Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games

Bài viết: Huyền Trang | Thiết kế: Hà Mĩ |

Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường xúc động “xin” một tràng pháo tay cho những người thầm lặng đã góp công vào sự rực rỡ của hai màn khai mạc và bế mạc SEA Games 31.

SEA Games 31 đã khép lại với sự thành công rực rỡ của các đoàn thể thao Đông Nam Á, với bội thu huy chương và kỷ lục mới, với tình hữu nghị nồng ấm. Đọng lại trong ký ức của nhiều người, đó là lễ khai mạc và bế mạc gây choáng ngợp.

Sau hơn 40 ngày lăn lộn từ bàn dựng đến sân vận động, đạo diễn Hoàng Công Cường, "phù thủy sân khấu" góp công lớn trong chương trình này đã có những tâm sự sau ánh hào quang. "Mồ hôi, nước mắt và cả máu của chúng tôi đã đổ xuống sân, nhưng không gì sánh bằng niềm hạnh phúc, tự hào khi được tận hiến cho dân tộc ở thời khắc lịch sử ấy.".

Từ khai mạc đến bế mạc chỉ có 4 ngày để chuẩn bị

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 2.

Huyền Trang: Xin chào đạo diễn Hoàng Công Cường. SEA Games 31 đã khép lại một cách hoàn hảo…. Tôi nghĩ anh có thể thở với nhịp độ bình thường được rồi!

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đúng vậy, sau chương trình bế mạc, tôi thực sự đã được thở phào như thể vừa trút khỏi gánh nặng dân tộc trên vai. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi thấy nhẹ lòng vì đã tận tâm cho Tổ quốc.

Bạn biết không, từ khai mạc đến bế mạc, chúng tôi chỉ có 4 ngày để chuẩn bị. Hôm bế mạc, anh em thức trắng hai đêm liên, ở rịt tại sân khấu. Tôi có ngủ gật một chút, bị muỗi đốt gần chết (cười lớn).

Huyền Trang: Có thể thấy từ sân khấu khai mạc đến bế mạc, anh đã khai thác rất nhiều chất liệu văn hóa, nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Nhưng phải chăng vì thế mà một số khán giả cho rằng, sân khấu Việt Nam bao nhiêu năm vẫn cứ quanh quẩn với múa sen, áo dài, nón lá, quan họ, đàn bầu… mà không có gì "mới mẻ" hơn để khoe?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Nếu khán giả đó xem chương trình kỹ hơn, họ sẽ nhận thấy chúng tôi đã sử dụng những chất liệu (bị cho là) cũ ấy và thể hiện nó bằng hình thức biểu đạt hiện đại. Với thời gian, kinh phí, nhân lực được cung cấp, tôi tin là chúng tôi đã làm một chương trình tròn vẹn.

Chúng tôi phải tính toán từng ly từng tí, từng tiết mục vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa thể hiện tính hữu nghị, tinh thần thể thao chứ không phải "nhồi nhét" vô thưởng vô phạt hay sáo rỗng đâu. Cái gì là hình tượng quốc gia, di sản quốc gia thì phải có, là niềm tự hào, văn hóa thì bảo tồn, phát huy và kể bằng ngôn ngữ mới nhưng vẫn giữ bản thể của nó.

Tôi nghĩ bạn bè quốc tế thích vì nó lạ với họ, còn một số khán giả Việt, sống trong không khí văn hóa Việt có thể không cảm nhận được hết. Giống như bạn đi qua hàng bún chả, phở, bạn có thể dửng dưng, trong khi khách du lịch nước ngoài thì "lùng sục" tìm bún chả hoặc xếp hàng mua bánh mì ăn, vì đó là đặc sản. Chúng tôi làm cho khán giả Asean và quốc tế xem nữa, nên muốn khoe hết tất cả những gì "đặc sệt" nhất, gọi tên được văn hóa Việt Nam.

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 3.

Thiết bị triệu đô của thế giới và công nghệ Việt Nam giá rẻ

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 4.

Huyền Trang: Là "đầu bếp" của sân khấu, anh "lên menu" ra sao trong một bữa tiệc toàn những đặc sản như thế, trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Đó thực sự là bữa tiệc, nhưng không phải là ê hề những món ngon dọn ra cùng một mâm, mà có sự kết nối rất rành mạch. Ví dụ, hình ảnh trống đồng Đông Sơn trong chương trình khai mạc là nhấn mạnh dấu ấn lịch sử - văn hóa ngàn năm, là tiếng trống mở đầu ngày hội, chào đón mùa màng bội thu. Tiết mục múa tre là hiện thân cho tinh thần đoàn kết, là sức mạnh Thánh Gióng, sự ẩn nhẫn, tôi luyện, rèn giũa để vươn lên đỉnh cao của các vận động viên.

Hay hình ảnh lúa nước là cội nguồn chung của văn minh ASEAN, nơi có 11 con cò cùng sải cánh bay về phương Nam đất lành. Hoặc tiết mục chèo thuyền là ẩn dụ cho Đông Nam Á chung một dòng ý chí, khát vọng, "hái" những tia nắng mặt trời trên biển Đông để cùng thắp lên ngọn lửa SEA Games. Rồi trong lễ bế mạc, phía Cambodia khoe vũ điệu Apsara, mình đáp lại bằng quan họ - di sản văn hóa phi vật thể vừa được công nhận…

Tất cả chất liệu được sử dụng đều đa nghĩa, ẩn ý về sự thuần khiết, trong sáng trong tinh thần thể thao, sức vươn mạnh mẽ của Đông Nam Á chứ không thuần túy là văn hóa Việt.

Huyền Trang: Ngôn ngữ sân khấu trong SEA Games 31, đặc biệt là lễ khai mạc, các anh đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại. Có vẻ như rất tốn kém?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Chúng tôi đã ứng dụng những đại cảnh về Mapping và công nghệ AR realtime - là những công nghệ hiện đại được dùng trong các kỳ khai mạc thế vận hội lớn của thế giới như Olympic, Supper Bowl,…Với cường độ dùng full chương trình như thế, chi phí ước tính phải hàng trăm triệu đô, rẻ cũng vài chục triệu đô, nếu phải mua cả bộ thiết bị và công nghệ của nước ngoài.

Nhưng với sự sáng tạo và bản lĩnh của cả ekip, chúng tôi - con người Việt Nam, thiết bị Việt Nam đã "chế bản" theo phong cách của Việt Nam. Chúng tôi dùng 50 máy chiếu, mua server kết nối từ bàn kỹ thuật ra xe màu, cấy đồ họa trong 3 máy quay, vẽ, cân chỉnh từng chút cùng với chuyển động của người thật.

Tôi tự hào vì đây là lần đầu tiên tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng ứng dụng được công nghệ tiên tiến này, với chi phí tiết kiệm được hàng chục triệu đô.

Bạn biết đấy, Singapore tốn 300 triệu đô năm 2015 cho SEA Games, còn Việt Nam chỉ tiêu một số tiền khá khiêm tốn: 500 tỷ đồng cho tất cả các hạng mục, chỉ bằng 1/15 của nước bạn. Vậy mà Việt Nam ta tự hào làm SEA Games không thua kém gì nước bạn.

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 6.

Cả nghìn con người gần như không ngủ trong 10 ngày liền

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 7.

Huyền Trang: Theo cách anh nói, dường như thách thức không chỉ nằm ở tài chính?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Chà, tôi không muốn nói quá nhiều về khó khăn, nhưng quả thực chúng tôi đã trải qua những tháng ngày lịch sử, vắt cạn sức, dốc cạn lực cho SEA Games.

Chúng tôi nhận được lời đề nghị thực hiện chương trình cách lễ khai mạc chỉ vỏn vẹn 45 ngày với khối lượng công việc khổng lồ, từ việc lên phương án kịch bản, lên phương án sản xuất, huy động lực lượng diễn viên tại tất cả các nhà hát của cả nước, lượng thiết bị khổng lồ được vận chuyển từ các nơi về sân quốc gia Mỹ Đình với tổng khối lượng gần 500 tấn, và 1.000 con người trong ê-kíp để hoàn thành việc set-up chương trình. Tôi viết kịch bản khi đang dính Covid-19, nhưng rất hào hứng, ngồi xuyên từ tối đến 4h sáng hôm sau.

Rồi "vào trận" cũng gấp gáp. Ở lễ khai mạc, tập luyện làm quen với tại mặt sân Mỹ Đình với gần 8.000m sân khấu chỉ vỏn vẹn 3 ngày cho chạy kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng, thiết bị công nghệ cao; thời tiết hoàn toàn không ủng hộ, có ngày nắng chang chang, có khi lại mưa.

Giữa chảo lửa Mỹ Đình, có những đồng đội của tôi một ngày đi và chạy quanh sân vận động 8km. Cả nghìn con người gần như không ngủ, 7h sáng ra sân, 3h sáng về nhà, ngày nào cũng thế trong suốt 10 ngày liền trước khi diễn ra lễ khai mạc, và 4 ngày trước bế mạc.

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 8.

Huyền Trang: Đó là cảm giác mà anh nói rằng "chiến đấu bằng niềm tin"?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Với chúng tôi, đó không phải chỉ là một chương trình nghệ thuật. Chúng tôi tự ví mình như những người lính, đã sống trong những tháng ngày nhờ tinh thần chiến binh, nhờ khí thế và khao khát của mỗi người muốn dốc sức cho sự kiện trọng đại của đất nước và khu vực.

Nếu có tràng pháo tay, nếu có tình cảm và sự tôn vinh của khán giả, tôi xin dành cho toàn bộ những con người đã tham gia lễ bế mạc và khai mạc, những anh em nghệ sĩ, diễn viên, tình nguyện viên, đội ngũ kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia, ê-kíp thực hiện chương trình. Các bạn ấy có công sức lớn khủng khiếp cho dấu son SEA Games 31.

Tôi đã đối mặt với áp lực khủng khiếp từ dư luận

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 9.

Huyền Trang: Cùng với những ngợi ca, dường như vẫn có những ý kiến trái chiều, không thỏa mãn với chi tiết này, tiết mục khác của hai lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Theo tôi được biết thì nguyên thủ và các đại diện nước bạn đều khen. Khi tiếp sóng, bạn bè quốc tế cũng đánh giá cao. Còn ở hiện trường, khán giả vỗ tay rào rào, ngả mũ thán phục Việt Nam. Xong chương trình, ê-kíp chúng tôi còn ôm nhau nhảy vì quá xúc động.

Ý kiến trái chiều có chứ, nhưng chỉ là số ít trong rất nhiều công chúng theo dõi thôi. Chương trình nào làm cho đại chúng cũng không tránh khỏi khen chê. Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 là chương trình mang tính đại chúng, nhưng đại chúng có người thích hài kịch, có người thích bolero, có người thích rap, rock, anh mang ý niệm của rock vào để nghe bolero thì sao được?

Huyền Trang: Nghe giọng anh, dường như có sự tổn thương trong đó?

Đạo diễn Hoàng Công Cường: Tôi đã đối mặt với áp lực khủng khiếp từ dư luận, đồng nghiệp khi nhận chương trình này. SEA Games 31 là chương trình lớn của quốc gia, sự kiện mà hình ảnh dân tộc được ghi vào lịch sử, đâu phải tự nhiên tôi được chọn.

Nếu tôi làm vớ vẩn, bị người ta nói tôi sẽ thấy ngại, thấy tự ái, nhưng chương trình này, bạn bè thế giới còn phải khen. Tôi thấy rất tự hào vì chúng tôi cùng ê-kíp đã hoàn thành xuất sắc việc triển khai kịch bản từ ý tưởng ra tới hiện thực với những điều kiện rất khó khăn về thời gian, thời tiết và về công nghệ.

Những lời góp ý, tôi xin nhận về mình. Tôi xin cảm ơn vì chính những lời đóng góp, ý kiến trái chiều là động lực giúp tôi làm những chương trình "khủng khiếp" tiếp theo. Người ta càng soi thì mình càng sáng mà!

Huyền Trang: Xin chân thành cảm ơn anh - phù thủy sân khấu của SEA Games 31 - và ê-kíp.

Áp lực dư luận khủng khiếp và bí mật phía sau Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games - Ảnh 10.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại