Ở nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel nắm thực quyền từ năm 2005. Con đường đưa bà Merkel đến với quyền hành pháp cao nhất ở nước Đức khởi đầu từ cương vị Bộ trưởng về môi trường trong chính phủ của Thủ tướng Helmut Kohl.
Bà Merkel là người đầu tiên ở vùng CHDC Đức trở thành thành viên nội các của CHLB Đức sau khi nước Đức thống nhất - rồi qua chức vụ Tổng thư ký Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU) khi ông Kohl là chủ tịch đảng này, tiếp đó là cuộc lật đổ chính ông Kohl để trở thành Chủ tịch đảng CDU và thủ lĩnh phe đối lập trong quốc hội Đức - thời kỳ ông Gerhard Schroeder của Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) là Thủ tướng Đức.
Năm 2005, sau khi đảng SPD thất cử tại cuộc bầu cử quốc hội bang Nordrhein-Westfalen - bang đông dân nhất nước Đức và có truyền thống bầu cho đảng SPD -, ông Schroeder giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử quốc hội mới trước thời hạn.
Liên minh cầm quyền của ông Schroeder gồm đảng SPD và Đảng Xanh bị thất cử, đảng CDU của bà Merkel trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội - cho dù chỉ với sự chênh lệch không lớn so với đảng SPD - và bà Merkel giành về quyền thành lập chính phủ.
Hoàng hôn quyền lực
Từ "Cô gái của ông Kohl" như biệt danh được đặt cho, bà Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên và duy nhất cho tới nay ở nước Đức, lại còn đến từ CHDC Đức và dần trở thành nữ chính khách được coi là quyền lực nhất, hoặc chí ít thì cũng thuộc diện quyền lực nhất ở cả châu Âu và trên thế giới.
Bà MerKel sẽ giữ chức Thủ tướng cho tới hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ảnh: Reuters
Trong lịch sử đến nay, đảng CDU có truyền thống là chức thủ tướng liên bang và chủ tịch đảng do một người nắm, từ Konrad Adenauer thủa thành lập nước CHLB Đức qua Helmut Kohl thời thống nhất nước Đức đến bà Merkel.
Bà Merkel coi "sự nhất thể hoá" này là nhân tố quyết định nhất cho cầm quyền thành công, tức là cho giành quyền, cầm quyền và duy trì quyền". Ngay từ năm 2005, bà Merkel đã coi việc ông Schroeder là Thủ tướng nhưng không đồng thời là chủ tịch đảng SPD là nguyên nhân chính khiến đảng này mất cương vị cầm quyền về tay đảng CDU.
"Không thể lãnh đạo được đất nước nếu không lãnh đạo được ngay đến cả đảng của mình", bà Merkel đã tuyên bố như thế.
Cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt của đảng SPD bị mất quyền vào tay ông Helmut Kohl năm 1982 cũng đã từng phàn nàn rằng: "Sai lầm lớn nhất của tôi là không đảm trách đồng thời cả cương vị chủ tịch đảng SPD".
Bà Merkel luôn kiên quyết phản đối và chống đối đến cùng việc tách bạch giữa chức vụ Chủ tịch đảng cầm quyền và Thủ tướng liên bang. Bây giờ, người phụ nữ quyền lực này tuyên bố sẽ không ra ứng cử chức Chủ tịch đảng CDU một lần nữa tại đại hội thường kỳ của đảng này vào tháng 12 tới, nhưng vẫn giữ chức Thủ tướng cho tới hết nhiệm kỳ vào năm 2021.
Bà Merkel còn cho biết từ sau thời điểm ấy sẽ không ứng cử vào bất cứ trọng trách chính trị nào nữa ở nước Đức và trong EU.
Tuy bà Merkel chủ động đưa ra nhưng quyết định này của bà Merkel hoàn toàn không phải tự nguyện mà thực ra là kết quả của dự thúc ép của tình thế. Bà Merkel đã vượt qua đỉnh cao quyền lực từ cách đây khá lâu rồi mà ở phía bên kia của đỉnh cao quyền lực ấy là dốc trượt.
Bắt đầu từ năm 2015, cùng với sự bùng phát của cuộc khủng hoảng người tỵ nạn, với quyết định đón chào người tỵ nạn - rất đáng được khâm phục về phương diện nhân đạo, nhưng đưa lại hệ luỵ và hậu quả vô cùng tai hại cho EU và nước Đức mà đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Ở vấn đề người tỵ nạn, mọi sự mẫn cảm về chính trị, tầm nhìn xa trong chính sách và sự khôn khéo quyền biến trong xử lý khủng hoảng vốn đã trở thành thương hiệu ở bà Merkel giúp bà Merkel có cả danh lẫn uy trong EU và ở nước Đức dường như đều đã không phát huy tác dụng đối với bà Merkel.
Mới đây, bà Merkel đã công khai công nhận sai lầm này, nhưng khi đó đã quá muộn. Sự trỗi dậy của cánh cực hữu và dân tuý ở châu Âu và nước Đức, sự phân hoá trong nội bộ EU và việc EU bị mất tín nhiệm nghiêm trọng trong dân chúng là hệ luỵ không còn có thể tránh được một khi cái hộp Pandora kia bị mở.
Địa vị quyền lực của bà Merkel bắt đầu bị lung lay, nền tảng quyền lực của bà Merkel bắt đầu bị rạn vỡ và uy quyền của bà Merkel trong EU bắt đầu bị thách thức.
Phe cầm quyền ở Đức bị mất phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái ở Đức. Bà Merkel không còn làm chủ tình thế được nữa mà bị tình thế xô đẩy và cuốn theo.
Rồi hết sai lầm này đến sai lầm khác. Rồi hết khó khăn mới này đến khó khăn mới khác trong nội bộ ở nước Đức. Có quyền nhưng không còn có đủ uy để dụng quyền, tiếp tục cầm quyền nhưng không có được ý tưởng mới cho cầm quyền trong bối cảnh tình hình mới - bà Merkel tự giam cầm mình trong tình cảnh lực bất tòng tâm, trở thành con tin của nỗ lực duy trì quyền lực bằng mọi giá.
Sau thất bại thảm hại của Đảng Xã hội thiên chúa giáo (CSU) trong liên minh CDU/CSU ở cuộc bầu cử nghị viện bang Bavaria và của đảng CDU trong cuộc bầu cử nghị viện bang Hessen, bà Merkel bị đẩy đến trước khả năng bị mất quyền bởi áp lực từ phía nội bộ đảng CDU và từ phía đảng SPD.
Cho nên bà Merkel mới buộc phải làm cuộc chạy trốn về phía trước, phải tính trú mưa từ lúc mưa chưa đổ và phải rút dần khỏi quyền lực trước khi bị truất quyền và lật đổ. Cuối cùng thì người đàn bà quyền lực này cũng đã nhận ra được điểm dừng để còn có thể chủ động quyền biết sau khi không biết mình, không biết người và không biết thời thế nữa.
Bà Merkel không chỉ vớt vát những gì còn có thể cứu vãn nổi mà còn biến buổi hoàng hôn quyền lực của mình thành cuộc chơi riêng mới khi quyết tâm chủ động vận hành cuộc tháo lui quyền lực của mình, gây thêm khó khăn cho đảng SPD mà lại còn có thể vẫn đóng được vai trò quyết định trong việc lựa chọn và bầu người kế nhiệm.
Khi xưa, ông Schmidt không là Chủ tịch đảng SPD. Ông Schroeder cầm quyền được thêm 22 tháng sau khi thôi làm chủ tịch đảng SPD. Bây giờ, bà Merkel dự định thôi là Chủ tịch đảng CDU nhưng tiếp tục cầm quyền đến tận cuối năm 2021.
Ở nước Đức hiện tại chẳng có nhiều người tin mưu tính quyền lực này của bà Merkel thành công. Gần như tất cả đều cho rằng bà Merkel chỉ còn là Thủ tướng Đức nhiều lắm đến cuối năm 2019.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.