Bà mẹ hiếm muộn bị vỡ tử cung, giây phút sinh tử vẫn xin "cứu con” và điều kỳ diệu đã đến

Đậu Đậu |

Đối diện với giây phút sinh tử, chị Lành vẫn cố gượng sức nói với bác sĩ trong nước mắt: 'Bác sĩ cố cứu con cháu, đau bao nhiêu cháu cũng chịu được'.

Người ta vẫn thường kể cho nhau nghe cảm xúc vỡ òa của lần đầu ôm con trong lòng, giây phút đó thật hạnh phúc và thiêng liêng biết bao. Nhưng với những bà mẹ hiếm muộn, chặng đường để tận hưởng niềm hạnh phúc đó chẳng hề dễ dàng.

"Tìm con" đã khó, làm sao để "giữ con" tròn 9 tháng 10 ngày trong bụng, mạnh khỏe chào đời còn khó khăn hơn. Có lẽ vì tình yêu dành cho con quá lớn, khát khao được làm mẹ quá nhiều mà họ có thể bất chấp mọi đau đớn, chấp nhận đánh đổi bằng cả mạng sống, để được hoàn thành ước mơ bé nhỏ đó là được nhìn thấy con.

Đã hơn 1 năm trôi qua, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê (một bác sĩ Sản phụ khoa) vẫn chưa quên câu chuyện của thai phụ Nguyễn Thị Lành (29 tuổi, Hà Nội). Chị Lành là một bà mẹ đã hiếm muộn 5 năm.

"Bác sĩ cố cứu con cháu, đau bao nhiêu cháu cũng chịu được"

Tháng 7 năm 2021, chị Lành vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đau bụng dữ dội, xuất huyết ồ ạt, huyết áp giảm sâu chỉ còn 60/40 do mất máu quá nhiều... Bác sĩ Lê là người tiếp nhận trường hợp cấp cứu của chị, kết quả khám và siêu âm cho thấy sản phụ này đã bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 18, tiên lượng rất xấu cho cả mẹ và con, cần phải thực hiện phẫu thuật ngay.

Bác sĩ Lê kể, vào giây phút được đưa vào phòng phẫu thuật cấp cứu, dù cơ thể rất yếu, chị Lành vẫn cố gượng sức nói với bác sĩ trong nước mắt: "Bác sĩ cố cứu con cháu, đau bao nhiêu cháu cũng chịu được".

"Bạn ấy rơi vào tình trạng hết sức nguy hiểm rồi nhưng không hề màng tới bản thân, chỉ muốn cứu con", bác sĩ Lê kể lại.

Nhiều năm công tác trong ngành sản phụ khoa, bác sĩ Lê hiểu được sự vất vả và những mong mỏi của người mẹ hiếm muộn. Càng thương xót cho bệnh nhân nếu như phải cắt bỏ tử cung, có thể vĩnh viễn chị sẽ không còn cơ hội để làm mẹ.

Giờ đây chị Lành đã được ôm con trong lòng sau 5 năm hiếm muộn.

Trong quá trình mổ, tình trạng của chị Lành xấu hơn dự đoán. Sau khi rạch ổ bụng, ekip mổ nhận thấy tử cung của người mẹ này đã bị rách đến 10cm, xuất huyết ồ ạt hơn 2,5l máu, khối thai và nhau thai đã bị đẩy một phần ra khỏi tử cung và nằm trong ổ bụng người mẹ.

Bác sĩ nhận thấy tính mạng của cả người mẹ lẫn thai nhi đều đang bị đe dọa. Lúc này phương pháp an toàn nhất đó là hy sinh thai nhi, khâu phục hồi tử cung hoặc cắt bỏ tử cung để nhanh chóng cứu mẹ. May sao, trong tình thế khẩn cấp, bác sĩ Hiền Lê bỗng nhận ra còn một tia hy vọng cuối cùng đó là áp dụng các kỹ thuật y học bào thai. Tức là đưa thai vào lại tử cung và khâu phục hồi để cứu cả mẹ và con.

Trước đó, phương pháp y học bào thai này từng được thực hiện ở các Trung tâm Y học bào thai hiện đại của Mỹ, được chứng minh là an toàn và tỷ lệ thành công cao.

Không chần chừ, ekip mổ của bác sĩ Hiền Lê ngày hôm đó đã nhanh chóng xử lý sạch dịch trong ổ bụng. Đưa thai nhi 18 tuần chỉ nặng 200 gram cùng nhau thai trở lại tử cung của người mẹ mà không ảnh hưởng đến bánh nhau còn lại.

Gia đình hạnh phúc của chị Lành.

Sau "cuộc chiến" kéo dài nhiều giờ đồng hồ, điều kỳ diệu thực sự đã đến. Các bác sĩ không chỉ thành công cứu sống cả hai mẹ con chị Lành mà còn bảo toàn tử cung cho người mẹ.

24 giờ sau, huyết động học của chị Lành và nhịp tim thai đã trở lại bình thường. Một ngày tiếp theo, thai phụ đã cầm được máu và thai nhi có dấu hiệu sống tốt, các chỉ số phát triển ở mức bình thường. Thành công của cuộc phẫu thuật chưa từng có tiền lệ này ngay sau đó đã được Tạp chí Sản phụ khoa của Mỹ ghi nhận.

Tuy vậy, bác sĩ vẫn nhận định tử cung của người mẹ có vết mổ lớn nên nguy cơ vỡ lần thứ hai là rất cao. Chị Lành được chỉ định theo dõi điều trị nội trú tại bệnh viện, hàng ngày được bác sĩ kiểm tra vết mổ và tình trạng sức khỏe thai nhi, hạn chế việc di chuyển gây áp lực lên bào thai.

Điều kỳ diệu đã đến

Vào tuần thai thứ 21, bác sĩ Lê nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở sản phụ Lành: Có biến chứng rỉ ối, tử cung bóp chặt, em bé có nguy cơ không phát triển, biến dạng dẫn đến nhiễm trùng.

Một mặt động viên bệnh nhân, mặt khác, bác sĩ Lê đã đưa ra phác đồ điều trị nội khoa tốt nhất để giữ em bé.

Bà mẹ hiếm muộn bị vỡ tử cung, giây phút sinh tử vẫn xin cứu con” và điều kỳ diệu đã đến - Ảnh 3.

Bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê

Nhờ những nỗ lực đó, may mắn là thai nhi đã đi tới 32 tuần cho đến lúc có thể mổ chủ động, cơ hội sống của em bé tăng lên rất nhiều. Em bé được sinh non chỉ nặng 1,9kg, được chuyển sang khoa Sơ sinh chăm sóc tích cực. Dưới sự trợ giúp và chăm sóc của y bác sĩ, máy móc hiện đại, em bé của chị Lành ngày càng cứng cáp, khỏe mạnh và được trở về với vòng tay của gia đình.

Bây giờ, em bé đã hơn 1 tuổi, ngày càng bụ bẫm và kháu khỉnh, chị Lành ngồi ngắm con mà vẫn nghĩ đây chỉ là giấc mơ. Một giấc mơ mà chị đã phải trải qua biết bao cuộc phẫu thuật, bao đau đớn mới có thể đạt được. Chị biết ơn sự kỳ diệu của y học, sự tận tâm của các y bác sĩ vì đã giúp chị được thực hiện thiên chức làm mẹ, điều mà đã có lúc chị nghĩ, mãi mãi mình không thể hoàn thành.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại