Tờ CNN đưa tin, Apple đang vướng vào một vụ kiện liên quan tới vấn về lạm dụng địa vị thị trường. Đây có thể là một điểm quan trọng trong lịch sử 48 năm của công ty, tương đương với những sự kiện tầm cỡ như sự trở lại của người sáng lập Steve Jobs hoặc sự phát minh của iPhone.
Nghi vấn về một vụ kiện lịch sử lại dấy lên vào những ngày này sau khi The New York Times đưa tin vào thứ sáu rằng Bộ Tư pháp đang ở giai đoạn cuối của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm nhắm vào Apple, có thể dẫn đến một vụ kiện vào cuối năm nay.
Cuộc điều tra được cho là tập trung vào mọi thứ từ sự tích hợp mượt mà giữa iPhone và Apple Watch đến hệ thống thanh toán số của công ty và việc sử dụng hình nền màu xanh cho các dòng tin nhắn văn bản của iMessage trên iPhone để phân biệt với tin nhắn tới từ thiết bị Android. Nói một cách ngắn gọn, các nhà lập pháp đang xem xét tổng quan về "hệ sinh thái đóng" của Apple – thứ đã biến đây trở thành một "đại gia" trị giá 2,8 nghìn tỷ USD.
Apple - công ty có giá trị nhất thế giới - là "ông lớn" công nghệ duy nhất mà chính phủ Mỹ chưa kiện về tội lạm dụng địa vị thị trường trong vài năm gần đây. Theo Adam Wolfson, một luật sư chống độc quyền tại công ty luật Quinn Emanuel, nếu các quan chức chống độc quyền quyết định kiện Apple, đó sẽ là một "tổn công trực diện" vào hoạt động kinh doanh của nhà Táo.
"Phụ thuộc vào những điều Bộ Tư pháp thực sự cáo buộc, đó có thể là một cuộc tấn công vào mọi cách mà Apple vận hành doanh nghiệp và duy trì mình như là một trong những công ty có lợi nhuận nhất trên thế giới", Wolfson nói.
Apple hiện chưa đưa ra phản hồi về yêu cầu bình luận.
Dĩ nhiên, dù Bộ Tư pháp có mở cuộc điều tra thì cũng không có nghĩa là cơ quan này dự định tiến hành vụ. Nhưng quyết định đưa Apple ra toà sẽ là "một vấn đề rất lớn", theo William Kovacic, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang, một trong những cơ quan chống độc quyền hàng đầu của nước Mỹ nói.
"Các vấn đề đối với người tiêu dùng và cả các vấn đề đối với công ty đều rất lớn", Kovacic nói.
Một số các sự kiện quan trọng nhất trong khoảng nửa thế kỷ tồn tại của Apple bao gồm việc sa thải Steve Jobs vào năm 1985, cùng với sự trở lại của ông vào năm 1997. Ngoài ra còn có sự chuyển hướng quan trọng để ra mắt iPhone, iPad và cửa hàng ứng dụng Apple, mở đầu cho thời đại di động đã thay đổi mãi mãi xã hội toàn cầu.
Một vụ kiện từ Bộ Tư pháp nhắm vào nền tảng cơ bản của thành công của Apple sẽ trở thành một chương lớn khác trong câu chuyện của công ty. Về phần mình, nếu bị kiện, Apple có khả năng sẽ dựa vào các phần lịch sử đó - cũng như vịn cớ thành tích khiến hàng triệu người tiêu dùng yêu thích sản phẩm của công ty - như một phần lý lẽ để bảo vệ mình trước tòa.
Mặc dù được người dùng yêu thích, Apple đã thu hút sự chỉ trích ngày càng tăng từ những người làm ứng dụng, đối thủ và chính trị gia. Những người này đã buộc tội nhà Táo "giam giữ" người dùng và ép buộc đối thủ chấp nhận các điều khoản hạn chế để tiếp cận người dùng của Apple.
Một số nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất dự luật để buộc mở cửa hàng ứng dụng của Apple, mặc dù dự luật đã đình trệ vì sự phản đối của Apple và Google.
Gần đây, một số đối thủ của Apple đã thành công trong việc thách thức công ty. Ví dụ mới nhất là vụ tranh chấp bằng sáng chế dẫn đến lệnh cấm nhập khẩu đối với một số đồng hồ Apple vào tháng trước trước khi Apple có được một lệnh tạm dừng lệnh cấm khẩn cấp.
Kiểm soát quyền lực độc quyền?
Năm 2020, một cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ phát hiện rằng Apple, cùng với Amazon, Google và Meta, đều sử dụng quyền lực độc quyền một cách có thể gây hại.
Cuộc điều tra kéo dài 16 tháng dẫn tới những cuộc điều trần nổi bật với các CEO công nghệ và dẫn đến báo cáo Quốc hội gồm 450 trang chi tiết một số hành vi kinh doanh của các công ty được cho là có chiều hướng chống cạnh tranh.
Sự kiện này cũng tạo đà cho làn sóng kiểm tra chống độc quyền đã dẫn đến các vụ kiện của chính phủ Mỹ đối với tất cả các công ty được đề cập trong báo cáo, ngoại trừ Apple.
Cách Apple xử lý tin nhắn Android đã trở thành một ví dụ nổi bật cho những người phê phán cách công ty cố gắng tận dụng quyền lực của mình.
Bằng cách hiển thị tin nhắn Android trên iPhone là màu xanh lá cây thay vì màu xanh nước biển như với nền tảng iMessage độc quyền của mình, "Apple đã tạo ra một loại chênh lệch về địa vị", theo lời Wolfson.
Câu hỏi là, liệu đó có phải là một việc sử dụng quyền lực có tác động chống cạnh tranh không?
Năm ngoái, Apple công bố kế hoạch cải thiện tính tương tác với tin nhắn Android bằng cách áp dụng một tiêu chuẩn được biết đến là Rich Communication Services, mặc dù các chuyên gia dự đoán Apple sẽ tiếp tục sử dụng bong bóng tin nhắn màu xanh.
Bắt đầu từ năm 2020, Apple đã tham gia một cuộc chiến đấu tại tòa án chống độc quyền với Epic Games, nhà sản xuất của trò chơi video "Fortnite". Nhưng kết quả của các phiên tòa đều là Apple không có hành vi lạm dụng độc quyền thị trường phần mềm trên nền tảng của mình.
Một số khía cạnh của vụ án đã được kháng cáo đến Tòa án Tối cao Mỹ, mặc dù các bậc thẩm phán chưa xác định xem liệu có nên xem xét vấn đề này hay không.
Những quyết định hiện tại này làm nổi bật những thách thức phía trước với Bộ Tư pháp. Các chuyên gia cho rằng, cơ quan này sẽ cần đưa ra một lý thuyết pháp lý mạnh mẽ về cách Apple được cho là gây hại cho sự cạnh tranh.
Bộ Tư pháp cũng sẽ cần chứng minh rằng những lợi ích mà Apple mang lại cho người tiêu dùng không vượt qua những vi phạm độc quyền mà họ bị cáo buộc.
"Tất cả những vấn đề này đều rất khó khăn", Kovacic nói. "Apple sẽ lập luận hệt như cách Google, Amazon và Facebook đã làm: Hành vi của họ không đen tối, mà quan trọng để cung cấp trải nghiệm tốt cho người dùng".
Nếu Bộ Tư pháp kiện Apple, đây sẽ là vấn đề quan trọng như vụ kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ đối với Microsoft trong những năm 1990. Điều này cũng có thể được hiểu là biểu tượng của kế hoạch kinh tế của Tổng thống Joe Biden.
Những người đứng đầu của Cơ quan chống độc quyền của Bộ Tư pháp (DOJ) và Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) là một thế hệ mới của các quan chức có cùng quan điểm rằng lịch sử nước Mỹ đã thiếu sót trong việc thi hành các luật chống độc quyền của quốc gia, dẫn đến một làn sóng sáp nhập doanh nghiệp và các hành vi chống cạnh tranh, gây hại cho người tiêu dùng thông qua các động thái như đẩy giá cả cao, lựa chọn ít hoặc sự đổi mới giảm.
Cả hai cơ quan đã theo đuổi các vụ kiện nổi tiếng đối với các công ty mạnh và các vụ sáp nhập siêu lớn.
Các thành viên của Quốc hội cũng đã bày tỏ lo ngại về sự tăng cường tập trung kinh tế và họ đã thông qua các dự luật tăng ngân sách cho FTC và DOJ.
Theo Charlotte Slaiman, một luật sư chống độc quyền và Phó Chủ tịch tại Public Knowledge, một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng thì: "Điều đó, cùng với cuộc điều tra của Hạ viện và các đề xuất quy định các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ, cho thấy những nhà lập pháp có vai trò quan trọng trong việc kiềm chế lạm dụng đối với sự cạnh tranh".
Ngoài ra, Slaiman cho biết thêm, một vụ kiện chống độc quyền đối với Apple sẽ phản ánh việc với nguồn lực trong tay, những người thi hành luật có thể làm được nhiều thứ hơn nữa.
Việc này cũng có thể dẫn đến những thay đổi toàn diện trong ngành công nghiệp công nghệ chưa từng thấy kể từ vụ kiện Microsoft – sự kiện mà các chuyên gia đánh giá là đã tạo điều kiện cho sự phát triển của internet hiện đại.