Trước đó, ngày 12-12, Chính phủ Australia đã phát hành một tài liệu tham vấn đặc biệt, tạo nền tảng để các doanh nghiệp xây dựng và báo cáo dựa trên tiêu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, việc báo cáo quản lý rủi ro khí hậu là bắt buộc và các doanh nghiệp lớn sẽ có một giai đoạn chuyển tiếp phù hợp để chuẩn bị cho công tác thực thi quy định này. Các tổ chức tài chính và có yếu tố nhà nước cũng phải thực thi quy định trên, buộc phải đệ trình công khai trước ngày 17-2-2023.
Theo Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers, đất nước này sẽ tiên phong thực hiện một chiến lược phát triển tài chính bền vững, ưu tiên phát hiện và ngăn chặn các hoạt động "tẩy xanh" (greenwashing) của doanh nghiệp vốn hay cường điệu hóa các hoạt động bảo vệ môi trường của họ bằng cách khoác lên các sản phẩm, dịch vụ hoặc chính sách lớp vỏ bọc "thân thiện với môi trường, bền vững và có đạo đức" để đánh bóng thương hiệu. Ông Erwin Jackson, Giám đốc chính sách của Nhóm các nhà đầu tư về biến đổi khí hậu Australia, cho rằng, các nhà đầu tư toàn cầu ngày nay đang ngày càng tập trung vào sự hài hòa mới giữa lợi nhuận và hành tinh. Vì vậy, Australia nên phản ứng nhanh nhạy và tích cực bằng cách đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về tài chính bền vững, chiếm một phần lớn trong chiếc bánh đầu tư xanh đang phát triển trên toàn cầu.
"Tẩy xanh" không chỉ giới hạn trong các tuyên bố về môi trường mà còn mở rộng sang các đề xuất đạo đức gây hiểu lầm. Giải quyết hành vi "tẩy xanh" là ưu tiên thực thi hiện tại của các cơ quan quản lý doanh nghiệp Australia. Mới đầu tháng này, chi nhánh của Công ty Quản lý đầu tư toàn cầu Vanguard tại Australia đã bị Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) phạt gần 40.000 USD. Đây là quyết định phạt thứ hai của ASIC chống lại hành vi "tẩy xanh", sau quyết định phạt 52.280 USD đầu tiên hồi tháng 10 đối với Công ty Tlou Energy, vì đã đưa ra các báo cáo về tính bền vững sai sự thật vào năm 2021.
Báo cáo Global ESG Monitor năm 2022 mới đây cho thấy, các công ty Australia đang tụt lại phía sau trong tính minh bạch, tăng nguy cơ hành vi "tẩy xanh". ESG là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng, viết tắt từ E-Environmental (môi trường); S-Social (xã hội) và G-Governance (quản trị doanh nghiệp). Tính minh bạch trong báo cáo ESG cho phép mọi người đưa ra quyết định tốt hơn về việc đầu tư vào hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao, tức là năng lực thực hành ESG càng tốt. Global ESG Monitor năm 2022 cho thấy, các công ty Australia đặc biệt chậm tiết lộ về tài nguyên thiên nhiên đang được sử dụng hoặc có tỷ lệ phần trăm công ty báo cáo mục tiêu hiệu suất tập trung vào tính bền vững thấp nhất, trong đó có các công ty hàng đầu của Australia bao gồm: Endeavour, Newcrest Mining, ANZ, QBE Insurance và Woodside Oil. Trong thang điểm 100 điểm tối đa, châu Âu là khu vực hoạt động tốt nhất, đạt điểm trung bình là 66. Các công ty ở châu Á và Mỹ lần lượt đạt 56 và 53.