Chiếc áo làm từ cellulose vi khuẩn. Ảnh: CNN
“Chúng tôi thật sự rất bất ngờ khi nhiều người yêu thích chiếc áo khoác này, vì chất liệu của chúng không giống da. Thực sự rất dễ nhận ra đây không phải là một chiếc áo khoác da. Nhưng nó cũng không phải nhựa dẻo. Thực sự khi chạm vào, chiếc áo mang lại cảm giác đặc biệt”, Alexis Gómez-Ortigoza - nhà sáng lập Polybion, công ty đứng sau sản phẩm này – cho hay.
Theo nhóm thiết kế, mặc dù được sản xuất bằng một số phương pháp liên quan đến chất liệu da truyền thống nhưng chiếc áo làm từ khuẩn cellulose thải ra lượng carbon nhỏ hơn nhưng không ảnh hưởng đến độ bền và độ thoáng khí. Bà Gómez-Ortigoza nói thêm: “Đây là chiếc áo khoác đầu tiên được một thương hiệu toàn cầu sản xuất từ chất liệu nanocellulose vi khuẩn. Vì vậy, đây đánh dấu một cột mốc khá quan trọng đối với ngành vật liệu sinh học”.
Bà Gómez-Ortigoza đã thành lập Polybion vào năm 2014 cùng với anh trai là ông Axel - một người có nền tảng về công nghệ sinh học. Cùng với nhà khoa học vật liệu Bárbara González Rolón, Polybion ra đời và tập trung vào nghiên cứu sợi nấm.
Cơ duyên đưa Polybion đến với khuẩn từ men là rất tình cờ. Bà Gómez-Ortigoza nhớ lại: “Khoảng 5 năm trước, một người bạn bước vào văn phòng của tôi và ông ấy cho tôi xem một lọ kombucha. Chúng tôi đã phân lập được vi khuẩn đầu tiên từ thức uống đó”.
Kombucha là một thức uống trà lên men đang rất được ưa chuộng. Sinh khối vi khuẩn được sử dụng để làm áo khoác, gọi là Celium, đến từ chiếc lọ đó. Kể từ đó, Polybion gần như hoàn toàn tập trung vào quá trình lên men vi khuẩn vì họ coi đây là nguồn mới đầy hứa hẹn cho sản phẩm thay thế đồ da mang lại hiệu suất cao.
Quy trình xử lý vải không khác mấy quy trình làm da truyền thống nhưng ít khí thải ra môi trường hơn. Ảnh: CNN
Để nuôi vi khuẩn, Polybion sử dụng phế liệu có nguồn gốc từ các nhà máy sản xuất trái cây đóng hộp tại địa phương, chủ yếu từ xoài. “Chúng tôi nuôi vi khuẩn bằng chất thải trái cây. Đây là loại chất thải cực kỳ dồi dào ở miền Trung Mexico. Chúng tôi biến nó thành thức ăn cho vi khuẩn bằng cách thêm một công thức đặc biệt do chúng tôi phát triển để chuyển nó thành môi trường phát triển. Sau đó, vi khuẩn sẽ sinh sản và tạo ra mạng lưới nanocellulose như một sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất. Chúng tôi thu hoạch sau hai tuần và sau đó gửi qua quy trình thuộc da và hoàn thiện”, bà Gómez-Ortigoza giải thích.
Thông thường, chất thải trái cây được đưa vào bãi rác sẽ phân hủy và tạo ra khí metan - một loại khí mạnh gấp 25 lần so với carbon dioxide khi giữ nhiệt. So sánh với việc sản xuất Celium, quy trình này chỉ tạo ra khoảng 1/4 lượng khí thải so với các phương pháp sản xuất da bền vững hiện nay.
Ngoài ứng dụng trong ngành dệt, Polybion đang khám phá khả năng sử dụng Celium để tạo ra bìa cứng, chỉ, gỗ xây dựng và thậm chí cả miếng băng vết thương. “Nó có tiềm năng trở thành một loại hàng hóa, một loại vật liệu phổ biến cho nhiều ứng dụng khác nhau. Nhưng hiện tại, chúng tôi đang tập trung vào giải pháp thay thế da vì chúng tôi tin rằng sản phẩm này có thể có mặt trên thị trường trong thời gian ngắn nhất”, nhà sáng lập Polybion cho hay.
Lauren Bartley – đại diện thương hiệu thời trang Ganni hợp tác với Polybion làm ra chiếc áo – chia sẻ: “Nếu bạn muốn mua chiếc áo vi khuẩn này, sẽ phải mất thêm chút thời gian. Chiếc áo này độc nhất vô nhị và rất tiếc nó chưa có mặt trên thị trường”.
Dự kiến, công ty sẽ bắt đầu bán trang phục làm từ cellulose trong năm 2024. Polybion cũng đang lên kế hoạch triển khai các dự án tương tự với các thương hiệu thời trang khác.
Các hãng thời trang đang tích cực khám phá những chất liệu cải tiến để làm cho sản phẩm may mặc của họ bền vững hơn. Kate Goldsworthy, giáo sư ngành dệt may tại Đại học Nghệ thuật London, cho hay: “Ngành dệt may đang xem chất thải nông nghiệp và thực phẩm như một nguyên liệu thô khả thi cho cuộc cách mạng mới nhằm ứng phó với khủng hoảng khí hậu”.
Theo CNN