Nền kinh tế Việt Nam vừa cán đích với kết quả tăng trưởng đầy bất ngờ: 6,81%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư nhấn mạnh: “Dù đáng khích lệ nhưng chúng ta không nên tự ru ngủ”. Bởi lẽ, cơ hội là trước mắt nhưng nếu dừng lại, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam vẫn đang hiện diện.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét kinh tế Việt Nam chỉ đang trong “giai đoạn phục hồi” và “không đảm bảo tăng trưởng quá mức như dự báo”.
Bên cạnh đó, một câu hỏi lớn được đặt ra, tăng trưởng đạt cao nhưng tại sao năng suất lao động lại rất thấp, thậm chí, như bình luận của Tổng cục Thống kê là thấp hơn cả Lào. Đấy là một nghịch lý về tăng trưởng.
Nói về vấn đề này, ông Võ Trí Thành bày tỏ “năng suất lao động mới là câu chuyện cuối cùng”. Ông Thành nói rằng bản thân không mấy tin tưởng vào năng suất các nhân tố tổng hợp TFP.
“Năng suất lao động của Việt Nam năm nay tăng chỉ ở mức vừa phải”, ông Thành nói. Dù vậy, ông lưu ý đằng sau câu chuyện tăng năng suất lao động cần quan tâm đến đó là sự dịch chuyển nội ngành hay ngoài ngành.
Hiện nay tăng trưởng của nông nghiệp là cao nhất. Lĩnh vực tăng trưởng năng suất cực thấp là dịch vụ. Những shop nhỏ tăng năng suất lao động rất thấp, nhưng không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất.
Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào, theo ông Thành.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thì cho biết năng suất lao động tổng hợp thì thấp nhưng còn có những ngành tương đối nhanh. Theo đó, ông Mại kể ra 3 câu chuyện ở Samsung Việt Nam.
Thứ nhất, đối với lao động bình thường làm việc tại Samsung Bắc Ninh, chỉ học hết phổ thông, được đào tạo 1-2 tháng, TGĐ Samsung cho biết sau vài năm những người này đạt được 80% năng suất lao động của người Hàn.
“Năng suất bằng 80% nhưng tiền lương chỉ bằng 30%” ông Mại cho biết và cho rằng đấy là lý do Samsung đầu tư nhiều vào Việt Nam.
Thứ hai, Samsung có trung tâm công nghệ cao ở Hà Nội. Ở đó có hàng nghìn người Việt Nam là kỹ sư phần mềm. Với câu hỏi một kỹ sư bình thường người Việt trong bao lâu có thể đạt được trình độ như người Hàn, ông Mại nhận được câu trả lời là từ 1,5 – 2 năm.
Thứ ba, Samsung cũng cho ông Mại biết cấp quản lý tại các nhà máy đặt tại Việt Nam đa phần là người bản địa, từ đốc công đến marketing, nhân sự…
Không chỉ ở Samsung, khi vào TP. Hồ Chí Minh dự tổng kết 15 năm các khu công nghệ cao, ông Mại nhận thấy các công ty nước ngoài như Intel đánh giá rất cao lao động Việt Nam.
Chính vì vậy, khi nói về năng suất lao động, ông Nguyễn Mại cho rằng cần phân tích lao động từng ngành. “Điều này rất quan trọng và cần thiết”, ông nói.