Cuộc chiến không đối xứng của Hamas chống lại Israel ở Dải Gaza – bài học từ Ukraine

Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera) |

Giao tranh ở Dải Gaza giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas là một ví dụ điển hình về chiến tranh không đối xứng thời hiện đại. Bất cứ khi nào kết thúc, cuộc chiến này sẽ được mổ xẻ bởi các chiến lược gia và nhà chiến thuật.

Cuộc chiến không đối xứng của Hamas chống lại Israel ở Dải Gaza – bài học từ Ukraine - Ảnh 1.

Hiện trường một cuộc oanh tạc của Israel xuống thành phố Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza ngày 12/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ra đời cách đây mới gần 60 năm, nhưng khái niệm “chiến tranh không đối xứng” đã nhanh chóng trở nên lạc hậu. Ban đầu, chiến tranh không đối xứng được hiểu là cuộc xung đột giữa những kẻ thù khác nhau đáng kể. Hiểu một cách đơn giản, đó là cuộc chiến giữa chàng David nhỏ bé và gã khổng lồ Goliath.

Các cuộc chiến tranh không đối xứng thường đẫm máu và man rợ hơn so với các cuộc chiến tranh giữa những đội quân chính quy. Cụ thể là trong xung đột giữa nhà nước và phi nhà nước, các thành viên của đội quân phi nhà nước không được công nhận là quân nhân theo đúng nghĩa và do đó không được bảo vệ bởi các công ước và luật chiến tranh quốc tế. Nhưng trong một “cuộc chiến đúng nghĩa”, quân đội chính quy lại có thể sử dụng những loại vũ khí và chiến thuật không được chấp nhận về mặt pháp lý.

Vô số cuộc chiến tranh trong khoảng nửa thế kỷ qua đã diễn ra một cách không cân xứng và trong nhiều trường hợp, phe yếu hơn lại giành chiến thắng. Chiến thắng ấy thường không phải bằng thắng lợi trong những trận chiến quyết định mà bằng cách tiêu diệt kẻ thù, nhưng điều đó không có nghĩa là bên nhỏ yếu hơn luôn giành chiến thắng.

Cuộc chiến không đối xứng của Hamas chống lại Israel ở Dải Gaza – bài học từ Ukraine - Ảnh 2.

Chuyển em nhỏ bị thương tới bệnh viện ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 1/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến không đốt xứng giữa Nga và Ukraine

Đối với cuộc chiến ở Dải Gaza, giao tranh liên tục của lực lượng Hezbollah ở Liban với quân đội Israel hay xung đột Nga - Ukraine là những cuộc chiến không đối xứng tương đối tiêu biểu có thể được đem ra để soi chiếu. Trong đó, Nga và Ukraine tuy đều là các quốc gia, nhưng lại có những yếu tố quan trọng hình thành một cuộc chiến không đối xứng, nhất là trong phản ứng ban đầu của Kiev trước hành động tấn công của Moskva.

Ukraine thừa hưởng một quân đội kiểu Liên Xô cũ sau khi giành được độc lập vào năm 1991, nhưng họ không thay đổi được gì nhiều. Cho đến năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, giới lãnh đạo Ukraine mới nhận ra rằng để đánh bại Nga, họ phải cải thiện về chiến thuật và chiến lược. Vì vậy, Kiev quyết định áp dụng các tiêu chuẩn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để phát triển quân đội. Kiev tin rằng tiêu chuẩn của NATO vượt trội so tiêu chuẩn kiểu Liên Xô cũ.

Cuộc chiến không đối xứng của Hamas chống lại Israel ở Dải Gaza – bài học từ Ukraine - Ảnh 3.

Một phần của tòa nhà chung cư bị hư hại bởi cuộc tấn công của máy bay không người lái Ukraine ở Moskva ngày 30/5/2023. Ảnh: AP

Nhưng việc thay đổi một hệ thống lớn và trì trệ cần có thời gian và giới lãnh đạo Ukraine nhận ra rằng bước đầu tiên trong việc áp dụng các học thuyết mới là phải chủ động và độc lập về chiến thuật. Chính điều đó đã cứu Ukraine khỏi nguy cơ bị đánh bại chỉ trong vài ngày, như sự kỳ vọng của Nga.

Một trong những tiến bộ lớn nhất về chiến thuật của Ukraine là việc sử dụng máy bay không người lái thương mại loại nhỏ và rẻ tiền, giống như những chiếc drone đồ chơi của trẻ em với giá chỉ khoảng 200 USD, để thực thi nhiệm vụ mang tính sáng tạo.

Nhờ vậy, các đơn vị quy mô cấp tiểu đội của Ukraine có thể cơ động và hoạt động nhanh hơn nhiều. Họ điều khiển máy bay không người lái ở vùng trời phía trên kẻ thù và có thể nhìn thấy rõ vị trí của kẻ thù dù ở xa vài trăm mét, từ đó có thể điều chỉnh hoạt động tấn công hay phòng thủ gần như ngay lập tức.

Ngoài ra, chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Nga, Ukraine đã có thể sản xuất hàng loạt những chiếc máy bay ném bom không người lái kiểu nhà nghèo. Chúng được trang bị những quả bom nhỏ, chỉ nặng vài kg, nằm trong khả năng chuyên chở của chúng.

Trong khi đó, Nga, đối thủ của họ, lại bị mắc kẹt với quy trình lạc hậu, rườm rà: Đơn vị cấp trên triển khai trinh sát, sau đó kết quả trinh sát mới được truyền xuống đơn vị cấp dưới theo hệ thống chỉ huy. Máy bay không người lái mà Nga sử dụng cũng kềnh càng, nặng nề và thường phải điều khiển bằng các phi công chuyên nghiệp.

Máy bay không người lái của Ukraine tấn công xe thiết giáp của Nga. Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine ngày 12/11/2023

Hiệu quả từ những quả bom nhỏ thả từ máy bay không người lái

Chỉ những chỉ huy pháo binh Nga mới biết có bao nhiêu khẩu đội pháo bị tiêu diệt bởi những quả bom nhỏ được máy bay không người lái của Ukraine thả xuống, nhưng có lẽ đó là một con số không nhỏ. Video quay cảnh máy bay không người lái cỡ nhỏ thả bom xuống binh lính trên chiến trường xuất hiện nhiều vô kể. Người ta cho rằng binh lính Nga sợ những chiếc máy bay không người lái này đến mức nhiều người không dám ngủ trong chiến hào hoặc di chuyển qua bãi đất trống.

Sau thành công ban đầu trong việc chống lại bộ binh và pháo binh Nga, người Ukraine cảm thấy cần mạnh dạn tấn công lực lượng thiết giáp Nga. Ngay cả những chiếc xe tăng mạnh nhất cũng được bọc giáp rất ít ở bên trên: chúng được chế tạo để chiến đấu chống lại xe tăng khác hoặc chống lại tên lửa bộ binh. Cả hai loại vũ khí này đều được bắn từ mặt đất và trên mặt đất, vì vậy, lớp giáp phía trước thường được thiết kế cực kỳ dày, nhưng phần trên của xe tăng chỉ có lớp giáp rất mỏng. Khi thiết kế xe tăng, người ta không bao giờ ngờ tới sẽ phải đối mặt với cuộc tấn công lớn từ trên cao, cho đến khi máy bay không người lái ra đời.

Những quả bom cỡ nhỏ thả xuống lớp giáp phía trên xe tăng có thể xuyên qua nóc xe, tháp pháo, nhưng cũng có thể không làm được điều đó. Tuy nhiên, nếu xuyên qua, chúng thường khiến đạn dược bên trong xe phát nổ, phá hủy xe tăng và tổ lái. Trong trường hợp chúng nổ ở khoang động cơ, xe tăng gần như mất khả năng hoạt động. Như vậy, một chiếc xe tăng có giá vài triệu USD có thể bị tiêu diệt bằng một hệ thống máy bay ném bom có giá vài nghìn USD.

Có hai phương pháp để chống lại các cuộc tấn công bất đối xứng này. Thứ nhất là áp dụng các biện pháp bảo vệ tích cực cho xe tăng như gây nhiễu tần số mà máy bay không người lái của đối phương sử dụng, khiến chúng trở nên vô dụng hoặc sử dụng vũ khí chống máy bay không người lái. Thứ hai là bảo vệ xe tăng một cách thụ động bằng cách đặt một “mái nhà” lên trên xe tăng. Một khung kim loại đơn giản được hàn vào thành xe tăng, phía trên căng bằng lưới dây cứng. Bom do máy bay không người lái thả xuống sẽ phát nổ khi chạm vào dàn lưới và không thể làm hỏng xe tăng. Phương pháp này rẻ hơn, đơn giản hơn, hiệu quả hơn, nhưng người Nga phải mất nhiều tháng mới nhận ra những mất mát của mình và bắt đầu thực hiện nó.

Cuộc chiến không đối xứng của Hamas chống lại Israel ở Dải Gaza – bài học từ Ukraine - Ảnh 4.

Một trong số ít xe tăng của quân đội Israel tác chiến ở Dải Gaza được lắp đặt "mái nhà" chống tấn công vào nóc xe tăng. Ảnh: IDF

Soi chiếu xung đột Nga – Ukraine vào cuộc chiến ở Dải Gaza

Nếu thay thế hầu hết mọi từ đề cập đến quân đội Ukraine bằng “Hamas” và mọi từ đề cập tới“Nga” bằng “Israel” sẽ thấy khi quân đội Israel tiến vào Gaza, người ta chứng kiến tiếp cận chậm chạp của bộ máy quan liêu khổng lồ.

Kể từ khi xe tăng và bộ binh Israel áp sát Thành phố Gaza, Hamas đã phát hành các video cho thấy các cuộc tấn công bằng bom cỡ nhỏ, với ít nhất một số trong số đó được chứng minh là hiệu quả. Chỉ một tỷ lệ nhỏ xe tăng Merkava hùng mạnh được nhìn thấy được lắp đặt “mái nhà”. Nhưng dù vậy, nó cho thấy các quyết định thực hiện các giải pháp đơn giản, rẻ tiền như vậy vẫn phải được phê duyệt và ra lệnh thông qua hệ thống chỉ huy.

Sự đổi mới về kỹ thuật và chiến thuật chưa mang lại chiến thắng cho người Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, nhưng nó đã làm chậm bước tiền của đối phương và khiến đối phương phải trả giá đắt. Việc triển khai các loại vũ khí và phương pháp tương tự có thể không bảo vệ được Thành phố Gaza trước các cuộc tấn công lớn của Israel, nhưng chắc chắn sẽ khiến cuộc chiến ở trung tâm Dải Gaza kéo dài hơn và đẫm máu hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại