Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do?

Thùy Dương |

Áp giá trần dầu khí Nga là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Liên minh châu Âu (EU) đang áp trần giá khí đốt, còn nhóm G7 đang cố gắng áp trần giá dầu Nga.

Cơ sở khai thác dầu ở Izhevsk, gần Ural (Nga). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Cơ sở khai thác dầu ở Izhevsk, gần Ural (Nga). Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo trang oilprice.com, cả động thái của EU và Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đều dẫn đến can thiệp trực tiếp vào thị trường. Áp trần giá liệu có thể “khai tử” thị trường tự do?

Thị trường tự do là thị trường mà trong đó giá một sản phẩm hoặc hàng hóa được xác định hoàn toàn bởi các nguyên tắc cơ bản: cung và cầu. Thực tế là không có thị trường hoàn toàn tự do ngày nay. Có quá nhiều nhân tố lớn trên thị trường, như ngân hàng đầu tư hoặc quỹ tài sản có chủ quyền và họ có đủ quyền lực để điều chỉnh giá vào bất kỳ ngày nào.

Tuy nhiên, biến động thị trường là một chuyện. Can thiệp trực tiếp là chuyện hoàn toàn khác. Áp trần giá khí đốt ở Liên minh châu Âu có lẽ là ví dụ điển hình nhất cho đến nay.

Khoảng 15 thành viên EU ủng hộ ý tưởng áp trần giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu. Tuy nhiên, Đức, nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất trong EU, lại phản đối mạnh mẽ. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết áp trần giá luôn tiềm ẩn rủi ro là các nhà sản xuất sau đó sẽ bán khí đốt ở nơi khác.

Vấn đề lớn hơn là áp trần giá chính là hành vi can thiệp trực tiếp của chính phủ vào cách thị trường hoạt động, từ đó ngăn cản các thị trường tiếp tục hoạt động. Điều này có nguy cơ gây ra đổ vỡ thực sự.

Nếu coi áp trần giá như một loại trợ cấp thì bức tranh toàn cảnh và rủi ro có thể trở nên rõ ràng hơn.

Trợ giá cho một sản phẩm hoặc một dịch vụ thường dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với sản phẩm hoặc dịch vụ này. Nhưng nếu nguồn cung hạn chế thì giá thị trường sẽ tăng lên.

Điều này có nghĩa là các chính phủ trợ cấp cho sản phẩm hoặc dịch vụ sẽ cần phải trả nhiều hơn để trợ cấp cho sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Từ đó, thuế sẽ cao hơn vì phải có nguồn tiền từ nơi nào đó. Cuối cùng, chính người tiêu dùng sẽ là bên phải trả nhiều hơn.

Trong khi đó, khi các nhà lãnh đạo EU cân nhắc về trần giá khí đốt, thì G7 đã tuyên bố sẽ sẵn sàng áp trần giá dầu Nga sau vài tuần nữa. Một số nguồn tin ngày 3/11 cho biết G7 và Australia đã nhất trí thiết lập một mức giá cố định sau khi đạt đồng thuận về việc áp giá trần dầu Nga.

Theo nguồn tin từ G7, nhóm này đã nhất trí về mức giá trần cố định và sẽ xem xét thường xuyên để điều chỉnh khi cần thiết, qua đó giúp tăng ổn định thị trường.

Áp giá trần dầu khí Nga có ‘khai tử’ thị trường năng lượng tự do? - Ảnh 1.

Hệ thống đường ống dẫn khí Druzhba của Nga. Ảnh: themoscowtimes.com/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các quan chức khác trong G7 cho rằng việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga sẽ thắt chặt nguồn thu của nước này mà không làm giảm nguồn cung cho người tiêu dùng. Các nguồn tin cho biết thêm kế hoạch này cũng giúp các công ty bảo hiểm yên tâm thực hiện các hợp đồng mà không phải lo ngại về việc các nước mua dầu mỏ của Nga điều chỉnh giá, điều mà có thể khiến họ đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Việc 7 quốc gia giàu nhất thế giới đã cùng nhau thống nhất giá trần của loại hàng hóa được giao dịch nhiều nhất trên thế giới là một vấn đề lớn. Theo một cách nào đó, đó là can thiệp vào thị trường ở quy mô lớn hơn so với động thái áp trần giá khí đốt của EU. Điều này làm cho động thái trên có khả năng nguy hiểm hơn.

Nếu Nga thực hiện kế hoạch ngừng bán dầu cho các nước áp trần giá, điều này có thể dẫn đến cắt giảm thêm sản lượng dầu của Nga. Từ đó sẽ làm thu hẹp nguồn cung toàn cầu vốn đã eo hẹp, đẩy giá dầu lên cao hơn vừa góp phần gây ra lạm phát mà cả thế giới đang phải trải qua.

Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất là các sáng kiến ​​áp trần giá này mở ra cánh cửa cho hành vi can thiệp thị trường nhất quán hơn trong tương lai. Nếu có thể xảy ra một lần, thì hành vi có thể xảy ra lần nữa. Những lần sau sẽ dễ dàng hơn và có lẽ cảm thấy tự nhiên hơn.

Nếu kiểu can thiệp này trở thành “mãn tính”, có thể nói đó sẽ là dấu chấm hết cho thị trường tự do và bắt đầu một kỷ nguyên mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại