Sideloading được biết đến là một quá trình tải xuống và cài đặt ứng dụng từ các nguồn không chính thức, không phải từ cửa hàng ứng dụng App Store chính thức của Apple. Nhiều người dùng iPhone đã sử dụng tính năng này để cài đặt các ứng dụng mà Apple không chấp nhận trên App Store. Trong khi Google cho phép người dùng Android làm điều này, Apple lại có hành động được cho là “xây tường rào bao quanh” với các thiết bị của mình.
Cụ thể, Apple tuyên bố rằng, các ứng dụng được cài đặt trên iPhone từ cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba có thể chứa phần mềm độc hại hoặc các vấn đề bảo mật khác và vì Apple không thể kiểm tra các ứng dụng không được tải xuống từ App Store nên tốt hơn hết là không cho phép điều đó.
Một lý do khác khiến Apple không muốn cho phép sideloading trên iPhone là để ngăn các nhà phát triển liệt kê ứng dụng iOS của họ trên cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba như một cách để trả cho Apple tới 30% doanh thu trong ứng dụng của họ. Vì App Store là cửa hàng ứng dụng iOS chính thức duy nhất nên không có cách nào thoát khỏi cái gọi là "Thuế Apple" trừ khi nhà phát triển ngừng chấp nhận mua hàng trong ứng dụng.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) quy định rằng người dùng thiết bị di động có thể cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng bên thứ ba. Đầu năm nay, có ý kiến cho rằng, Apple sẽ cho phép sideloading nhưng chỉ ở 27 quốc gia là thành viên của EU, điều này sẽ hạn chế mọi thiệt hại do các ứng dụng độc hại gây ra. Quy định trên cũng sẽ cung cấp cho Apple một số dữ liệu thực tế để xem liệu hãng này có nên cho phép người dùng tải ứng dụng qua các thị trường khác hay không.
Trang 9to5Mac cũng đã phát hiện ra rằng, bản cập nhật phần mềm thử nghiệm iOS 17.2 beta chứa mã nội bộ cho phép các ứng dụng của bên thứ ba có quyền cài đặt các ứng dụng khác. Với khả năng này, các nhà phát triển sẽ có thể tạo cửa hàng ứng dụng iOS của bên thứ ba của riêng họ. Mã này cũng có khóa khu vực cho phép Apple hạn chế tải qua các quốc gia cụ thể. Điều này sẽ trở nên có ý nghĩa nếu Apple buộc phải cho phép DMA thông qua.
Apple có thời hạn đến tháng 3 sang năm để tuân thủ theo DMA nhưng không ai có thể chắc chắn rằng, Tim Cook và ban lãnh đạo của Apple có cố gắng làm mọi cách để ngăn chặn việc tải xuống và cài đặt ứng dụng từ các nguồn không chính thức, không phải từ cửa hàng ứng dụng App Store chính thức của Apple ngay cả ở trong phạm vi 27 quốc gia EU. Một tháng trước đó, vào tháng 2/2024, DMA có thể thay đổi quyết định và gọi iMessage là "người gác cổng", điều này sẽ buộc Apple phải bổ sung hỗ trợ cho Dịch vụ truyền thông đa phương tiện (RCS) vào ứng dụng nhắn tin của mình. Điều đó cũng sẽ được giới hạn ở 27 quốc gia thành viên EU.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã chỉ định 6 công ty công nghệ lớn gồm Alphabet, Amazon, Apple, ByteDance, Meta và Microsoft làm "người gác cổng" (gatekeeper) theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số. Đây là lần đầu tiên các công ty này bị coi là "người gác cổng" kể từ khi luật này được ban hành vào đầu năm nay.
Các công ty được chỉ định là "người gác cổng" có 6 tháng để tuân thủ các nghĩa vụ theo DMA nhằm hạn chế hành vi phản cạnh tranh và thúc đẩy thị trường kỹ thuật số công bằng. Theo DMA, những "người gác cổng" được chỉ định phải mở cửa với các đối thủ, cung cấp cho bên thứ ba quyền truy cập vào các dịch vụ nền tảng chính như cửa hàng ứng dụng, hệ điều hành và cơ sở hạ tầng đám mây.