Ba Lan hoàn thành bức tường thép dài hơn 180 km ở biên giới với Belarus

Công Thuận |

Năm ngoái, Belarus đã đưa người tị nạn từ Trung Đông đến biên giới Ba Lan. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki mới đây cho rằng đó là dấu hiệu đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine.

 Ba Lan hoàn thành bức tường thép dài hơn 180 km ở biên giới với Belarus  - Ảnh 1.

Một người lính biên phòng Ba Lan tuần tra trước bức tường mới hoàn thành ngày 29/6/2022. Ảnh: AP

Hãng tin AP ngày 2/7 đưa tin, bức tường thép xây dựng ở biên giới giữa Ba Lan và Belarus đã hoàn thành. Bức tường cao 5,5 m dài 186 km.

Mục đích của bức tường là ngăn người di cư từ Belarus vào Ba Lan bất hợp pháp. Ba Lan bắt đầu xây dựng bức tường vào năm 2021 sau khi Belarus đưa người di cư từ các nước Trung Đông đến biên giới với các nước Baltic và Ba Lan.

Belarus trước đây chưa bao giờ là một tuyến đường di cư quan trọng vào EU - cho đến khi Tổng thống nước này Alexander Lukashenko bắt đầu khuyến khích những người xin tị nạn ở Trung Đông đến Minsk. Ngay sau đó, người di cư từ Syria, Iraq, Yemen, Afghanistan và các nước châu Phi đã đổ xô đến rìa phía Đông của EU, từ đó vào Ba Lan và các nước láng giềng Litva và Latvia.

Mùa Thu năm ngoái, Ba Lan và EU cáo buộc Belarus về một "cuộc chiến tranh hỗn hợp", trong đó người di cư đóng vai trò như một công cụ. Giờ đây, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố rằng nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã thử phản ứng ở các biên giới phía Đông của EU với sự giúp đỡ của những người di cư Trung Đông. Theo ông Morawiecki, đó là động thái nhằm chuẩn bị cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành bức tường ở thị trấn biên giới Kuznica, ông Morawiecki nói: "Dấu hiệu đầu tiên của cuộc xung đột ở Ukraine là việc đưa người di cư đến biên giới Ba Lan".

Chính phủ Ba Lan cũng mô tả bức tường như một phần nhằm ngăn chặn Nga và trong khi Ba Lan mở cửa đón hàng triệu người Ukraine di tản do xung đột với Moskva, nước này cũng đồng thời tiến hành xây dựng bức tường ở biên giới phía Bắc với Belarus. Đã có khoảng 2 triệu người Ukraine đã đến Ba Lan trong tháng đầu tiên của cuộc xung đột, nhiều hơn dân số của thủ đô Warsaw.

Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền đã cáo buộc Ba Lan có "tiêu chuẩn kép". Trong khi người sơ tán Ukraine được chào đón với vòng tay rộng mở, những người chạy trốn khỏi cuộc xung đột từ nơi khác đã phải đối mặt với sự đối xử ngược đãi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại