Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn hôm 5/1 tuyên bố, bà sẵn sàng nói chuyện với đại lục nếu Bắc Kinh từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Bắc.
"Là một lãnh đạo được bầu cử dân chủ, tôi phải bảo vệ nền dân chủ, tự do và lối sống của chúng tôi", bà Thái Anh Văn trả lời các nhà báo nước ngoài ở Đài Bắc, giải thích việc bác bỏ lời đề nghị của ông Tập được nêu ra trong bài phát biểu đánh dấu 40 năm kết thúc đối đầu quân sự trên eo biển Đài Loan.
Trước tiên, bằng cách khẳng định chính sách "một Trung Quốc" và "một quốc gia, hai chế độ", Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định chính trị của họ đối với Đài Loan và các bước để thống nhất.
Đây là một sự coi thường lớn đối với thực tế là Đài Loan đã tồn tại và vận hành đầy đủ như tất cả các quốc gia dân chủ khác, bà Thái Anh Văn nói.
Thứ hai, Trung Quốc có kế hoạch tham gia tham vấn chính trị với các đảng chính trị thay vì chính quyền Đài Loan được bầu cử dân chủ, là sự tiếp tục của chiến dịch có chủ ý nhằm phá hoại và lật đổ quá trình dân chủ và tạo ra sự chia rẽ trong xã hội Đài Loan, bà Thái nhấn mạnh.
Bắc Kinh đã đình chỉ các cuộc đàm phán và trao đổi chính thức với Đài Loan khi bà Thái Anh Văn trở thành nữ lành đạo vào năm 2016.
Kể từ đó, Bắc Kinh luôn tuyên bố sẵn sàng thống nhất Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết, khiến 5 đồng minh "cắt đứt" quan hệ với Đài Loan, nhằm gây áp lực lên bà Thái Anh Văn.
Sự thiếu dân chủ và bảo vệ nhân quyền, cũng như các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc là những lý do chính [mà người dân ở đây không tin tưởng Bắc Kinh]. Đây là lý do tại sao đa số ý kiến ở Đài Loan phản đối việc thống nhất, nhà lãnh đạo Đài Loan nói.
Khi được hỏi liệu chính quyền của bà có sẵn sàng đàm phán với Bắc Kinh hay không, nữ lãnh đạo Đài Loan khẳng định, Đài Bắc không phản đối các cuộc đàm phán, nhưng Bắc Kinh phải tiến tới dân chủ, bảo vệ nhân quyền và từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan.
Chỉ khi hai bên tăng cường nỗ lực để tích lũy niềm tin đầy đủ thì cơ hội cho [đàm phán] sẽ được mở rộng và các lựa chọn sẽ tăng lên, bà Thái khẳng định.