Asanzo tiếp tục lên tiếng về nghi vấn xuất xứ sản phẩm
Liên quan tới nghi vấn về xuất xứ sản phẩm đăng tải trên báo chí gây ồn ào suốt tuần lễ qua, ông Phạm Văn Tam - chủ tịch của Asanzo vừa có thông tin và chia sẻ về sự việc này.
Vẫn tiếp tục luận điểm phủ nhận nghi vấn về việc thay đổi nơi sản xuất hàng hóa, ông Phạm Văn Tam khẳng định không lừa dối khách hàng và đang hợp tác với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.
Theo ông Tam, những sản phẩm này được lắp ráp hoàn toàn ở Việt Nam và được tiêu thụ ở thị trường trong nước, không phải xuất khẩu.
"Chúng tôi hoàn thiện khâu đầu/cuối và kiểm định đảm bảo chất lượng. Vì thế, tôi khẳng định, sản phẩm của Asanzo là Made in Vietnam.
Quan điểm của Asanzo cho rằng, Asanzo sử dụng linh kiện để lắp ráp và gắn nhãn "Made in Vietnam" là không vi phạm pháp luật.
Hiện tại, Bộ Công Thương đang xúc tiến xây dựng thông tư quy định ghi nhãn hàng hóa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hoặc hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam.
Tuy nhiên, nếu pháp luật quy định hàng hóa lắp ráp tại Việt Nam không được ghi xuất xứ Việt Nam thì Asanzo chấp hành", ông Tam nói.
Bên trong nhà máy Asanzo, quận Bình Tân - TP HCM.
Liên quan đến nhóm hàng gia dụng vướng cáo buộc do công ty "ma" nhập hàng Trung Quốc dán nhãn Việt Nam, ông Tam khẳng định, Asanzo đã ngưng lắp ráp thiết bị điện gia dụng từ nửa đầu năm 2018. Tập đoàn chuyển giao nhóm ngành hàng này cho công ty đối tác.
"Chính vì thế trên thị trường có hai dòng sản phẩm khác nhau về nơi sản xuất nhưng cùng logo Asanzo và modem.
Trong đó, một loại là Asanzo lắp ráp trước đây và dán nhãn hàng Việt Nam. Loại thứ hai do công ty đối tác nhập về, xuất xứ từ Trung Quốc", ông Tam thông tin.
Về vấn đề nhà phân phối cung cấp sản phẩm cho Asanzo là công ty "ma", Asanzo viện dẫn thông tin Cục hải quan TP HCM cho hay, hiện chưa có căn cứ để xác định địa chỉ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc cung cấp cho Asanzo là không có thật hoặc giám đốc "ảo".
Người đứng đầu Tập đoàn cũng chia sẻ, trong thời gian chờ đến khi có kết luận của cơ quan chức năng, Asanzo hứng chịu khá nhiều thiệt hại như các tài khoản của Tập đoàn đã bị đóng băng, các nhà phân phối và Đại lý đã ngưng bán hàng Asanzo.
"2.000 công ăn việc làm đang bị đe dọa sau sự việc", ông Tam cho biết.
Hứa thu hồi sản phẩm lỗi nếu có
Vị lãnh đạo cam kết, trong mọi trường hợp đều sẽ đảm bảo quyền lợi sau mua hàng của người tiêu dùng đã tin tưởng thương hiệu Asanzo.
Phía Tập đoàn vẫn tiếp tục các chính sách về bảo hành sản phẩm, khuyến mại theo quy định về việc đổi trả mà từ trước đến nay Asanzo chủ trương.
"Nếu nhận được bất kỳ phản ánh nào của khách hàng về chất lượng sản phẩm, công ty sẽ lập tức tiến hành kiểm tra, xác nhận lỗi sản phẩm và thu hồi. Đó là sự khác biệt giữa sản phẩm Asanzo và sản phẩm nhập ngoại không rõ nguồn gốc", ông Phạm Văn cho biết.
Liên quan đến việc dán nhãn sản phẩm, Asanzo hứa sẽ rà soát, kiểm tra toàn bộ quy trình đặt hàng, chất lượng sản phẩm đầu vào và xuất xứ. Để tránh nhầm lẫn giữa C/O và xuất xứ, Asanzo sẽ ghi rõ "Sản xuất tại Việt Nam, linh kiện nhập khẩu".
Cục QLTT TP vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM đề nghị hỗ trợ cung cấp các thông tin có liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo như: Người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính, chi nhánh, kho chứa hàng, hoặc các liên quan đến Asanzo.
Các giấy tờ như bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh... cũng cần được cung cấp.