Bà Phạm Chi Lan: "Người Mỹ phát triển đặc khu Las Vegas riêng với Silicon, chúng ta sao lại cho chung vào một cụm?"

L.T |

Chuyên gia kinh tế kỳ cựu cho rằng, chỉ trong 10 năm tới, 80% ngành hiện nay sẽ mất đi, 80% công việc mới sẽ hình thành, nên việc kéo dài những ưu đãi ở đặc khu lên tới gần cả thế kỷ là không nên.

Việt Nam đi sau thì phải biết học bài học của những người đi trước, thành công cũng như không để rút kinh nghiệm cho mình, tránh những vết xe đổ, làm được tốt nhất như các nước đã làm tốt. Như vậy, chúng ta mới có thể giống như họ, vượt lên với tốc độ cao.

Nhắc tới những cảnh báo của World Bank về việc triển khai đặc khu kinh tế, bà Lan cho rằng đó là những lời khuyên đáng được cân nhắc. Nếu đại diện World Bank lo ngại đó sẽ là "cuộc đua xuống đáy", thì chuyên gia Phạm Chi Lan dùng từ "cạnh tranh không bình đẳng cho doanh nghiệp bên trong và bên ngoài đặc khu".

"Số lượng doanh nghiệp trong đặc khu ít hơn so với đa số doanh nghiệp ở ngoài. Bên trong, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài, tới đây vì lợi nhuận; đến một lúc nào đó, tìm kiếm được một thị trường tốt hơn, sẽ rời đi; nhưng ngoài đặc khu, là doanh nghiệp Việt Nam, là nhóm doanh nghiệp đã và sẽ gắn bó với nền kinh tế Việt Nam qua nhiều đời. 

Lâu nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi nổi bật cho nhóm doanh nghiệp nước ngoài. Đến khi có đặc khu, sự ưu đãi quá lớn một lần nữa liệu có khiến nhóm doanh nghiệp này lấn át doanh nghiệp trong nước, thay vì hỗ trợ và cùng nhau phát triển?", nữ chuyên gia băn khoăn.

Chính sách ưu đãi thuế trong luật về đặc khu tiếp tục là vấn đề được bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh với những ý kiến phản biện. Theo bà Lan, khung luật cơ bản cho doanh nghiệp là luật doanh nghiệp, luật đầu tư đã được định hình, do đó, luật đặc khu có thể tạo ra những ưu đãi nhất định nhưng phải phân định ra cho từng ngành.

"Các nhà đầu tư bất động sản đã vào Phú Quốc từ hàng chục năm, trong khi du lịch Quảng Ninh phát triển rất mạnh nhờ Hạ Long, chưa cần chờ Vân đồn. Sự phát triển của ngành du lịch như vậy có nhất thiết phải cần tới ưu đãi riêng cho bất động sản, nghỉ dưỡng, resort.. hay không? Tôi nghĩ, câu trả lời là không, vì Việt Nam vốn đã có ưu thế về du lịch rồi, ưu đãi thêm nữa chỉ tạo ra chênh lệch với du lịch ở các địa phương khác trong cả nước.

Khung luật cơ bản cho doanh nghiệp là luật doanh nghiệp, luật đầu tư đã được định hình, luật đặc khu có thể tạo ra những ưu đãi nhất định nhưng phải phân định ra cho từng ngành: những thứ ở bên ngoài không thể phát triển, thu hút đầu tư được thì mới ưu đãi, nhưng cái ở ngoài vẫn làm được thì cần gì tới luật ưu đãi riêng cho nó? Hoặc những ngành vốn không cần quá nhiều ưu đãi cũng đã phát triển thì cũng không nhất thiết phải có ưu đãi riêng".

Bà Phạm Chi Lan: Người Mỹ phát triển đặc khu Las Vegas riêng với Silicon, chúng ta sao lại cho chung vào một cụm? - Ảnh 1.

Riêng về vấn đề đất đai, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng con số ưu đãi lên tới 70-99 năm là không cần thiết, bởi nền kinh tế thay đổi liên tục, kéo theo sự thay đổi của các ngành kinh doanh, nên thời hạn như vậy là quá dài.

"Theo tính toán, chỉ trong 10 năm tới, 80% ngành hiện nay sẽ mất đi, 80% công việc mới sẽ hình thành. Điều đó có nghĩa là tuổi thọ của các ngành chỉ kéo dài 1-2 thập kỷ thôi.

Vậy việc gì phải ưu đãi đất đến 70 năm, thậm chí là 99 năm? Thời hạn dài như thế trong chính sách có bóng dáng thuận lợi cho các doanh nghiệp bất động sản, thay vì mang lại lợi ích cho các ngành khác".

Xét riêng về các ngành được ưu đãi phát triển tại đặc khu, bà Lan nêu thắc mắc về việc số lượng ngành quá lớn (ban đầu ưu đãi 134 ngành, sau đó rút dần xuống 120 ngành và hiện còn hơn 100 ngành), không phân tách được ưu thế của từng đặc khu. Bởi mỗi khu vực sở hữu nguồn lực khác nhau về đất đai, con người, thiên nhiên, tiền năng phát triển cũng như những điểm yếu, nên số lượng hàng trăm ngành nghề cùng được ưu tiên phát triển trong một khu vực giới hạn là rất khó.

"Nếu nói về công nghệ cao, ở Việt Nam đang tập trung rất nhiều ở cứ điểm ở TP HCM, Hà Nội, lan ra Đà Nẵng, Cần Thơ… là đô thị lớn, tập trung về nguồn lực, trí tuệ, con người, lao động có kỹ năng… Đó là điều mà các công ty này cần, họ phải làm việc ở môi trường như thế, thay vì một vùng đất mới chưa có cơ sở vật chất gì, chưa có hỗ trợ, kết nối.

Nếu nhìn vào Mỹ, có thể thấy Las Vegas phát triển một cách riêng, còn thung lũng Silicon riêng. Các nhà đầu tư công nghệ cao tập trung tới Silicon, chứ không đến Las Vegas. Trong khi đó, thiết kế đặc khu của chúng ta dồn tất cả các ngành đó vào 3 nơi, liệu có thành được hay không?", bà Lan đặt câu hỏi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại