Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua (18-9) một lần nữa được mời đến Trung Quốc (TQ) để hội đàm về vấn đề biển Đông ngay sau cuộc gặp với các vị lãnh đạo đảng Cộng sản TQ hôm 17-9. Sự kiện này diễn ra khoảng ba tuần sau chuyến thăm chính thức lần thứ năm của ông Duterte đến Bắc Kinh.
1. Bẫy tâm lý
Nếu Tổng thống Duterte chấp nhận lời mời của Bắc Kinh, đây sẽ là lần thứ sáu tổng thống Philippines đến thăm TQ. Việc Bắc Kinh ra sức thắt chặt quan hệ với Manila, dù một mực bác bỏ phán quyết Tòa Trọng tài, cho thấy đàm phán song phương đang gặp nhiều thuận lợi. Với cá tính chính trị thực dụng của ông Duterte, rất có khả năng chính quyền Manila đang bị cuốn vào các đề xuất làm ăn rất béo bở, trong đó bao gồm các khoản đầu tư, viện trợ, cho vay ưu đãi và cả vấn đề đang rất được quan tâm: “ăn chia” 60/40 với “phần nhiều” nghiêng về Philippines.
Dường như cho đến nay chỉ có Manila sập bẫy tâm lý của Bắc Kinh. Chính quyền Duterte nhiều lần bày tỏ sự lo ngại trong việc đối đầu, chống trả trực tiếp lại hành xử hung hăng của TQ ở biển Đông. Thậm chí trong vụ tàu TQ đâm chìm tàu cá khiến 23 ngư dân Philippines suýt mất mạng, ông Duterte chỉ nói rằng “đó là một vụ va chạm” trên biển.
GS Ngô Vĩnh Long, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Maine (Mỹ), nhận định: “Philippines là một trường hợp điển hình mà TQ thắng nhờ tâm lý chiến. Dù Philippines đã thắng kiện ở Tòa Trọng tài năm 2016 nhưng chính quyền Duterte đã tạm thời gác phán quyết qua một bên. Nguyên nhân là Manila đã bị Bắc Kinh dọa sẽ cắt các quan hệ kinh tế và thương mại nếu đòi hỏi TQ thực thi phán quyết. Ngoài ra, khi các tàu cá Philippines bị TQ xua đuổi, thậm chí đâm chìm thì chính quyền Manila nhiều lần làm lơ”.
Cũng theo GS Ngô Vĩnh Long, chiến thuật tâm lý của TQ về biển Đông được hậu thuẫn bằng quan hệ kinh tế và thương mại. TQ tạo ra ảnh hưởng tâm lý lớn nhất là ở các nước mà giới lãnh đạo có quan hệ tốt với TQ như Campuchia, Philippines.
2. Vai trò Philippines ở ASEAN
TQ muốn tận dụng triệt để vai trò của Philippines trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Philippines giữ vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2017, tiếp nối là vai trò điều phối quan hệ ASEAN-TQ từ năm 2018. Trong thời gian vừa qua, TQ không gặp nhiều khó khăn vì Philippines - một bên chính danh trong mâu thuẫn ở biển Đông và vừa thắng vụ kiện đình đám tại Tòa Trọng tài - không đốc thúc các tiến trình đưa TQ ra công luận quốc tế. Trái lại, Philippines chọn cách tập trung vào việc thương lượng về Bộ quy tắc ứng xử (COC). Bộ quy tắc này dù được kỳ vọng là lối ra cho biển Đông nhưng đang bị TQ toan tính trục lợi.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS James Kraska, chuyên gia cao cấp về luật và chính sách biển tại Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton, ĐH Hải chiến Mỹ, cho rằng TQ đã trì hoãn tiến trình đàm phán COC để xây dựng lực lượng. “Bắc Kinh xem COC như một chiến thuật câu giờ, kéo dài thời gian đàm phán ròng rã 17 năm qua. Trong ngần ấy thời gian, TQ xây dựng kiên cố vị thế lẫn sức mạnh” - GS James Kraska nói.
Hiện nay TQ muốn tranh thủ thời gian Philippines điều phối quan hệ ASEAN-TQ đến năm 2021 để thúc đẩy COC một cách gấp gáp và có lợi cho Bắc Kinh. Thậm chí nếu COC được thông qua trong tình trạng lợi ích nghiêng về TQ thì nước này càng có lý do bỏ qua phán quyết của tòa, đồng thời đẩy các nước thứ ba ra khỏi biển Đông. Tất nhiên, với tính đặc thù trong cơ chế đồng thuận chung của ASEAN, dù Philippines có ngả về TQ thì Việt Nam, Malaysia vẫn sẽ đảm bảo ASEAN không thông qua một COC có lợi cho Bắc Kinh.
Ngày 17-9 (giờ Mỹ), kỳ họp toàn thể lần thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã khai mạc tại trụ sở của tổ chức ở TP New York (Mỹ). Cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đề nghị Manila đề cập phán quyết của tòa trong bài phát biểu tại đây vào ngày 28-9.
3. Răn đe các nước khác
Tổng thống Duterte đã gặp các quan chức cấp cao của đảng Cộng sản TQ hôm 17-9 tại Điện Malacanang. Hai bên tiến hành các cuộc thảo luận về các thỏa thuận song phương đối với vấn đề biển Đông được đàm phán vào cuối tháng 8-2019, trong cuộc gặp giữa ông Duterte và người đồng cấp TQ Tập Cận Bình.
Hôm 10-9, Tổng thống Duterte cho biết ông Tập đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở biển Đông, cụ thể là theo tỉ lệ 60/40, nếu Philippines đồng ý gạt sang một bên phán quyết của tòa chống lại Bắc Kinh. Các phản ứng của chính quyền Duterte cho đến nay cho thấy: Ngay cả khi tổng thống Philippines không có thẩm quyền công khai đổi phán quyết của tòa để lấy lợi ích kinh tế, ông Duterte cũng sẽ không hoặc chưa dùng phán quyết để đối trọng trực tiếp TQ.
Như vậy, nếu chuyện “ăn chia” 60/40 giữa Philippines và TQ thành hiện thực (dù khả năng này sẽ rất khó nếu chiếu theo luật pháp Philippines lẫn luật quốc tế), Bắc Kinh muốn chuyển đến các quốc gia khác ở biển Đông thông điệp: Các quốc gia khu vực, ngay cả là đồng minh và ký Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Mỹ, rồi cũng phải ngả về TQ. Tuy nhiên, các phản ứng quyết liệt của Malaysia, Việt Nam, nhất là trong các vụ tàu khảo sát địa chất của TQ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa các nước, cho thấy ý đồ đe dọa của TQ không thể thành hiện thực.
Ông Duterte không thể gạt bỏ phán quyết
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. hôm 11-9 nói với báo chí nước này rằng phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 về vụ Philippines kiện TQ không thể bị bác bỏ bởi sự thỏa hiệp. Vì vậy, ông Duterte không thể gạt bỏ phán quyết.
Tương tự, ngày 13-9, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cũng khẳng định tổng thống Philippines không có thẩm quyền đưa ra một tuyên bố bỏ qua phán quyết.