Ba Lan đề cập yếu tố Nga trong cái chết của cựu Tổng thống Lech Kaczynski

Ái Vi |

Trong báo cáo của mình ngày 9.8, một Ủy ban chính phủ của Ba Lan đã gợi ý rằng Nga có thể đã giết hại cựu Tổng thống Lech Kaczynski hồi năm 2010.

Ủy ban điều tra của Ba Lan đã kết luận rằng có dấu vết chất nổ được tìm thấy trên chiếc máy bay xấu số chở cựu Tổng thống Lech Kaczynski bị rơi hồi năm 2010.

Theo báo cáo của Ủy ban điều tra này, "Thiệt hại của cánh trái trên chiếc Tu 154M không đến từ việc va chạm với rừng cây bạch dương... Nó bị phá hủy trước khi máng vào cây... và nhiều thiệt hại cho cánh trái của máy bay cho thấy dấu vết của một vụ nổ".

Chuyến bay Tu 154 M được nói đến là chuyến bay chở cựu Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cùng 18 quan chức hàng đầu nước này bị rơi ở Smolensk, Nga hồi năm 2010 khi đang định hạ cánh trong thời tiết xấu.

Nhiều cuộc điều tra trước đây đều cho ra kết quả là máy bay bị rơi do tầm nhìn kém, đâm trúng cây rừng. Tuy nhiên, chính phủ mới của Ba Lan đã tổ chức một cuộc điều tra mới vào năm 2015 để làm rõ lại vụ tai nạn.

Cuộc điều tra mới được đảng Pháp luật và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan do ông Jaroslaw Kaczynski em trai của cựu Tổng thống Lech Kaczynski chủ trì. Ông Jaroslaw Kaczynski từ lâu đã luôn tin một thuyết âm mưu rằng anh trai song sinh của ông bị ám sát, chứ không phải chết vì tai nạn.

Các nhà điều tra Ba Lan cũng cho rằng điều khiển không lưu của Nga đã cố tình chỉ sai vị trí của máy bay cho phi công, khiến xảy ra vụ tai nạn ngày 10.4.2010.

Nga không phải là đích ngắm duy nhất trong vụ rơi máy bay ở Smolensk, một mục tiêu khác của chính quyền Ba Lan là cựu Thủ tướng nước này, đương kim Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Hôm 2.6, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz đã cáo buộc ông Tusk là nhân vật phải chịu trách nhiệm về chính trị, luật pháp và đạo đức trong vụ tai nạn năm 2010.

Mới tuần trước ngày 3.8 ông Tusk đã phải tới Ba Lan để tham gia vào phiên điều trần điều tra nguyên nhân vụ máy bay rơi thảm khốc tại Smolensk của Nga năm 2010. Ông tham dự phiên điều trần theo yêu cầu của viện công tố Ba Lan với tư cách là nhân chứng bởi thời điểm đó là Thủ tướng của nước này.

Ông được cho là đã yêu cầu các công tố viên lúc đó không tham gia vào các cuộc khám nghiệm tử thi ở Moscow cũng như ở Warsaw khi các thi thể vụ máy bay rơi được mang trở về Ba Lan. Đảng PiS cho rằng chính sai lầm này của ông Tusk dẫn tới việc các bộ phận thi thể của các nạn nhân đã bị chôn lẫn lộn ngay sau đó.

Ông Tusk lẫn luật sư của mình đều cho rằng việc triệu tập ông mang động cơ chính trị, nhưng ông vẫn đến Warsaw điều trần để thể hiện trách nhiệm công dân của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại