Bạo lực học đường: Vì sao nhiều vụ việc vẫn tiếp diễn?

Hà Linh |

Dù ngành giáo dục nói rất nhiều đến giải pháp nhưng hằng năm, các vụ việc bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Học sinh đánh nhau ở trường, chặn đường đánh, thậm chí tìm đến nhà riêng để dằn mặt đến mức phải nhập viện điều trị.

Liên tiếp xảy ra các vụ việc

Bạo lực học đường là chuyện không mới, năm nào cũng xảy ra nhiều sự việc học sinh đánh nhau. Có em bị đánh đến mức chấn thương sọ não, có em bị lột đồ, học sinh ép bạn quỳ (xảy ra ở Trường THCS số 1 Bắc Lý, Quảng Bình), thậm chí có em bị bạn dùng dao đâm tử vong (sự việc từng xảy ra ở Trường THCS Hồng Hà, Hà Nội)… Đó chỉ là những sự việc nổi, đằng sau đó còn có những kiểu bạo lực tinh thần như: tẩy chay, nói xấu, đe dọa… cũng gây áp lực rất lớn cho học sinh.

Qua nhiều sự việc cho thấy, bạo lực học đường xảy ra ở nhiều lứa tuổi, mức độ, tính chất khác nhau. Trong đó, có cả nam sinh và nữ sinh đều tham gia vào các vụ việc bạo lực mà đôi khi mâu thuẫn chỉ đơn giản là một tin nhắn nói xấu trên mạng xã hội.

Bạo lực học đường: Vì sao nhiều vụ việc vẫn tiếp diễn? - Ảnh 1.

Mới đây, T.L, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh (Hà Nội) phải nhập viện điều trị 1 tuần vì bị bạn cùng lớp đánh hội đồng. Bác sĩ cho biết, T.L nhập viện trong tình trạng tinh thần hoảng loạn, bị sưng nề vùng thái dương gò má phải, sưng nề quanh mắt, đau vùng đầu.

Anh Giang Công Băng - phụ huynh học sinh T.L thông tin, gia đình đã có đơn kiến nghị đến trường học, Phòng GD&ĐT về việc con gái bị bạn đánh đến mức phải nhập viện.

Sự việc cụ thể, ngày 2/4, trong lúc con gái T.L đang ở nhà một mình tại xã Vân Nộn, huyện Đông Anh thì bị N.T.T.T - bạn học cùng lớp dẫn hơn 10 người đến đánh đập. Điều đáng nói, cả nhóm đã xông vào nhà kéo T.L ra cổng đánh hội đồng dẫn đến thương tích nặng và quay clip tung lên mạng xã hội. Không dừng lại, một ngày sau khi sự việc xảy ra, T.T cùng những người hôm trước đến đánh vẫn tiếp tục đe dọa T.L.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh đồng thời liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để trao đổi sự việc. Khi làm việc, giáo viên chủ nhiệm cho biết, hai học sinh đã có mâu thuẫn từ lâu nhưng không nói với phụ huynh, cô giáo và tự giải quyết theo hướng bạo lực.

Trong khi đó, phụ huynh cho rằng, khi học sinh có mâu thuẫn thì dù có việc nhỏ, cô giáo, nhà trường cũng cần phải có giải pháp giải tỏa để các em làm hòa.

Phó hiệu trưởng Trường THCS Xuân Nộn, ông Ngô Duy Tạo nói rằng, sau khi sự việc xảy ra nhà trường sẽ rút kinh nghiệm đồng thời có giải pháp để ngăn chặn các sự việc tương tự.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin một học sinh lớp 10 THPT chuyên ĐH Vinh tự tử vì bị bạo lực học đường kéo dài. Liên quan đến sự việc, Trường ĐH Vinh đã xác nhận có nữ sinh lớp 10 tự tử tuy nhiên nguyên nhân vì sao cần phải xác minh.

Trước đó, có một tài khoản nhận là người thân của nữ sinh đã đăng thông tin chia sẻ với nội dung: "Gia đình mất con, chúng tôi mất cháu. Thương tiếc bao nhiêu công lao dưỡng dục chăm bẵm. Thương tiếc bao nhiêu, đứa trẻ mạnh mẽ, ngoan ngoãn… cuối cùng lại bị tổn thương bởi xã hội và chính xác là nạn bạo lực học đường. Tự bản thân gia đình nhận lỗi khi không nắm bắt được con, cháu mình đang rơi vào hoàn cảnh nghiêm trọng như thế".

Theo thông tin từ nhà trường, nữ sinh xấu số trước đó từng xin chuyển lớp nhưng chưa được chấp thuận vì không phải muốn chuyển là thực hiện ngay được.

Vì sao không được ngăn chặn?

Theo các giáo viên, mỗi lớp có hàng chục học sinh, hằng ngày các em tiếp xúc, sinh hoạt khó tránh được những mâu thuẫn. Tuy nhiên, có những em chịu nói ra để thầy cô cùng giải quyết, có em âm thầm chịu đựng và tìm cách "giải quyết" riêng. Do đó, nhiều sự việc học sinh kéo bè phái chặn đánh bạn trên đường, cách xa nhà trường.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội) nói rằng, bạo lực học đường là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của học sinh. Trong quá trình học ở trường, lớp nếu có những mâu thuẫn, xích mích nhỏ nếu được phát hiện, hòa giải sẽ không dẫn đến những việc lớn. Trong chuyện học sinh đánh nhau, có vai trò của nhà trường nhưng cũng cần có sự chung tay của gia đình mới kiểm soát được hết. Trong đó, đối với nhà trường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, phòng tham vấn tâm lý học đường rất quan trọng.

Các chuyên gia tâm lý cũng chỉ ra, những học sinh từng bị bạo lực học đường, kể cả bạo lực về ngôn ngữ (như chửi, mắng, nói xấu…) cũng cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, suy sụp. Thậm chí, tình trạng này sẽ bị ám ảnh, kéo dài trong nhiều năm. Các em không dám ra ngoài chơi, không có niềm vui, hứng thú đến trường. Đặc biệt, bạo lực học đường để lại hậu quả gây áp lực đến tinh thần như lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng cả việc học. Trên thực tế, có học sinh bị chặn đánh, giật tóc, bắt quỳ… thậm chí có học sinh tử vong.

Bộ GD&ĐT từng có Thông tư hướng dẫn thực hiện tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông với mục đích phòng ngừa, can thiệp đối với những em đang gặp khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra. Mục tiêu tốt đẹp là thế tuy nhiên thực hiện thế nào lại là việc của từng nhà trường. Hiện nay, không phải trường học nào cũng có phòng tham vấn tâm lý và cán bộ chuyên trách.

Theo số liệu được Bộ GD&ĐT đưa ra gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Tính trung bình có khoảng 5 vụ bạo lực/ngày. Cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì bạo lực học đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại