Ba dự án Ethanol sống dở chết dở tiêu tốn hàng nghìn tỷ

Hà Giang |

Nằm trong số 12 “đại dự án” đắp chiếu gây thất thoát, lãng phí được Bộ Công Thương “điểm danh”, 3 dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ đã được đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng nhưng đến nay đều trong tình trạng sống dở chết dở.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra

Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của PVN và các đơn vị thành viên đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm gây thất thoát hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước.

Cụ thể, trong giai đoạn năm 2007 - 2009, PVN đã quyết định chủ trương đầu tư, chỉ đạo các đơn vị thành viên góp vốn thành lập 2 công ty cổ phần và 1 công ty liên doanh để thực hiện đầu tư 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol.

Trong đó Công ty CP hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) làm chủ đầu tư Nhà máy ethanol nhiên liệu tại tỉnh Phú Thọ; Công ty CP sinh học dầu khí miền Trung (PCB) làm chủ đầu tư Nhà máy ethanol nhiên liệu tại khu kinh tế Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi và Công ty TNHH nhiên liệu sinh học Phương Đông làm chủ đầu tư Nhà máy ethanol nhiên liệu tại tỉnh Bình Phước.

Mỗi nhà máy có công suất 100 triệu lít/năm, nguồn vốn do các cổ đông góp vốn 30%, còn lại là vay thương mại.

Theo TTCP, đến cuối năm 2014, là thời điểm thanh tra, các dự án tại Bình Phước và Quảng Ngãi đã thực hiện xong. Riêng dự án tại Phú Thọ thực hiện sớm nhất nhưng chưa hoàn thành do nhà thầu đã dừng thi công từ tháng 11/2011.

Tuy nhiên cả 3 dự án này đều trong tình trạng hết sức bi đát. Hai dự án tại Bình Phước và Quảng Ngãi đều đã hoàn thành nhưng không thể đi vào vận hành thương mại bởi nếu hoạt động sẽ lỗ lớn.

Cụ thể, tại dự án ethanol Dung Quất, tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.886 tỷ đồng nhưng đã bị đội vốn lên hơn 2.124 tỷ đồng, làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Tương tự, tại dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư 80,6 triệu USD, tương đương 1.492 tỷ đồng, sau đó đã bị đội vốn lên hơn 1.742 tỷ đồng.

Tính đến tháng 3/2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động được 5 đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng ethanol, với giá thành được tính toán là 21.500 đồng/lít, tăng hơn 10.459 đồng (95%) so với giá thành khi lập dự án để đầu tư.

Giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4/2013 đến nay nhà máy này hầu như không vận hành thương mại. Dự tính mỗi năm dự án bị lỗ khoảng 200 tỷ đồng cho các khoản khấu hao tài sản, lãi vay, bảo dưỡng máy móc thiết bị, chi phí bộ máy…

Tại dự án ethanol Phú Thọ do PVB làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng công ty CP xây lắp dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư là 1.317 tỷ đồng sau đó bị đội lên thành 2.484 tỷ đồng. Mặc dù dự án đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỷ đồng để trả lãi vay và quản lý.

Trước tình hình này, PVB đã nhiều lần có văn bản báo cáo và đề nghị PVN các phương án tạm dừng, tiếp tục hoặc cho phá sản nhưng mọi việc vẫn đang lâm vào tình trạng bế tắc.

Về nguyên nhân, theo Thanh tra Chính phủ, các dự án nhiên liệu sinh học đội vốn “khủng”, tăng giá thành sản phẩm dẫn đến không có hiệu quả kinh tế là do các chủ đầu tư và nhà thầu có nhiều sai phạm.

Ví như, tại Nhà máy ethanol Phú Thọ, chủ đầu tư PVB sau khi lập xong dự án đã chào thầu theo quy định. Tuy nhiên, PVN đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan giao cho PVC thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.

Thời điểm được chỉ định thầu và ký hợp đồng trọn gói EPC với trị giá hơn 59 triệu USD, trong khi PVC chưa từng thực hiện dự án nhiên liệu sinh học nào hoặc các dự án có tính chất tương tự.

Chưa hết, theo quy định hợp đồng, nhà thầu PVC phải có bảo lãnh việc thực hiện hợp đồng 1,293 triệu USD và tạm ứng 20% giá trị hợp đồng, tương ứng số tiền 8,62 triệu USD. Tuy nhiên PVC đã được PVN và chủ đầu tư cho miễn thực hiện các khoản này.

Mặc dù giữa chủ đầu tư và PVC đã có cam kết không để phát sinh chi phí nhưng trong quá trình thực hiện, PVB đã nhiều lần có văn bản điều chỉnh lại hợp đồng EPC, đây cũng là yếu tố dẫn đến tổng mức đầu tư dự án ban đầu là 1.317 tỷ đồng bị đội lên thành 2.484 tỷ đồng.

Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm theo từng việc cụ thể.

Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án tại Phú Thọ và Dung Quất.

Cung lớn hơn cầu

Trong một diễn biến liên quan, giải thích về những khó khăn của Nhà máy bio ethanol Dung Quất trên báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Vượng - Giám đốc Công ty CP Sinh học dầu khí Miền Trung cho biết sản lượng cồn nhiên liệu pha xăng tiêu thụ trong cả nước hiện chỉ khoảng 2.000 m3/năm, trong khi riêng nhà máy này có công suất lên tới hàng trăm ngàn mét khối/năm, chưa kể sản lượng từ các nhà máy tư nhân khác.

“Theo lộ trình đã được công bố trước đó, ngoài bảy địa phương thí điểm ban đầu, đến cuối năm 2015 xăng E5 sẽ được bán tại tất cả cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước thay cho xăng RON 92.

Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay chỉ mới có thêm Quảng Nam tham gia tiêu thụ xăng E5, các địa phương khác không thực hiện nên không có thị trường tiêu thụ” - ông Vượng nói.

Theo ông Vượng, giá bán ethanol trên thị trường hiện thấp hơn 2.000 đồng/lít so với giá thành sản xuất.

Dù giá nguyên liệu sắn giảm chỉ còn 3.400 đồng/kg sắn khô, nhưng chi phí vận hành và chế biến ra nhiên liệu sinh học khoảng 15.000 đồng/lít, vẫn cao hơn so với xăng ngoài thị trường hiện nay.

“Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025” được Chính phủ phê duyệt vào năm 2007, nhiên liệu sinh học sẽ thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường.

Căn cứ vào đề án này, giai đoạn 2011-2015 Việt Nam sẽ sản xuất 150.000 tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 0,1% nhu cầu xăng dầu cả nước. Đến năm 2025 sẽ sản xuất 1,8 triệu tấn nhiên liệu sinh học, đáp ứng 5% tổng nhu cầu xăng dầu.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ nhiên liệu này thực tế không được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân.

Chẳng hạn đến ngày 1/6/2016 Viêt Nam mới bắt buộc sử dụng xăng E5 trên toàn quốc, trong khi ngay từ năm 2012 chỉ riêng Nhà máy bio ethanol Dung Quất đã có công suất lên tới hàng trăm triệu lít/năm, chưa kể Nhà máy ethanol Bình Phước cùng nhiều nhà máy khác do tư nhân đầu tư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại