mỹ đến hay không thì cũng không có bất kỳ tác động nào đến hoạt động kỷ niệm 70 năm thành lập hải quân PLA bởi xét trên mối quan hệ quân sự song phương, bất kỳ trao đổi nào cũng không phải là món quà từ Mỹ dành cho Trung Quốc.

"Mỹ cử tàu chiến tham dự sẽ tăng cường hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là lí do vô cùng lố bịch, thiếu căn cứ. Hình ảnh quốc tế của Trung Quốc là do chính người Trung Quốc xây dựng và uy tín được nâng cao thông qua những lần hợp tác quốc tế, tăng cường trao đổi", ông này nói, "Sự trao đổi quân sự giữa hai nước là lợi ích của cả hai bên, giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, ngăn ngừa phát sinh những hiểu lầm, phán đoán sai. Quân đội Mỹ giảm sự tương tác với quân đội Trung Quốc sẽ làm giảm cơ hội hiểu biết hải quân Trung Quốc".

Chuyên gia Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh không ngạc nhiên nếu Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra quyết định phản đối như truyền thông đưa tin.

"Điều này cho thấy một số người Mỹ đang khư khư giữ tư duy Chiến tranh Lạnh, coi Trung Quốc là kẻ thù tưởng tượng, là đối thủ cạnh tranh chiến lược. Trên thực tế, tư duy Chiến tranh Lạnh không có lợi cho quan hệ Trung-Mỹ, cũng không có lợi cho hòa bình ổn định của thế giới", ông này cáo buộc thời gian gần đây Bộ Ngoại giao Mỹ đang có hành động bôi nhọ Trung Quốc và phát biểu một số nhận xét sai lầm vô trách nhiệm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại