Ông Trần (Quảng Đông, Trung Quốc) sở hữu một công ty trong lĩnh vực cho thuê bất động sản. Trong một lần gặp gỡ khách hàng, ông vô tình gặp người đầu bếp Lý Kiến Sinh đang muốn tìm địa điểm mở nhà hàng. Vợ chồng ông Trần có người con trạc tuổi đầu bếp Lý nhưng đã qua đời do bạo bệnh, thấy người thanh niên họ Lý vừa có tài lại tốt bụng, họ rất cảm mến và giúp đỡ anh trong việc khởi nghiệp.
Nhà hàng Lý Kiến Sinh làm ăn phát đạt, vợ chồng ông Trần thường xuyên đến ủng hộ và trở thành khách quen. Tuy nhiên một vài năm sau, ông Trần ra đi đột ngột sau một cơn đau tim. Bà Trần chuyển đến nhà một người họ hàng nhưng sớm dọn đi vì họ không quan tâm đến bà, chỉ tìm cách lợi dụng để nhanh chóng thừa kế tài sản. Vợ chồng đầu bếp họ Lý đã đến đón bà Trần về sống chung, chăm sóc như người thân trong gia đình.
Lý Kiến Sinh luôn coi bà Trần như một ân nhân, vợ chồng anh cần có trách nhiệm đáp lại nghĩa tình của vợ chồng bà năm xưa. Trong những năm tháng cuối đời, bà Trần luôn có người tận tâm chăm sóc trên giường bệnh, giúp bà cảm thấy không cô độc. Vậy nên người phụ nữ này không chần chừ lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho gia đình họ Lý.
Sau khi bà Trần qua đời, 4 người cháu họ hàng xa đột nhiên xuất hiện tại đám tang, chờ được thừa kế tài sản thừa kế nhưng luật sư cho biết họ sẽ không được nhận bất cứ một xu nào khi di chúc chỉ có tên Lý Kiến Sinh. Vậy nên họ quyết định kiện vợ chồng Lý với cáo buộc lừa đảo, làm giả di chúc.
Những người cháu này cho rằng vợ chồng Lý Kiến Sinh cố tình tiếp cận bà Trần trong vài năm gần đây, lợi dụng việc cụ bà 90 tuổi trí nhớ kém, có biểu hiện lú lẫn tuổi già để ký vào di chúc có lợi cho họ. Tuy nhiên luận điểm này nhanh chóng bị bác bỏ khi anh Lý đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ của 2 bên gia đình đã kéo dài cả thập kỷ.
Có nhiều người hàng xóm quanh nhà hàng có thể làm chứng việc vợ chồng ông Trần đã thân thiết với Lý Kiến Sinh từ lâu, không phải chỉ trong khoảng thời gian bà Trần sức khỏe yếu. Lý Kiến Sinh chứng minh bản thân là người hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng với bà Trần, có trách nhiệm chăm sóc y tế và tinh thần cho người quá cố. Việc này đáp ứng các điều kiện để phân chia tài sản thừa kế một cách hợp lý theo chế độ thừa kế được quy định trong Bộ luật Dân sự Trung Quốc.
4 người cháu lại lập luận bà Trần mắc chứng mất trí nhớ nên di chúc không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên nhân chứng mang tính quyết định là bác sĩ riêng và luật sư của bà Trần đưa ra giấy xác nhận thời điểm lập di chúc, cụ bà vẫn tỉnh táo, có đủ năng lực và hành vi dân sự.
Với giấy xác nhận mang tính quyết định này, Tòa án đưa ra phán quyết di chúc của bà hoàn toàn hợp lệ, toàn bộ tài sản của vợ chồng họ Trần thuộc về đầu bếp Lý Kiến Sinh. Những người cháu sững sờ khi nghe phán quyết nhưng cũng không thể phản đối thêm vì họ đã nhiều năm không liên lạc với bà Trần, không chăm sóc bà trong những ngày cuối đời. Tuy vậy, đầu bếp Lý vẫn chủ động giúp những người cháu của bà Trần trả án phí, kết thúc cuộc tranh chấp tài sản.
Phán quyết không ít người ngỡ ngàng vì lầm tưởng chỉ cần chứng minh mối quan hệ huyết thống với bà Trần, những người cháu cũng có phần trong tài sản thừa kế. Trên thực tế, di chúc phản ánh nguyện vọng của người quá cố, nếu được Tòa án công nhận tính hợp pháp thì sẽ được thực hiện đúng theo nội dung di chúc, không phân biệt người thừa kế là người thân hay “người dưng”.