Ngoại trưởng Áo Klaudia Tanner và người đồng cấp Thụy Sĩ, Viola Amherd, đã ký một tuyên bố tại Bern về tham gia dự án phòng không Lá chắn bầu trời châu Âu trên toàn lục địa, đài truyền hình ORF của Áo đưa tin ngày 7/7.
Theo các phương tiện truyền thông, cả 2 quốc gia đều tin rằng họ sẽ không vi phạm quy chế trung lập của mình khi tham gia sáng kiến trên.
Trước đó, bà Tanner cho biết Áo sẽ được bảo vệ trước các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bắt đầu từ năm 2024 và không phận của nước này sẽ được bao phủ hoàn toàn vào năm 2025.
Trong khi đó, ông Herbert Kickl, Chủ tịch Đảng Tự do đối lập của Áo, kêu gọi chính quyền nước này tổ chức cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về sự tham gia của Vienna trong dự án phòng không châu Âu.
Năm 2022, Đức đưa ra sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu nhằm tạo ra một hệ thống phòng không và chống tên lửa duy nhất của châu Âu, đồng thời đảm bảo việc mua sắm chung các loại vũ khí phòng không và chống tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Mỗi quốc gia tham gia sáng kiến được tự do quyết định mua loại vũ khí nào.
Động thái trên dự kiến sẽ thúc đẩy đầu tư vào các nhà sản xuất hệ thống phòng thủ trong nước.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của các nhà sản xuất Pháp, Đức công bố kế hoạch ưu tiên tên lửa tầm trung Iris-T sản xuất trong nước, tên lửa tầm xa Patriot do Mỹ sản xuất và tên lửa tầm siêu xa Arrow-3 do Israel sản xuất.
Có tới 17 quốc gia châu Âu đã ủng hộ sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu do Đức dẫn đầu, tuy nhiên, Pháp, Ý và Ba Lan đã từ chối tham gia.
Theo TASS