G20: Tranh thủ "ôn bài phút chót", bà Merkel gây sóng gió chính trường Australia

Tất Đạt |

Nhiều người đã đặt ra câu hỏi lớn dành cho bà Angela Merkel sau khi bức hình chụp lại khoảnh khắc bà đọc tập tài liệu được lan truyền trên mạng xã hội.

Ông Morrison - thủ tướng thứ 30 của Australia - đã có màn "ra mắt" với thủ tướng Đức tại kì thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina. Tuy nhiên, trước khi cuộc gặp bắt đầu, nhiều người đã nhìn thấy bà Merkel đọc tiểu sử của ông Morrison ngay trong lúc tân thủ tướng Australia ngồi cạnh bà.

Mặc dù một số người coi hành động "ôn bài phút chót" của bà Merkel là thiếu tinh tế, một số người khác lại lên tiếng bảo vệ bà. Suy cho cùng, ông Morrison là thủ tướng thứ 5 của Australia kể từ năm 2013. Việc thay thế nhà lãnh đạo diễn ra quá nhanh nên ông Morrison đã trở thành thủ tướng thứ 3 của Australia tham gia G20 chỉ trong vòng 4 năm trở lại đây.

"Chúng ta đều muốn biết ông Morrison là ai và tại sao ông ấy lại có mặt ở đó. Bà Merkel có thể chuyển tài liệu cho mọi người cùng đọc chăng?" một người dùng Twitter hỏi.

Bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức từ năm 2005, tức là trong nhiệm kì của mình bà đã trải qua thời kì lãnh đạo của nhiều thủ tướng Australia, trong đó có ông John Howard, Kevin Rudd, Julia Gillard, Tony Abbott, Malcolm Turnbull và hiện tại là Morrison.

Bức ảnh tưởng chừng vô tình đã gây ra một số "sóng gió" chính trị tại Australia, khi đảng Lao động - hiện đang dẫn trước liên minh cánh hữu của ông Morrison - tận dụng khoảnh khắc này làm lợi thế công kích lãnh đạo đương nhiệm.

Bà Merkel không phải là nguyên thủ duy nhất chưa quen với sự hiện diện của ông Morrison tại Buenos Aires. Trước đó, khi gặp ông Morrison, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hỏi thủ tướng Australia rằng "chuyện gì xảy ra với người tiền nhiệm".

Vừa qua, tại hội nghị G20, bà Merkel đã có dịp đối thoại với nhiều lãnh đạo cấp cao khác trên thế giới, trong đó có tổng thống Putin. Theo RT, vị Tổng thống Nga đã dùng một số đồ ăn sáng trên bàn để vẽ một bản đồ tái hiện vụ việc tàu Ukraine xâm phạm lãnh hải của Nga tại khu vực sát sườn bán đảo Crimea.

Đáp lại, bà Merkel thể hiện thiện chí muốn giúp hòa giải bất đồng giữa Ukraine và Nga. Tuy nhiên, ông Putin cho rằng đây không phải vấn đề có thể giải quyết "một sớm một chiều", và việc trao trả 24 thủy thủ bị bắt giữ sẽ không thể thực hiện ngay lập tức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại