Sau khi đọc báo cáo của các nhà khoa học về việc tháng 7/2023 phá kỷ lục để trở thành tháng nóng nhất trong lịch sử, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nói trước báo giới tại trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Mỹ) rằng: "Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc; Kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến".
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết sự phát thải khí nhà kính ồ ạt của con người đã góp phần lớn vào việc gây nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu.
Đối với nhiều người, hậu quả dễ nhìn thấy từ nóng lên toàn cầu là những cơn bão dữ dội hơn, là những đợt nắng nóng thiêu đốt hơn, là những trận cháy rừng thảm khốc hơn... Nhưng đối với các nhà khoa học Trái Đất, nóng lên toàn cầu có khả năng "kích hoạt" những mầm bệnh đáng sợ ẩn mình bấy lâu trong băng.
HIỆN THỰC ỨNG VỚI LỜI TIÊN TRI CỦA BÀ VANGA?
Tờ New York Post cho biết, sự nóng lên toàn cầu đang khiến những vùng băng vĩnh cửu rộng lớn - mặt đất đóng băng vĩnh viễn bao phủ một phần tư Bắc bán cầu - tan băng không thể phục hồi. Điều này đã gây ra hậu quả đáng báo động là "giải phóng các chất hữu cơ bị đóng băng tới một triệu năm, bao gồm cả các mầm bệnh có khả năng gây hại cho con người và Trái Đất".
Năm 2022, Economic Times (Ấn Độ) đăng tải nội dung liên quan đến việc nhà tiên tri mù người Bulgaria là Baba Vanga đã có tiên tri liên quan đến biến đổi khí hậu. Theo Economic Times, nhà tiên tri có biệt danh "Nostradamus của vùng Balkan" đã dự đoán rằng có một đại dịch sẽ xảy ra do một loại virus đông lạnh bị giải phóng vì băng tan do biến đổi khí hậu.
Trước đó, tháng 7/20221, một nhóm các nhà nghiên cứu đã tìm thấy 2 mẫu băng từ sông băng ở Cao nguyên Tây Tạng đang tan chảy có chứa virus cổ đại chưa từng thấy trước đây. Theo các nhà nghiên cứu, lõi băng đã đi vào trạng thái đóng băng ít nhất 14.400 năm trước.
Nghiên cứu sâu thêm, các nhà khoa học phát hiện ra khoảng 33 mã di truyền của virus trong lõi băng. Ngoài ra, 4 trong số 33 mã di truyền thuộc về những họ virus thường tấn công vi khuẩn. 28 mã di truyền virus còn lại chưa từng được tìm thấy trước đây!
Trở về các lần phát hiện mầm bệnh thời gian trước, Phys.org thông tin:
Năm 2003, vi khuẩn đã được hồi sinh từ các mẫu lấy từ đáy lõi băng được khoan vào chỏm băng trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng. Lớp băng ở độ sâu đó đã hơn 750.000 năm tuổi.
Vào năm 2014, một loại virus Pithovirus sibericum "thây ma" khổng lồ đã được hồi sinh từ lớp băng vĩnh cửu 30.000 năm tuổi ở Siberia.
Và vào năm 2016, một đợt bùng phát bệnh than (một căn bệnh do vi khuẩn đất Bacillus anthracis gây ra) ở phía Tây Siberia được cho là do sự tan băng nhanh chóng của các bào tử B. anthracis trong lớp băng vĩnh cửu. Nó đã giết chết hàng ngàn con tuần lộc và ảnh hưởng đến hàng chục người.
Bacillus anthracis là một loại vi khuẩn đất gây ra bệnh than. Ảnh: William A. Clark/USCDCP
Gần đây hơn, năm 2023, các nhà khoa học đã tìm thấy khả năng tương thích di truyền đáng chú ý giữa các loại virus được phân lập từ trầm tích hồ ở vùng cao Bắc Cực và các vật chủ sống tiềm năng.
Khí hậu Trái Đất đang nóng lên với tốc độ ngoạn mục và nhanh hơn tới 4 lần ở những vùng lạnh hơn như Bắc Cực. Các ước tính cho thấy chúng ta có thể chứng kiến 4.000.000.000.000.000.000.000 vi sinh vật được giải phóng khỏi băng tan mỗi năm. Con số này tương đương với số lượng ước tính của các ngôi sao trong vũ trụ.
Mặc dù có một số lượng lớn không thể đo đếm được các vi sinh vật được giải phóng từ băng tan (bao gồm cả mầm bệnh có khả năng lây nhiễm cho các loài hiện đại), không ai có thể ước tính rủi ro mà chúng gây ra cho các hệ sinh thái hiện đại.
Nghiên cứu của một tiến sĩ thuộc Đại học Helsinki, Phần Lan đã có câu trả lời.
CHỈ 1% MẦM BỆNH ĐÔNG LẠNH CŨNG CÓ THỂ GÂY HẠI HÀNH TINH
Mới đây nhất, tạp chí PLoS Computational Biology đăng tải nghiên cứu của Tiến sĩ Giovanni Strona (Đại học Helsinki, Phần Lan) cảnh báo: Việc giải phóng chỉ 1% mầm bệnh mắc kẹt trong lớp băng bị tan chảy của hành tinh có thể gây ra nguy cơ thiệt hại thực sự cho hệ sinh thái của Trái Đất và có khả năng đe dọa sức khỏe con người.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm các chuyên gia từ Đại học Helsinki và Đại học Flinders ở Úc, cho biết việc giải phóng một số mầm bệnh "du hành thời gian" này bị mắc kẹt trong băng của hành tinh trong nhiều thiên niên kỷ có thể làm tăng các mối đe dọa đối với môi trường toàn cầu và thậm chí cả nhân loại.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tính toán các rủi ro sinh thái do việc giải phóng các vi khuẩn cổ đại khó đoán này.
Hình ảnh các nhà khoa học lấy các mẫu băng để nghiên cứu. Ảnh: AFP via Getty Images
Các nhà khoa học đã mô phỏng kỹ thuật số cách mầm bệnh từ quá khứ xâm nhập vào các cộng đồng vật chủ giống như vi khuẩn. Sau đó, họ so sánh tác động của các mầm bệnh xâm nhập đối với sự đa dạng của vi khuẩn chủ - với những tác động trong các cộng đồng không có sự xâm lấn nào xảy ra.
Các mô phỏng tiết lộ rằng các mầm bệnh xâm nhập cổ đại thường có thể tồn tại và phát triển trong thế giới hiện đại, và khoảng 3% có thể trở nên thống trị trong môi trường mới của chúng. Chưa hết, họ cũng phát hiện ra rằng khoảng 1% mầm bệnh xâm nhập có kết quả không thể đoán trước.
Một số mầm bệnh khiến 1/3 số loài vật chủ bị tiêu diệt, trong khi những mầm bệnh khác làm tăng tính đa dạng lên tới 12% so với các mô phỏng. Mặc dù rủi ro do 1% mầm bệnh được giải phóng có vẻ nhỏ, nhưng các nhà nghiên cứu cho biết những đợt bùng phát này thể hiện "mối nguy hiểm đáng kể".
Tiến sĩ Giovanni Strona, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Lần đầu tiên, chúng tôi cung cấp một phân tích sâu rộng về rủi ro gây ra cho các cộng đồng sinh thái hiện đại bởi những mầm bệnh "du hành thời gian" này thông qua các mô phỏng máy tính tiên tiến. Chúng tôi phát hiện ra rằng mầm bệnh xâm nhập thường có thể tồn tại, phát triển và trong một số trường hợp trở nên đặc biệt dai dẳng và chiếm ưu thế trong cộng đồng, gây ra tổn thất đáng kể hoặc thay đổi số lượng loài sinh sống".
Nóng lên toàn cầu đang khiến băng ở nhiều nơi trên thế giới tan không kiểm soát. Ảnh: iStock.
Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện này cho thấy rằng các mối đe dọa không thể đoán trước do các vi khuẩn cổ đại bị mắc kẹt như vậy có thể gây ra "nguy cơ nghiêm trọng" cho Trái Đất hiện đại.
Tiến sĩ Corey Bradshaw, một tác giả khác của nghiên cứu, cho biết: "Kết quả của chúng tôi rất đáng lo ngại, bởi vì chúng chỉ ra rủi ro thực sự xuất phát từ những sự kiện hiếm gặp khi mầm bệnh cổ đại đang bị mắc kẹt trong băng vĩnh cửu và băng tạo ra với hệ sinh thái hiện đại. Trong trường hợp xấu nhất nhưng vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, sự xâm lấn của một mầm bệnh cổ xưa duy nhất có thể làm giảm 30% quy mô cộng đồng vật chủ của nó".
Các nhà nghiên cứu kêu gọi các nhà khoa học cố gắng hiểu rõ hơn về nguy cơ tiềm ẩn do những vi khuẩn cổ đại này gây ra để chuẩn bị cho những hậu quả không lường trước được khi chúng bị giải phóng do băng tan vì nóng lên toàn cầu.
Tiến sĩ Corey Bradshaw cho biết: "Kết quả đó cảnh báo rằng rủi ro không còn đơn giản là một điều tưởng tượng nữa".
Nguồn: Independent, Economic Times, Phys