Cũng như 100 năm trước, các đơn vị xe tăng cho đến nay vẫn là một trong những lực lượng tấn công chủ lực của bất cứ quân đội hiện đại nào. Khí tài thiết giáp hạng nặng bây giờ vẫn đáp ứng tốt hầu hết điều kiện của chiến trường.
Tuy nhiên đã tới rất gần thời điểm, khi mà các cỗ máy hạng nặng có người điều khiển sẽ được thay thế bằng những kỹ thuật tiên tiến hơn. Trang quân sự Defence căn cứ vào nguồn tin của hãng thông tấn TASS và các tuyên bố của bộ phận báo chí Công ty Uralvagonzavod sẽ phác họa sự thay đổi trong lĩnh vực chế tạo xe tăng Nga.
Tại bộ phận báo chí của Uralvagonzavod, người ta chia sẻ rằng hiện nay Quân đội Nga đang sở hữu rất nhiều xe tăng T-72, T-80 và T-90. Tất cả những chiến xa này thường xuyên được nâng cấp và chúng đang sở hữu hệ thống vũ khí hiện đại hơn.
Ví dụ như chế tạo nòng pháo mới, thay đổi tổ hợp triển khai hỏa lực, nâng cấp khả năng phòng vệ, thậm chí lắp đặt cả động cơ mới. Như vậy trong thời gian tới đây, toàn bộ xe tăng T-90 sẽ được nâng cấp lên thành T-90M với khả năng sinh tồn hoàn thiện hơn, còn T-72B sẽ được hiện đại hóa lên chuẩn T-72B3.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-72B3
Tuy nhiên các cỗ máy này sẽ dần đạt tới giới hạn của chúng, bởi vậy lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga, nhằm đáp ứng được những thách thức của thời đại, đã nghiên cứu chế tạo dòng xe tăng trên khung sườn mới "Armata".
Cỗ máy đó rất thành công, vượt trội đàn anh và mọi đối thủ cạnh tranh của mình về những tiêu chí tối quan trọng như sức mạnh hỏa lực hay khả năng phòng vệ. Công nghệ số giúp bảo đảm các quá trình có mức độ tự động hóa cao, để Armata biến thành robot chiến đấu với công nghệ điều khiển từ xa.
Trong tương lai, lần đầu tiên Armata sẽ được lắp đặt tổ hợp đánh chặn và phát hiện mục tiêu với chế độ hình ảnh động trên cơ sở sợi quang học. Tuy nhiên các kỹ sư của Uralvagonzavod đã sẵn sàng không chỉ về mặt lý thuyết, mà còn bắt tay trực tiếp vào công tác hiện thực hóa.
Một phân xưởng lắp ráp xe tăng của Nhà máy Uralvagonzavod
Tổng giám đốc tập đoàn Rostech (Nga), ông Sergei Chemezov chia sẻ rằng, hiện nay Armata đang trong quá trình thử nghiệm cuối cùng. Còn sau đó, từ năm 2019, các cỗ máy sẽ được sản xuất hàng loạt để bàn giao cho Quân đội Nga.
Nhưng ngay từ bây giờ, các công trình sư đã chuẩn bị thiết kế những chiếc thiết giáp không người lái và robot hóa. Dự án chế tạo khí tài nói trên dự kiến sẽ được triển khai đến năm 2020 trong khuôn khổ chương trình phát triển công nghệ tiên tiến của tập đoàn.
Uralvagonzavod chỉ rõ rằng, sau 10 năm nữa ở Nga có thể sẽ xuất hiện các phương tiện chiến đấu mới mà một phần nhiệm vụ được chúng thực hiện không thua kém gì so với xe tăng có người điều khiển. Đó là những chiếc Armata được robot hóa cũng như các chiến xa không người lái khác...