Australia thông qua dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức

Việt Nga |

Australia vừa trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức trở thành luật sau khi được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua.

Google đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với các cơ quan báo chí Australia để tránh bị chỉ định đàm phán. Nguồn: DOMINO POSTIGLIONE

Google đang nỗ lực đạt được thỏa thuận với các cơ quan báo chí Australia để tránh bị chỉ định đàm phán. Nguồn: DOMINO POSTIGLIONE

Ngày 25/2, Hạ viện Australia đã thông qua dự thảo Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức sau khi dự luật này được Thượng viện thông qua vào tối qua. Như vậy, Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức quy định mối quan hệ giữa các công ty công nghệ với các cơ quan báo chí Australia đã chính thức trở thành luật tại nước này.

Bộ quy tắc này yêu cầu các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia do đã sử dụng tin tức trên nền tảng của mình. Việc đàm phán giữa các công ty công nghệ với các cơ quan báo chí Australia sẽ do hai bên tự tiến hành. Tuy vậy, khi xác định công ty công nghệ không muốn trả tiền cho các cơ quan báo chí thì Bộ quy tắc này cho phép Bộ trưởng Ngân khố chỉ định công ty đó phải ngồi vào bàn đàm phán. 

Khi bị chỉ định, công ty công nghệ sẽ bắt buộc phải tham gia quy trình và nếu không tìm được tiếng nói chung với cơ quan báo chí thì hai bên sẽ phải đi đến hòa giải và nếu hòa giải không thành công thì vụ việc được đưa ra cơ quan trọng tài. Quyết định của cơ quan trọng tài là cuối cùng và các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ.

Việc đưa Bộ quy tắc Đàm phán nội dung tin tức trở thành luật là nỗ lực của chính phủ Australia buộc các công ty công nghệ phải thực hiện nghĩa vụ với các cơ quan báo chí nước này vì đã sử dụng tin tức. Không can thiệp trực tiếp vào nội dung đàm phán song bằng cách đưa Bộ quy tắc thành luật, Australia đã tạo ra thế cân bằng cho các cơ quan báo chí trong khi đàm phán với các công ty công nghệ.

Nguồn thu lao dốc do quảng cáo đổ dồn vào các nền tảng xã hội do các công ty công nghệ làm chủ đang làm cho các cơ quan báo chí Australia gặp rất nhiều khó khăn, hơn 200 tờ báo phải đóng cửa kể từ 2019 cho đến nay. Trong bối cảnh này, việc Australia ban hành luật buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, phần nào giúp cơ quan báo chí tháo gỡ những khó khăn trong giai đoạn nhiều thử thách.

Bên cạnh đó, hành động này cũng cho thấy nỗ lực của chính phủ Australia trong việc từng bước kiểm soát hành vi của các ông lớn công nghệ trong bối cảnh ảnh hưởng của các công ty này đang gia tăng mạnh mẽ và vượt ra ngoài biên giới và tầm kiểm soát của chính phủ các nước. Động thái này cũng gửi đi thông điệp về trách nhiệm hoạt động vì lợi ích cộng đồng mà các ông lớn công nghệ. Tiếp sau Australia, nhiều quốc gia trên thế giới cũng sẽ có những hành động tương tự./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại