Vụ "gai bê tông" trái phép trên Mã Pì Lèng: Chủ đầu tư buộc phải thuê người tháo dỡ, tự gánh thiệt hại?

Hoàng An |

Luật sư Bình cho rằng, chủ đầu tư phải tự gánh chịu mọi chi phí tổn thất, buộc phải thuê người tháo dỡ một phần công trình theo chỉ đạo của các cấp chính quyền đưa ra.

Ngày 9/10, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang cho biết, có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả cuộc họp liên ngành và đề xuất hướng xử lý công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Theo đó, Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất lãnh đạo tỉnh yêu cầu huyện Mèo Vạc chỉnh trang, cải tạo một phần công trình (gồm tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất) để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch.

Toàn bộ 6 tầng giật cấp phía trên của nhà hàng Panorama xây nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15/11.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 10/10, PV liên hệ với bà Vũ Thị Ánh (SN 1962 - chủ đầu tư công trình Panorama), bà Ánh cho biết, bản thân đang ốm, phải nằm viện. Bà từ chối bình luận thêm về các vấn đề cơ quan liên ngành họp bàn sẽ tháo dỡ 6 tầng của tòa nhà.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật) nêu quan điểm, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất của đoàn liên ngành tỉnh Hà Giang đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo huyện Mèo Vạc cho tháo dỡ 6 tầng của tòa Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.

Ông nói, vụ việc cần phải xử lý nghiêm minh để làm gương cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng. Bởi ngày nay tại các địa phương cứ xây dựng tràn lan, không phép, khi biết sai thì xin hợp thức hóa cho tồn tại, "làm như vậy là không nên".

Đối với Panorama, khi có quyết định tháo dỡ của các cấp chính quyền, chủ đầu tư buộc phải thuê người thực hiện.

"Mọi thiệt hại về các khoản tiền bỏ ra xây dựng bao nhiêu chủ đầu tư cũng phải tự gánh chịu. Nếu hết thời gian quy định mà chủ đầu tư không tháo, chính quyền phải huy động người vào cuộc cưỡng chế thì chủ đầu tư cũng mất chi phí cho việc thuê người này", luật Sư Bình nói.

Ông phân tích thêm, ngoài việc tháo dỡ, chủ đầu tư còn phải chị xử phạt hành chính về những sai phạm của mình.

Qua vụ việc, ông cũng khuyên các doanh nghiệp, cá nhân trước khi quyết định thi công bất kỳ công trình nào cũng cần phải tìm hiểu kỹ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết, tránh xảy ra tình trạng đáng tiếng như Panorama.

Theo ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang, hiện trạng công trình Panorama được xây dựng ở ngoài mốc giới di tích danh thắng Mã Pì Lèng.

Công trình có kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp các mặt sàn kết cấu thép, dùng để ngắm cảnh, gồm 7 cấp xây bám theo địa hình.

Mặt trước công trình gồm hai đơn nguyên: đơn nguyên một, gồm tầng nổi và một tầng âm; đơn nguyên hai gồm một tầng nổi, một tầng tum, một tầng âm. Sáu cấp còn lại được xây thấp dần dọc theo sườn núi, mỗi cấp một tầng, trong đó cấp cuối cùng, chủ đầu tư tận dụng làm kho chứa đồ, không sử dụng vào mục đích kinh doanh .

Hiện công trình đã hoàn thiện được 5 cấp, phần sàn thép phục vụ ngắm cảnh của cấp thứ 6 và đơn nguyên cấp thứ 7 đang được hoàn thiện.

Cũng theo vị Phó Giám đốc Sở Xây dựng, qua đo đạc thực tế, công trình có diện tích xây dựng 226 m2, diện tích sàn gần 500 m2 và gần 80 m2 sàn ngắm cảnh khung thép.

Các thành viên đoàn kiểm tra đã kiểm tra cụ thể vị trí xây dựng công trình trên cơ sở đối chiếu với bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử, danh thắng Mã Pì Lèng.

Qua kiểm tra thủ tục hồ sơ liên quan, chủ đầu tư chỉ cung cấp cho đoàn công tác một bộ bản vẽ thiết kế, chưa qua thẩm định, ngoài ra, không có thêm một tài liệu nào khác.

Chủ đầu tư báo cáo, hiện gia đình mới có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất xây dựng, thổ cư.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại