Bà chủ "gai bê tông" trên Mã Pì Lèng: "Tôi sẽ kiến nghị phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ"

Hoàng An |

Bà Ánh chia sẻ, đã bỏ ra tất cả tài sản cuộc đời, vay mượn thêm bạn bè số tiền hơn chục tỷ đầu tư vào công trình. Bây giờ bà ao ước sẽ trả được nợ, còn đâu sẽ hỗ trợ cho trẻ em nghèo.

Ngày 8/10, đoàn liên ngành gồm lãnh đạo 4 Sở của tỉnh Hà Giang đã họp bàn, đề nghị UBND tỉnh này yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch.

Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Đến thời điểm này, tỉnh Hà Giang vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, tuy nhiên, đề nghị của đoàn liên ngành vẫn còn khá nhiều tranh cãi.

Sau nhiều lần liên hệ, bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư công trình Panorama) nói "nếu như nhà nước yêu cầu, tôi sẵn sàng tháo dỡ". Nhưng bà cũng nêu ý kiến của bản thân rằng mọi đề nghị cũng phải thực tế, đứng trong hoàn cảnh thực tế thời tiết gió bão tại điểm "dừng chân".

"Ngày xưa tôi chỉ định làm chỗ ấy trống không để cho khách đi vào ngắm cảnh, nhưng vì gió rất khủng khiếp, bay hết tất cả mọi thứ, bay cả người. Tôi đầu tư như thế là để an toàn cho khách chứ không nghĩ nhiều đến lợi nhuận. Tôi muốn tạo điều kiện cho dân, cho các em học sinh nghèo, phải đi làm kiếm tiền nuôi bản thân", bà Ánh nói.

Bà bày tỏ nỗi lo lắng, bởi một khi khách đã lên thì người ta rất mong muốn ngắm cảnh sau cả một quãng thời gian dài. Quang cảnh thiên nhiên ở đây rất đẹp, mặt trời sáng sớm, đêm thì trăng lên, những người từng lui tới điểm "dừng chân" đều đăng lên mạng những hình ảnh rất đẹp, bà thấy đó là niềm vui. Nếu phải dỡ, có gió to không an toàn xảy ra chuyện với khách thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm.

Bà Ánh chia sẻ thêm, bản thân đã bỏ ra tất cả tài sản rồi vay mượn thêm bạn bè số tiền đầu tư hơn chục tỷ đồng vào công trình không phải vì lợi nhuận. Bây giờ khi công trình đã hoàn thiện thì ao ước duy nhất của bà là trả được nợ, còn đâu sẽ hỗ trợ hết cho trẻ em nghèo và để cho người dân khu vực được phát triển.

Khi PV hỏi vì sao chuyên gia UNESCO chỉ khuyến nghị xây điểm dừng chân nhưng chủ đầu tư lại xây cả phòng ngủ nghỉ, bà Ánh giải thích rằng khoảng thời gian để ngắm thiên nhiên đẹp nhất là lúc rạng sáng và khi hoàng hôn xuống. Từng có những đoàn khách nước ngoài đến lưu trú rồi săn những hình ảnh lúc rạng sáng, nửa đêm.

Nhắc lại đề nghị của đoàn liên ngành tỉnh Hà Giang vừa đề xuất sẽ tháo dỡ 6 tầng tòa nhà, bà Ánh cho rằng "không hợp lý". "Bên nào sai thì bên đó chịu, sai đâu thì sửa đấy. Thay vì phải tháo dỡ, tôi sẽ phủ xanh toàn bộ công trình, sắp tới tôi sẽ có kiến nghị phủ xanh toàn bộ, biến nó thành công trình hoang sơ", bà Ánh nói.

Luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nêu quan điểm, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của đoàn liên ngành tỉnh Hà Giang đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo huyện Mèo Vạc cho tháo dỡ 6 tầng của tòa Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Ông nói, vụ việc cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng. Bởi ngày nay tại các địa phương cứ xây dựng tràn lan, không phép, khi biết sai thì xin hợp thức hóa cho tồn tại, "làm như vậy là không nên".

Đối với Panorama, khi có quyết định tháo dỡ của các cấp chính quyền, chủ đầu tư buộc phải thuê người thực hiện.

"Mọi thiệt hại về các khoản tiền bỏ ra xây dựng bao nhiêu chủ đầu tư cũng phải tự gánh chịu. Nếu hết thời gian quy định mà chủ đầu tư không tháo, chính quyền phải huy động người vào cuộc cưỡng chế thì chủ đầu tư cũng mất chi phí cho việc thuê người này", luật Sư Bình nói.

Ông phân tích thêm, ngoài việc tháo dỡ, chủ đầu tư còn phải chịu xử phạt hành chính về những sai phạm của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại