Ba cách đòi tiền Món Huế

Thu Hà |

Khởi kiện đòi thực hiện hợp đồng, yêu cầu tòa tuyên công ty Huy Việt Nam phá sản, gửi đơn tố giác tội phạm là những cách người bị nợ tiền cần tiến hành để đòi tiền.

Những ngày qua, vụ việc các cửa hàng Món Huế (thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Huy Việt Nam) đồng loạt đóng cửa, nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, thực phẩm bị nợ từ vài triệu đồng đến hàng tỷ đồng gây bức xúc. Theo ghi nhận, số tiền nợ của chuỗi hệ thống kinh doanh thực phẩm này đã nợ gần 30 nhà cung cấp tới gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện người bị nợ không liên lạc được với phía Huy Việt Nam.

Trước thông tin trên, Luật sư Vũ Quang Đức, Đoàn Luật sư TP HCM đưa ra một số phân tích về các tình huống pháp lý, khả năng đòi nợ của những người bị thiệt hại.

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 1.

Thứ nhất, theo luật sư Đức, những nhà cung cấp bị nợ tiền phải căn cứ trên hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu. Cụ thể là thực phẩm thịt, rau cá,… cung cấp nguyên vật liệu đó cho công ty Huy Việt Nam hay cho cửa hàng.

Thứ hai, khi giao nhận, người ký nhận là công ty hay cửa hàng. "Theo tôi hiểu thì thông thường, khi ký hợp đồng, nhà cung cấp sẽ ký với công ty. Nhưng vì đây là chuỗi thương hiệu nên việc cung cấp nguyên liệu, thực phẩm là công ty giao cho các cửa hàng (vì tôi không được nhìn trực tiếp hợp đồng đó)", luật sư nói.

Luật sư phân tích và lấy ví dụ Công ty Huy Việt Nam có 10 cửa hàng phở, Món Huế chẳng hạn, thì khi giao sẽ giao trực tiếp cho 10 cửa hàng này. Như vậy căn cứ hợp đồng ký với công ty thì mình có quyền khởi kiện công ty. Nếu những nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu cho cửa hàng thì có quyền khởi kiện cửa hàng là nơi đã nhận nguyên vật liệu mình giao. Người đứng đầu đã trốn nhưng cửa hàng, người đứng đầu cửa hàng thì vẫn còn đó.

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 2.

Cách thứ nhất: Để đòi nợ, nhà cung cấp có quyền khởi kiện công ty Huy Việt Nam ra tòa yêu cầu thực hiện theo hợp đồng. "Tức là, hợp đồng đã quy định tôi giao cho anh hàng thì anh phải thanh toán tiền trong thời gian hai bên ký kết. Nay đã quá thời gian thanh toán mà phía có nghĩa vụ chưa thanh toán thì phải thanh toán. Đó là kiện công ty", ông Đức nói.

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 3.

Bảng công nợ của một nhà cung cấp cá cho Món Huế.

Nhưng ngoài ra, nên kiện thêm cửa hàng - đó là nơi nhận chuyển nhượng thương hiệu với công ty. Chủ cửa hàng vẫn còn, chưa trốn, họ vẫn còn tài sản. Việc khởi kiện này vừa dựa trên hợp đồng, vừa dựa trên những hóa đơn giao nhận hàng. Về nguyên tắc, nơi ký hợp đồng có nghĩa vụ trả tiền. Nhưng nay người ký hợp đồng bỏ trốn thì người chủ cửa hàng là người nhận hàng. Cửa hàng và công ty liên đới trách nhiệm trả tiền.

Việc kiện ra tòa như trên có hai hình thức: Thứ nhất kiện yêu cầu thực hiện hợp đồng đồng thời kiện đòi tiền; Thứ hai đòi bồi thường những chi phí khác phát sinh. Ví dụ: được tính tiền lãi theo lãi suất quá hạn của ngân hàng kể từ ngày đáo hạn thanh toán mà không thanh toán. Cách đòi tiền thứ nhất là khởi kiện này có thể làm được ngay. Việc khởi kiện trên sẽ tiến hành khởi kiện lên tòa ở nơi đặt trụ sở công ty hoặc nơi thực hiện hợp đồng (nơi có cửa hàng).

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 4.

Cách thứ hai: Để đòi tiền, theo luật sư Đức là sau ba tháng đến hạn thanh toán mà công ty không thanh toán, phía nhà cung cấp có quyền khởi kiện ra tòa yêu cầu tuyên bố công ty phá sản. Cách này khác với cách thứ nhất là, khi các nhà cung cấp dịch vụ yêu cầu tuyên bố phá sản với công ty họ được quyền yêu cầu tòa kê biên luôn toàn bộ tài sản của công ty để bán trả nợ cho mình.

Với việc khởi kiện trong vụ việc này, số người bị nợ tiền nhiều, với những mức nợ khác nhau, có người vài triệu đồng, nhưng có cơ sở bị nợ hàng tỷ đồng, theo luật sư Đức những người này có thể khởi kiện riêng lẻ, cũng có thể đứng tên đồng nguyên đơn để khởi kiện. 

Tuy nhiên, theo luật sư họ nên khởi kiện riêng lẻ vì về tổng quan giống nhau bị quỵt nợ nhưng chi tiết mỗi người mỗi khác, khi đi vào chi tiết hợp đồng có thể phương thức khác nhau. 

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 5.

Cùng thuộc hệ thống công ty TNHH Nhà hàng Món Huế, thương hiệu Phở Ông Hùng và Cơm Thố Cháy ở Hà Nội cũng đồng loạt đóng cửa. Một mặt bằng tại Hàng Khay đã được thuê lại.

"Vì vậy họ nên nộp đơn riêng lẻ. Còn khi tòa thấy nội dung vụ việc giống nhau, người bị kiện giống nhau, các tình tiết tương tự thì tòa có quyền sáp nhập vụ án. Cho nên, giờ 10 người cùng cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cửa hàng Món Huế thì làm 10 đơn kiện. Nếu tòa thấy 10 vụ kiện giống nhau thì có thể sáp nhập vào một vụ để giải quyết chung", luật sư Vũ Quang Đức nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, luật sư cho rằng với những người có số tiền nợ thấp, lại cung cấp hàng theo tính chất nhất thời cho cửa hàng, không ký hợp đồng bằng văn bản thì vẫn có quyền khởi kiện. Họ không nhất thiết phải có hợp đồng bằng văn bản vì hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành có nhiều hình thức: hợp đồng miệng, hợp đồng văn bản công chứng. Họ sẽ phải chứng minh việc bị nợ. 

Ví dụ, hàng tuần một người cung cấp cho cửa hàng 5kg thịt bò, việc giao nhận này không ký hợp đồng văn bản. Nếu người giao chứng minh được bằng hình ảnh camera việc giao nhận, người làm chứng, hoặc hóa đơn, giấy viết tay việc nhận, trả tiền…thì vẫn được giải quyết.

Ngoài ra, số tiền nợ cũng không có quy định là tối thiểu bao nhiều, dù nợ 500.000 nghìn vẫn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại khắc phục cho mình. Về nguyên tắc, khi tòa sáp nhập vụ án để giải quyết chung thì người bị nợ 1 tỷ đồng với người bị nợ 1.000 đồng đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả đều cùng phải đóng án phí 5%.

Ba cách đòi tiền Món Huế - Ảnh 6.

Theo luật sư Đức, cả hai cách trên đều chậm bởi giờ người đứng đầu công ty đã bỏ trốn. Như vậy, trong thời gian chờ tòa thụ lý cho đến khi vụ việc được đưa vào tố tụng thì mất khoảng hơn hai tháng. Vì vậy, song song với việc nộp đơn kiện, phía những người bị nợ có thể làm đơn tố giác tội phạm. Về nguyên tắc, tội phạm thực hiện ở đâu thì tố giác ở đó. Như vậy việc gửi đơn tố giác trong trường hợp này sẽ được gửi tới Công an phường, quận nơi công ty đặt trụ sở hoặc nơi cửa hàng đặt trụ sở. Nhưng theo luật sư nên gửi cả hai nơi.

Cho nên, luật sư khuyên những người bị Món Huế nợ tiền có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi cho công an phường, quận nơi công ty đặt trụ sở hoặc nơi cửa hàng đặt trụ sở, hoặc có thể gửi thẳng lên trụ sở công an cấp cao. Những người bị nợ tiền có thể kết hợp gửi đơn tố giác theo cả ba cách này. Đơn tố giác có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.

Theo luật sư Đức, khả năng đòi nợ của những người bị Món Huế nợ là cao vì hệ thống này còn tài sản.

Qua vụ việc này, luật sư Đức đưa ra lời khuyên khi ký hợp đồng, hoặc hợp tác kinh doanh với công ty, cửa hàng nào người dân nên tìm hiểu kỹ về đối tác. Tuy nhiên, việc này cũng khó khăn bởi theo hồ sơ thì công ty này có vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng vốn này không phải vốn pháp định, mà là vốn tự kê khai. Có những loại doanh nghiệp phải có vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Thứ hai, khi hợp tác người có nhu  cầu hợp tác phải tìm hiểu uy tín của đối tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại