Kế hoạch của quân đội này được thực hiện nhằm sẵn sàng đối phó với mọi mối đe dọa từ Nga. Lực lượng này đã được xác định sẽ tổ chức từ nay tới 2019 để tập trung khoảng 53.000 người.
Lực lượng trên được Ba Lan xây dựng theo mô hình Vệ binh Quốc gia của Mỹ, trong đó có cả những dân thường tình nguyện tham gia huấn luyện quân sự để cầm súng khi cần.
Tỷ lệ sĩ quan và binh sĩ chuyên nghiệp sẽ chiếm khoảng 6% - 8% trên tổng số, với vai trò chỉ huy của các đơn vị tình nguyện.
Ba Lan sẽ lập lực lượng quân sự mới trong tình hình nóng. Ảnh minh họa: Binh sỹ quân đội Ba Lan.
Để thực hiện kế hoạch trên, Ba Lan sẽ phải chi ra khoảng 800 triệu euro trong thời gian xây dựng lực lượng kéo dài 3 năm.
Theo Warsaw, đây là bước đi cần thiết để nước này tránh rơi vào tình cảnh “bị xâm chiếm” như những gì đang diễn ra tại miền đông Ukraine, mà Nga bị cáo buộc can dự sâu sắc.
Động thái này của Ba Lan giữa lúc Đông Âu có sự thay đổi đặc biệt, tác động tới chính sách cô lập Nga của phương Tây.
Hôm 14/11, Bulgaria đã có vị Tổng thống mới thuộc Đảng XHCN, ông Rumen Radev - một người thân Nga.
Ngày 13/11, tại Moldova, ứng viên đảng Xã hội chủ nghĩa Igor Dodon cũng chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nước này. Ông Dodon là ứng cử viên được xem là thân Nga với cương lĩnh tranh cử là dung hòa lợi ích giữa EU và Nga.
Hai chiến thắng liên tiếp của lực lượng chính trị thân Nga tại hai quốc gia thuộc khối Đông Âu đã ngả về phương Tây được xem là một thắng lợi chính trị quan trọng của Moscow trong đối đầu với Washington và các đồng minh khi vẽ lại bàn cờ chính trị tại Châu Âu.
Không những thế, chính quyền Mỹ đã có sự thay đổi lớn với người lãnh đạo mới có những sách lược quan trọng thay đổi hoàn toàn quan điểm chống Nga từ trước tới nay của phe đồng minh.
Mũi nhọn
Dù Mỹ tuyên bố ông Donald Trump không thể thay thế quyết định đưa quân vào châu Âu, sát nách Nga, động thái mới đây của Ba Lan lại càng cho thấy phương Tây xác định mũi tiên phong thực sự đã định hình ở Warsaw.
“Chúng tôi để cho chính quyền mới nói ra các lựa chọn về chính sách. Chúng tôi chỉ có một tổng tư lệnh nhưng việc thay đổi kế hoạch củng cố an ninh tại Đông Âu là điều không thể”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook cho hay.
Trong một động thái có liên quan, quân đội Mỹ vừa gửi 620 công-ten-nơ chở đầy đạn dược đến châu Âu, là đợt hàng lớn nhất trong hơn 20 năm qua.
Động thái này đến chỉ một tuần sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố việc triển khai một lữ đoàn xe tăng đến Đông Âu vào năm 2017.
“Đây là sự răn đe. Chúng tôi có thể có 1.000 xe tăng ở đây nhưng nếu không có đạn để sử dụng thì sẽ không tồn tại bất kì hiệu ứng răn đe nào”, Trung tướng Ben Hodges, chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu cho hay.
Lô đạn dược khổng lồ này là một phần của chiến dịch xây dựng quân đội quy mô lớn tại khu vực Đông Âu.
Mỹ và NATO đã triển khai đến đây nhiều vũ khí hạng nặng, hàng nghìn binh lính như một sự biểu dương lực lượng trước Nga.