Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận liên quan đến việc vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. (Ảnh: Reuters)
Ấn phẩm này gọi bước đi đối với Nord Stream 2 là một chiến thắng của bà Merkel và cảnh báo rằng ông Biden sẽ phải đối mặt với sự hiểu lầm từ Ukraine, Ba Lan và các thành viên đảng viên Cộng hòa Mỹ.
“Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải chấp nhận trước sự quyết đoán của Thủ tướng Đức Angela Merkel”, Le Figaro viết. Nhà Trắng và chính phủ Đức thông báo đã thành công trong việc đạt được thỏa thuận cho phép vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga.
Theo thỏa hiệp này, các nước sẽ cố gắng thúc đẩy tập đoàn Gazprom đàm phán lại các hợp đồng cung cấp khí đốt có thời hạn 10 năm cho Kiev. Hợp đồng hiện tại kết thúc vào năm 2024. Và nếu Nga dừng trung chuyển khí đốt cho Ukraine, nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Ngoài ra, Berlin và Washington sẽ cố gắng thúc đẩy phát triển năng lượng xanh ở Ukraine, phân bổ 1 tỉ euro cho việc này. Berlin cũng sẽ cử một đặc phái viên tại Kiev, người sẽ tham gia vào việc phát triển các dự án song phương về hydro. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas nói: “Đây là một thỏa thuận mang tính xây dựng”.
“Thủ tướng Merkel luôn cho rằng, Nord Stream 2 là một dự án thương mại nghiêm túc và đối với bà, đó là một chiến thắng. Còn ông Biden, ngược lại, tiếp tục coi Nord Stream 2 như một công cụ ảnh hưởng của ông Putin. Nhưng ông chủ Nhà Trắng không chặn dự án và thỏa thuận hiện tại cho thấy ông muốn bỏ lại vấn đề này để tập trung vào các ưu tiên khác trong quan hệ với Đức, như: về việc khôi phục Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các nỗ lực trong quan hệ với Trung Quốc”, Le Figaro nhận định.
Tuy nhiên, cả chính phủ Ukraine và Ba Lan cũng như các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ coi động thái này theo hướng tiêu cực sẽ ít có tác dụng răn đe Nga nếu Điện Kremlin quyết định sử dụng Nord Stream 2 như một vũ khí chính trị. Trong một thông cáo của Kiev với Warsaw, hai nước này chỉ trích mối đe dọa chính trị, quân sự và năng lượng do Nord Stream 2 gây ra đối với Ukraine và Trung Âu.
Theo Le Figaro, ngay cả việc đề cập đến khả năng bị trừng phạt cũng khiến Moscow khó chịu. “Bất kỳ lời đe dọa trừng phạt nào chống lại Nga đều không thể chấp nhận được vì chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới có thể áp đặt”, Le Figaro dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Trong khi, Tổng thống Nga Putin, rất hài lòng với thỏa thuận này của Đức và Mỹ.
Ông Danila Bochkarev, nhà nghiên cứu tại Viện Đông Tây tại Bruxelles và là chuyên gia của Câu lạc bộ Quốc tế Valdai đánh giá, việc Mỹ nhượng bộ với đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 xuất phát từ sự khác biệt trong các ưu tiên của chính quyền ông Biden trong quan hệ với các đồng minh châu Âu so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Mỹ và Đức phải thỏa hiệp vì Mỹ không thể ngăn cản trước việc Đức kiên quyết thực hiện dự án đến cùng. (Ảnh: RIA)
“Mục tiêu của chính sách thay đổi tùy thuộc vào chính quyền và các nhánh của chính phủ, cũng như các lợi ích cụ thể trong giới chính trị của Washington”, ông Bochkarev giải thích.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị nghi ngờ rằng, thỏa thuận giữa Đức và Mỹ về đường ống dẫn khí đốt sẽ dẫn đến sự bất hòa giữa Berlin và các nước Đông Âu.
Ukraine nói gì thỏa thuận giữa Mỹ và Đức?
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, Kiev sẽ phân tích thành phần kinh tế của các thỏa thuận giữa Washington và Berlin về Nord Stream 2. Bộ trưởng Kuleba nhấn mạnh, các nhà chức trách Ukraine sẽ trình bày quan điểm về vấn đề này sau khi đã nghiên cứu toàn diện và chi tiết tài liệu.
“Chúng tôi vẫn chưa hiểu liệu Nga có sẵn sàng thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hay không khi liên quan đến an ninh năng lượng của Ukraine và việc duy trì vai trò của Kiev như một quốc gia trung chuyển khi đốt”, ông Kuleba nói.
Ông Kuleba lưu ý rằng, việc khởi động đường ống dẫn khí đốt của Nga đối với Kiev là một vấn đề an ninh.
Ngoài ra, theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine, các nhà chức trách nước này còn nhiều câu hỏi về việc làm thế nào để thỏa thuận giữa Mỹ và Đức có thể giảm thiểu rủi ro an ninh năng lượng cho Ukraine và các nước Trung Âu. “Chúng tôi sẽ nói chuyện với Mỹ và Đức về vấn đề này”, ông Kuleba kết luận.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Pavel Klimkin cho hay, các thỏa thuận giữa Mỹ và Đức về Nord Stream 2 cho thấy, “Kiev đã đứng ngoài cuộc chơi”.
“Thỏa thuận mới nhất về Nord Stream 2 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mỹ sẽ không từ bỏ đòn bẩy và sẽ giữ chúng cho riêng mình. Nhưng đối với Ukraine thỏa thuận này gần như là thảm họa. Không chỉ là kết quả, trước hết chúng tôi không tham gia cuộc chơi. Chúng tôi không được lắng nghe, chúng tôi không được tìm kiếm giải pháp với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Đức, thậm chí chúng tôi không là một phần của quá trình này”, ông Klimkin bình luận.