Theo phóng viên TTXVN tại Anh, tờ Financial Times mới đây đăng bài viết của tác giả John Thornhill dự báo 3 xu hướng kỹ thuật sẽ định hình thập kỷ 20 .
Ông John Thornhill dự báo xu hướng thứ nhất là công nghệ của Trung Quốc sẽ tái định hình lĩnh vực tài chính. Theo ông, các nhà đầu tư phương Tây đang vô cùng phấn khích về công nghệ tài chính (fintech), theo đó sự hội tụ giữa tài chính và công nghệ khiến các dịch vụ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, tại Trung Quốc, quá trình này được mô tả là techfin-công nghệ được làm để tái thiết kế mô hình dịch vụ tài chính từ quan điểm của người sử dụng điện thoại thông minh. Theo ông John Thornhill, đó được xem là lợi thế của người đến sau.
Ông John Thornhill cho rằng tốc độ Trung Quốc chuyển từ kinh tế tiền mặt sang thanh toán số đang diễn ra đáng kinh ngạc. Tổng giá trị các giao dịch đã lên tới khoảng 17 nghìn tỷ USD năm 2017. Mức độ thanh toán trên điện thoại di động của Trung Quốc nhiều gấp 50 lần so với Mỹ. Sự tăng trưởng đó chủ yếu được dẫn dắt bởi hai công ty công nghệ là Alibaba và Tencent.
Trong đó, Alibaba đã tạo ra ví điện tử Alipay, thổi bùng sự gia tăng của loại hình thanh toán này tại Trung Quốc và tạm thời tạo ra quỹ thị trường tiền tệ lớn nhất thế giới. Tecent, đối thủ của Alibaba, đã phát triển các ứng dụng nhắn tin và trò chơi điện tử trực tuyến ngoài ví điện tử WeChat Pay đã thu hút 900 triệu khách hàng.
Mặc dù cả hai công ty trên vẫn còn đất để phát triển tại thị trường nông thôn Trung Quốc, nhưng thị trường nước ngoài vẫn được xem là các mục tiêu hai công ty này nhắm tới, vì hiện vẫn có khoảng 1,7 tỷ người trên thế giới chưa tiếp cận được ngân hàng dù sử dụng điện thoại thông minh.
Những người này sẽ tìm kiếm các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số giá rẻ và tiện lợi để sử dụng, và khi đó Trung Quốc có cơ hội định hình loại hình tài chính mới của thế kỷ 21.
Về xu hướng thứ hai, theo ông John Thornhill đó là sự tăng cường sức mạnh của máy tính. Theo ông, những hạn chế vật lý về số linh kiện bán dẫn chủ động (transistors) được gắn trong vi mạch silicon là không đáng lo ngại đối với ngành máy tính, vì các kỹ sư vẫn đang năng động tìm tòi các cách thức khác.
Việc dịch chuyển của máy tính đến điện toán đám mây và những ứng dụng trên các thiết bị điện tử đã tạo ra những kiến trúc mới của sự kết nối.
Việc mở rộng mạng lưới 5G sẽ mang lại những trao đổi dữ liệu nhiều hơn. Những bước đột phá trong thiết kế vi mạch chuyên biệt và máy tính lượng tử (quantum computing) có thể cũng sẽ dẫn đến các cách thức khác nhau trong việc đưa ra những kết quả được cải tiến.
Tuy nhiên, theo ông John Thornhill, xu hướng kích thích trí tò mò nhất vẫn là làm thế nào để nhanh chóng cải tiến phần mềm (software).
Xu hướng thứ ba theo ông John Thornhill là việc giảm chi phí giải mã bộ gen người mở đường cho y học cá nhân hóa. Viện nghiên cứu giải mã bộ gen người ước tính chi phí giải mã đã giảm từ 14 triệu USD năm 2006 xuống còn khoảng 1.000 USD vào năm 2016.
Do đó, mục tiêu tiếp tục giảm chi phí giải mã xuống còn 100 USD là điều có thể đạt được. Và khi đó, đến năm 2025 khoảng 2 tỷ người có thể có được giải mã bộ gen của mình.
Theo ông John Thornhill, mặc dù xu hướng này có thể dẫn đến những tranh cãi về mặt đạo đức, nhưng vẫn đưa ra nhiều hy vọng mới về khả năng điều trị một số căn bệnh./.