Bình luận trên được nhà báo Wojciech Jakubik của trang Biznes Alert (Ba Lan) đưa ra mới đây.
Theo đó, trong bài báo, ông cáo buộc người Nga thực hiện chính sách thông tin, mục đích là thuyết phục công chúng về lập trường phi lý của Ba Lan và sự ôn hòa của tập đoàn Gazprom.
“Các tranh chấp về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 có tầm quan trọng lớn, bởi vì Ba Lan bị cáo buộc từ nhiều phía khác nhau rằng, chính nước này không muốn có đường ống dẫn khí đốt từ Nga và phải chịu trách nhiệm về thực tế như vậy”, ông Jakubik viết.
Theo giáo sư người Ba Lan Grzegorz Lewicki chia sẻ với tờ Rzeczpospolita, “sau khi ra mắt Nord Stream 2, chúng tôi sẽ nhận được khí đốt từ Đức. Nếu Gazprom muốn làm phức tạp cuộc sống của Ba Lan, thì họ sẽ không thể làm điều này, bởi vì bây giờ chính họ sẽ phải gửi khí đốt đến Tây Âu”.
Trong khi đó, ông Jakubik phản bác, “không phải như vậy, Ba Lan nằm ở Trung và Đông Âu. Nord Stream 2 bỏ qua chúng ta, nó không góp phần vào việc tăng cường an ninh của Ba Lan”.
Ông Jakubik giải thích, Nord Stream 2 không đặt ra vấn đề tương tự cho Ba Lan cũng như Ukraine, chỉ vì Warsaw có một giải pháp thay thế dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đường ống dẫn khí Baltic Pipe (kết nối các mỏ ở thềm lục địa Na Uy ở Biển Bắc với Ba Lan qua Đan Mạch) sẽ sớm xuất hiện.
Nhà báo Ba Lan thu hút sự chú ý đến khía cạnh chính trị, thị trường và pháp lý của Nord Stream 2 đối với nước này. Do đó, theo một số nhà phân tích, việc khởi động Nord Stream 2 có thể dẫn đến việc tăng giá khí đốt khi Ba Lan bắt đầu mua từ Đức.
Thỏa thuận mới cho phép hoàn thành đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu mà không vướng các biện pháp trừng phạt của Mỹ. (Ảnh: AP)
Mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marcin Pshidach cho biết, Warsaw đang cố gắng trì hoãn việc thi công đường ống khí đốt Nord Stream 2.
“Chúng tôi đã tác động để việc hoàn thành Nord Stream 2 chậm lại vài năm. Nếu không có hành động của chúng tôi, dự án này hẳn đã hoàn thành từ lâu. Đường ống dẫn khí này nằm không đó càng lâu thì càng tốt cho Trung và Đông Âu, cũng như cho sự thống trị của Liên minh châu Âu (EU)”, ông Pshidach nói.
Trước đó, Mỹ và Đức đã công bố thỏa thuận, trong đó hai nước cam kết chống lại bất kỳ nỗ lực nào của Nga nhằm sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị hoặc tiếp tục thực hiện “chính sách gây hấn” với Ukraine. Mỹ cũng sẽ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với Nord Stream 2.
Bên cạnh đó, Mỹ - Đức cũng ủng hộ gia hạn thêm 10 năm thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga - Ukraine và nhất trí thành lập Quỹ xanh Ukraine với nguồn tài trợ khởi nghiệp là 150 triệu Euro từ Berlin để hỗ trợ Kiev. Tuy vậy, Ba Lan và Ukraine vẫn bày tỏ sự không hài lòng về quyết định cho phép hoàn thành đường ống.
Theo bà Merkel, Đức hiện còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là cố gắng đảm bảo gia hạn thỏa thuận về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sau năm 2024, hỗ trợ chuyển đổi nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine và trong lĩnh vực kỹ thuật về các hệ thống cung cấp khí đốt của châu Âu đến Ukraine.
Thủ tướng Merkel lưu ý, dù có những bảo đảm từ phía Nga về việc không sử dụng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 làm vũ khí, nhưng Berlin sẵn sàng phản ứng nếu Moscow vi phạm cam kết này.