TS Võ Trí Thành: Năng lực của đặc khu tại Việt Nam phụ thuộc vào việc dám chơi và biết chơi

Lam Thiên |

Theo ông Võ Trí Thành, dù là đã muộn, phải đối mặt với nhiều rủi ro và đầy thách thức, nhưng Việt Nam phải dám đánh cược vào cuộc chơi phát triển đặc khu kinh tế này.

Phát biểu trong Hội thảo "Đặc khu – thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công" do VTV24 thực hiện sáng ngày 18/5/2018, TS Võ Trí Thành – Nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu quản lý Trung Ương cho rằng thế giới giờ đang thay đổi rất mạnh mẽ, từ thể chế, chính sách về kinh tế tới phát triển các ngành công nghiệp riêng lẻ, và Việt Nam không thể nằm ngoài xu thế này.

"Dù muộn, phải đối mặt với nhiều rủi ro và đầy thách thức, nhưng Việt Nam phải dám chơi, đánh cược vào cuộc chơi phát triển đặc khu kinh tế này".

Về "biết chơi", ông Thành chỉ ra 3 câu hỏi cần quan tâm nhất khi phát triển về đặc khu kinh tế, bao gồm tự do dịch chuyển các loại nguồn lực, thể chế bộ máy và các ưu đãi hỗ trợ đi kèm.

Theo Nguyên Phó viện trưởng viện nghiên cứu quản lý Trung Ương, Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều hiệp định có tính tự do cao, như CPTPP, hiệp định với EU, nhưng ngay cả những hiệp định với mức độ yêu cầu về cao như thế chỉ có thể coi là cái nền để Việt Nam đối chiếu.

"Nếu chỉ đạt được tự do đến mức cao như ở các hiệp định đó thì chưa đủ, bởi còn rất nhiều vấn đề liên quan đến tài chính, con người – nhất là những con người có kỹ năng. Dẫu rằng chúng ta không thể chắc chắn 100% sẽ thay đổi, nhưng phải tạo ra được những điểm vượt trội về sự dịch chuyển này để tạo ra động lực phát triển tốt nhất cho các đặc khu".

TS Võ Trí Thành: Năng lực của đặc khu tại Việt Nam phụ thuộc vào việc dám chơi và biết chơi - Ảnh 1.

Ưu đãi thuế của đặc khu được đánh giá "chỉ thua thiên đường thuế".

Ở một khía cạnh khác, ông Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, luật đặc khu đang được đề xuất đã đưa rất nhiều ưu đãi thuế, ở mức "có lẽ chỉ thua các thiên đường thuế". Dẫu vậy, với các nhà đầu tư quan tâm tới đặc khu kinh tế tại Việt Nam, việc tạo dựng những chính sách phi thuế quan, đặc biệt về thể chế và cơ chế giải quyết các mâu thuẫn mới là yếu tố quan trọng nhất, trong khi những ưu đãi về tài chính chỉ xếp thứ 6, thứ 7.

Bàn về thể chế, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng "đang thuộc hàng phức tạp nhất thế giới". Với đề xuất của riêng mình, cựu lãnh đạo Bộ Tư pháp cho rằng luật đặc khu khi xây dựng cần giảm thiểu sự phân mảnh về quyền, không tạo thêm dư địa mâu thuẫn chồng chéo, làm khó người thực thị pháp luật.

"Thể chế và pháp luật với đặc khu phải tiếp cận được với văn mình nhân loại, không thể để yếu tố đặc thù của khu vực, quốc gia che lấp văn mình nhân loại đã đúc kết được. Tốt nhất, luật cần thể hiện sự phân quyền đầy đủ, rành mạch, đi thẳng vào cuộc sống, tức là có thể áp dụng ngay luật mà không cần thông qua thông tư, nghị định hướng dẫn chi tiết nữa".

Phát biểu tại hội thảo trước thềm luật về đặc khu được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 5 tới đây, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là vấn đề mới, khó và chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Do đó, việc xây dựng luật được thực hiện trên quan điểm thận trọng, đảm bảo tính cạnh tranh, phù hợp thông lệ quốc tế, khả thi nhưng không nên quá cầu toàn.

"Trong vòng 10 năm, Hàn Quốc đã có tới 6 lần sửa đổi luật về đặc khu, vì vậy, Việt Nam không nên quá cầu toàn để mất đi cơ hội của đất nước", Bọ trưởng Dũng nói.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ rằng điều quan tâm nhất của Bộ hiện nay là sau khi ban hành luật sẽ tổ chức thực hiện như thế nào để đáp ứng được kỳ vọng và mang lại tác động tích cực cho các đặc khu kinh tế. "Đây là lần đầu tiên chúng tả chủ động tạo ra sân chơi quốc tế ngay trên lãnh thổ Việt Nam, thể hiện sự mạnh dạn và quyết tâm của Đảng, Chính phủ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại