Bác bảo vệ nghèo bị kẻ gian dàn cảnh cướp xe SH
Cách đây một tháng, giữa Sài Gòn, câu chuyện một bác bảo vệ nghèo bị kẻ gian dàn cảnh cướp xe SH khiến nhiều người thương tâm. Điều không thôi ám ảnh với những ai chứng kiến là giọt nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt khắc khổ của bác.
Xoay sở làm sao, khi mà mức lương hàng tháng còn chưa đủ ăn, nay phải đền cho chủ xe số tiền lên tới 40 triệu đồng.
Đó là ngày 10/3, như thường lệ, khoảng 18h10 bác Nguyễn Văn Hưng (68 tuổi) trực ca đêm tại một quán cà phê trên đường Hoàng Hữu Nam (quận 9, TPHCM). Khi đó, một người đàn ông tầm 30 tuổi, mặc áo đen, chạy tới hỏi bác đường về Linh Xuân (quận Thủ Đức).
Trong khi bác trả lời người này, thì từ đằng sau có một kẻ khác, mặt bịt khẩu trang, bẻ ổ khoá rồi dắt xe bỏ chạy. Sự việc diễn ra chóng vánh đến mức bác Hưng thậm chí còn không nhận ra cho đến khi khách lấy xe, mọi người cùng hô hoán thì đã quá muộn.
Đó là một chiếc xe SH có giá 40 triệu đồng, gấp 8 lần tiền lương mỗi tháng của bác bảo vệ già. Bất lực trước số phận, bác Hưng bật khóc nức nở, thều thào: "Bây giờ gặp hoạn nạn, tui không biết phải làm sao. Số tui nó vốn khổ thế rồi. Giờ tui chỉ cầu xin sức khỏe để làm việc đền tiền cho người ta".
Giọt nước mắt của bác bảo vệ nghèo sau khi bị kẻ gian dàn cảnh cướp xe SH. Ảnh: FB
Bác tính nhẩm, mỗi tháng nhận 5 triệu đồng lương, trả tiền nhà hết 2 triệu rưỡi, ngoài những khoản chi tiêu khác thì phải hơn 1 năm sau mới trả đủ. Không còn sự lựa chọn nào khác, bác lặng lẽ đi về, không kể cho bất cứ ai trong gia đình, ngoài trừ cậu con trai trầm cảm.
"Ba không có tiền đền xe là đi tù". Vì bác cũng biết, dù có kể điều gì với anh, anh cũng không hiểu được.
Bác Hưng là người Huế. Cách đây một năm, bác đưa vợ con vào Sài Gòn sinh sống. Cả gia đình có 6 thành viên, ngoài bác Hưng cùng vợ còn có cậu con trai mắc bệnh trầm cảm, người con gái đáng thương lỡ một đời chồng và 2 đứa cháu ngoại, một trong 2 đứa mắc bệnh bại não. 6 miệng ăn trong nhà đều trông chờ vào đồng lương còi cọc của bác.
Trước đây, bác Hưng bán vé số mưu sinh. Từ tháng 6/2018, bác đi làm bảo vệ, mỗi ngày 12 tiếng, có lúc trực 18 hoặc 24 tiếng.
"Đứa con trai tui bị bệnh, ăn rồi cứ ngồi nhà, trên cái tầng áp mái mà tui cứ lên 5 - 10 phút là thấy nghẹt thở. Nhưng nó cứ ngồi hoài, ngoại trừ xuống ăn cơm với đi vệ sinh. Đứa con gái thì chồng con giang dở, bán vé số mỗi ngày nuôi con.
Mọi người nói là như tuổi tui giờ chỉ có ở nhà chơi với con cháu, nhưng vì mình điều kiện khó khăn, phải lo lao động mà sống chứ" - bác Hưng nói.
Bác Hưng tuy nhiều tuổi nhưng vẫn chấp nhận làm công việc xuyên đêm để có tiền trang trải cho cả gia đình.
48 giờ trôi qua sau khi câu chuyện của bác Hưng được đăng tải lên mạng xã hội, số tiền bác nhận được từ cộng đồng vượt quá giá trị chiếc xe bị mất. 100 triệu đồng mọi người quyên góp, bác chỉ xin nhận 40 triệu, đủ để đền tiền chiếc xe.
Hơn 60 triệu còn lại, bác dành ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn hơn, không giữ lại đồng nào cho riêng mình. Khi ấy, nhiều người thắc mắc: "Tại sao nhà khổ vậy không giữ tiền lại mà mang đi làm từ thiện, chắc ổng có vấn đề?".
Bác Hưng chỉ cười, đáp gọn: "Tui thấy mình là may mắn nhất đời rồi. Mặc dù gia đình tui không có tiền, hiện tại rất khó khăn, nhưng tui vẫn còn đôi tay đôi chân để lao động. Nhiều người còn khổ hơn nữa. Mình giúp họ, biết đâu sau này họ lại giúp mình. Tui sống khổ, ăn khổ, nhưng tâm hồn không khổ nên tui không vì việc này mà lấy cơ hội làm giàu cho mình đâu".
Bác bảo vệ thích nghe nhạc Trịnh, ước mơ được cùng gia đình về thăm quê
Những ngày sau, người lạ vẫn liên tục gọi điện cho bác Hưng với mục đích được giúp bác "thoát nghèo". Tuy nhiên, bác đều từ chối. Trong số hàng trăm cuộc điện thoại gọi tới, có một trường hợp khiến bác phải đắn đo.
"Họ nói với tui là lỡ nhận 29 triệu tiền ủng hộ rồi nên nhận giúp, tui đành nhận số tiền này, nhưng hẹn chỉ dùng đúng 4 triệu mua cho nhà cái tủ lạnh, còn lại cùng họ đi làm từ thiện".
Nói là làm, bác Hưng gửi 10 triệu đồng cho trường tình thương Ái Linh (nơi hai đứa cháu ngoại đang theo học), 10 triệu nữa bác gửi tặng Bệnh viện Nhi Đồng, số còn lại phụ giúp xây dựng tịnh xá Ngọc Hương ở quê nhà.
Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người khiến người đàn ông già sạm so với tuổi. Gần 70 tuổi, nhưng người bảo vệ nghèo vẫn đêm đêm dắt từng chiếc xe, vợ già và con gái ngày ngày đi bán từng tờ vé số.
Có khi mời mà người ta khinh, không thèm trả lời. Cả 6 thành viên sống cùng nhau trong căn nhà trọ xấp xệ chừng 16m2, nhưng chưa bao giờ họ được sum vầy, cùng ăn với nhau một bữa cơm chung. Người này về, người kia lại đi.
Bác Hưng làm bảo vệ, còn vợ và con gái chạy ngoài đường bán vé số mỗi ngày. Người con trai đầu mắc chứng trầm cảm sau một biến cố.
Nguyện vọng lớn nhất của vợ chồng bác Hưng, là trước khi nhắm mắt, con trai có một nơi ăn chốn ở nhất định, con gái bớt khổ cực, nhọc nhằn. Hai anh em phải biết bám lấy nhau mà sống. Rồi những khi ngồi trước hiên nhà, trước bầu trời bao la, có máy bay bất giác vụt qua, bác Hưng ngước lên vái vọng về quê nhà. Nhưng đó chỉ là ước mơ thôi, như tên bài hát mà bác ưa thích - một sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Một cõi đi về.
"Tui và vợ đều thích uống cà phê, nghe nhạc, nhất là dòng nhạc "anh" Trịnh. Trong giờ trực, tôi vẫn hay tranh thủ bật điện thoại lên nghe. Có nhiều bài nó da diết lắm, khiến mình tủi thân, nhớ nhà.
Nói chung, người miền Trung thì nặng về cội nguồn lắm. Nếu có điều kiện, tui muốn đưa cả nhà về thăm quê hương, buổi tối cùng ngồi ở quán cà phê nào đó nghe nhạc trữ tình xưa. Nói chung ước muốn thì nhiều nhưng đơn giản là như vậy hà
Trên đời này, cái gì qua rồi thì qua, mình phải cố gắng và hướng đến ngày mai, phải lạc quan lên mà sống chứ!".
Trong chương trình "Điều ước thứ 7", đã có những giọt nước mắt lẫn nụ cười trên gương mặt người bảo vệ già tốt tính.
Những mong ước giản dị, đơn sơ của bác bảo vệ già đã thôi thúc những người thực hiện chương trình "Điều ước thứ 7" tìm đến bác. Các cặp vé khứ hồi đặc biệt được trao tặng giúp gia đình bác có thể đi được bất kỳ ngày nào để về quê, cùng một khoản tiền mặt hỗ trợ gia đình có một cuộc sống đỡ nhọc nhằn hơn.
Ngoài ra, "Điều ước thứ 7" còn bất ngờ tổ chức một đêm nhạc riêng đặc biệt tại "Phòng trà không tên" dành cho gia đình bác.
Không chỉ được nghe hát, nữ ca sĩ Lệ Quyên còn gửi tặng vợ chồng bác Hưng một chiếc vé miễn phí xem trọn đời các đêm nhạc có nữ ca sĩ biểu diễn tại phòng trà. Bất cứ khi nào muốn, bác và gia đình đều có thể tới và cùng lắng nghe những ca khúc da diết về nhạc Trịnh.
Đối với chúng ta, một câu chuyện bước ra từ mạng xã hội đôi khi đẹp đẽ đến mức nhiều người hoài nghi không biết có đúng hay không. Cuộc sống vẫn luôn đầy rẫy những tia sáng mà phải thật tâm, chúng ta mới nhận ra.
Sau tất cả, nụ cười đã quay về trên gương mặt người bảo vệ nghèo. Họ tuy nghèo cái ăn, nghèo cái mặc, nghèo cái nhà, nghèo cả cái thân hình đen sạm,... nhưng luôn ấp ủ một tâm hồn giàu có tình thương. Sự tử tế cũng vì thế, đủ sức mạnh gieo mầm đi muôn nơi.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người bảo vệ già vẫn luôn tự tin và lạc quan. Vì ngày mai là một ngày mới, hãy luôn cố gắng!
Theo chia sẻ của BTV Diệp Chi (thuộc ê kíp của chương trình "Điều ước thứ 7"), hoàn cảnh hiện tại của gia đình bác Nguyễn Văn Hưng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để góp phần hỗ trợ bác Hưng cùng gia đình, quý độc giả có thể liên hệ trực tiếp với bác thông qua số điện thoại: 0981.516.960.
Địa chỉ: 81 Hoàng Hữu Nam, Phường Tân Phú, Quận 9, TP HCM.
Ảnh: Điều ước thứ 7