Tên lửa mạnh nhất thế giới bị "cùm chân", đe dọa sự thống trị của Mỹ: Trung Quốc đi trước?

Trang Ly |

Theo quan chức hàng đầu của SpaceX, Trung Quốc có thể đưa người lên Mặt trăng sớm hơn Mỹ. Tại sao lại có nhận định này?

Một quan chức hàng đầu của SpaceX đang cáo buộc các cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ cản trở tiến độ của công ty đối với việc phóng siêu tên lửa Starship - dẫn đến khả năng mở ra cơ hội cho Trung Quốc đánh bại các phi hành gia Mỹ trong hành trình quay trở lại Mặt trăng, CNN đưa tin.

William Gerstenmaier - Phó chủ tịch phụ trách Xây dựng và Độ tin cậy của Chuyến bay của SpaceX, người trước đây từng làm việc trong Ban giám đốc Sứ mệnh Hoạt động và Khám phá con người tại trụ sở NASA - đã đưa ra cảnh báo trên hôm thứ tư 18/10 tới Tiểu ban Thượng viện về Không gian và Khoa học tại một phiên điều trần tại Đồi Capitol về các quy định thương mại không gian.

Tên lửa mạnh nhất thế giới bị cùm chân, đe dọa sự thống trị của Mỹ: Trung Quốc đi trước? - Ảnh 1.

SpaceX đã đăng hình ảnh và video về hệ thống Starship sẵn sàng bay trên bệ phóng ngày 5/9/2023. Nguồn: SpaceX

Cảnh báo này được đưa ra khi SpaceX đang phải đối mặt với sự đánh giá về môi trường kéo dài nhiều tháng từ Cơ quan quản lý nghề cá và động vật hoang dã Mỹ (USFWS), cũng như sự đánh giá an toàn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) về kế hoạch phóng thử lại tên lửa Mặt trăng khổng lồ của mình tại cơ sở của SpaceX ở bang Texas, Mỹ.

Starship - hệ thống tên lửa và tàu vũ trụ mà SpaceX đang phát triển, với kế hoạch là đưa các phi hành gia Mỹ lên Mặt trăng trong khuôn khổ Chương trình Artemis của NASA - đã phát nổ sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở Texas vào đầu năm 2023.

Hệ thống Starship - bao gồm tàu vũ trụ Starship và tên lửa Super Heavy - của SpaceX là hệ thống tên lửa mạnh nhất thế giới từng được phát triển. Hệ thống này có tổng chiều cao là 120 mét (trong đó tàu vũ trụ Starship cao 50 mét, tên lửa Super Heavy cao 70 mét).

Công ty của tỷ phú Elon Musk đang nóng lòng cho chuyến bay thử nghiệm tiếp theo. Nhưng họ liên tục bị trì hoãn do vấp phải những yêu cầu khắt khe của các cơ quan quản lý về môi trường trong việc xem xét vụ phóng có gây ảnh hưởng đến môi trường/động-thực vật tại khu vực gần bãi phóng hay không.

William Gerstenmaier nói: "Thật tiếc khi Starship của chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng bay nhưng vẫn không thể cất cánh vì các quy định/đánh giá kéo dài nhiều tháng trời.

Việc cấp phép, bao gồm cả đánh giá môi trường, thường mất nhiều thời gian hơn việc phát triển tên lửa. Điều này không nên xảy ra. Nó chỉ khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn".

Ông cũng khẳng định sự chậm trễ theo quy định "không liên quan gì đến an toàn công cộng".

Cuộc đua lên Mặt trăng

William Gerstenmaier cho biết các cuộc thảo luận về môi trường pháp lý là rất quan trọng "trước sự cạnh tranh chiến lược từ các chủ thể nhà nước như Trung Quốc".

"Những sự chậm trễ này có vẻ nhỏ khi so sánh với kế hoạch lớn của một sứ mệnh nhưng nếu cộng những sự chậm trễ trong mỗi chuyến bay thử nghiệm lại thì đó là vấn đề lớn.

Và cuối cùng, chúng ta sẽ mất vị trí thống trị không gian và sẽ phải chứng kiến Trung Quốc đổ bộ lên Mặt trăng trước Mỹ" - Ông William Gerstenmaier cho biết.

Chương trình Artemis của NASA - nhằm mục đích đưa người Mỹ trở lại bề mặt Mặt trăng lần đầu tiên sau hơn 50 năm kể từ thời Apollo hồi thế kỷ 20 - và cũng nhằm chạy đua với kế hoạch phát triển căn cứ Mặt trăng ILRS có người ở của Trung Quốc.

Tên lửa mạnh nhất thế giới bị cùm chân, đe dọa sự thống trị của Mỹ: Trung Quốc đi trước? - Ảnh 2.

Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX cùng tàu vũ trụ Psyche phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA ở Cape Canaveral, Florida, vào ngày 13/10/2023. Ảnh: Chandan Khanna | AFP | Getty Images

SpaceX phải đối mặt với sự phản đối trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Một nhóm những người ủng hộ môi trường đã kiện FAA về vụ việc, cáo buộc cơ quan này không tuân thủ luật môi trường khi cho phép SpaceX tiến hành vụ phóng.

William Gerstenmaier thừa nhận rằng ngoài các rào cản pháp lý, SpaceX tiếp tục đối mặt với những thách thức công nghệ trong quá trình phát triển Starship.

Vẫn chưa rõ liệu SpaceX có thể đáp ứng mục tiêu của NASA là đưa Starship sẵn sàng hạ cánh lên Mặt trăng vào cuối năm 2025 hay không.

Ông nói với CNN trong bài phát biểu ngắn gọn sau phiên điều trần rằng: "Chúng tôi có rất nhiều thách thức trước mắt để đáp ứng các yêu cầu mà chúng tôi nhận được từ NASA. Cách duy nhất chúng tôi có thể đến đó là bay".

Ông nói thêm rằng SpaceX đã gặp khó khăn trong việc phân bổ nguồn lực trong bối cảnh không chắc chắn về thời điểm giấy phép phóng được phê duyệt.

"Chúng tôi đã yêu cầu người làm thêm ca. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn phương tiện, và rồi chúng tôi vẫn không được phép bay.

Những quy định đang ngăn cản chúng tôi thiết lập một lịch trình hiệu quả hơn nhằm đáp ứng yêu cầu từ NASA" - William Gerstenmaier nói.

Starship có thể bị hoãn bay đến năm 2024?

FAA cho biết trong một tuyên bố vào tháng 9/2023 rằng SpaceX "phải có được giấy phép sửa đổi từ FAA để giải quyết tất cả các yêu cầu về an toàn, môi trường và các quy định khác trước lần phóng Starship tiếp theo".

Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Mỹ (USFWS), được giao nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường của chuyến bay thử nghiệm của SpaceX, nói với CNN hôm 18/10 rằng họ đang nỗ lực để bắt đầu tham vấn chính thức với FAA. Sau đó, USFWS sẽ có tối đa 135 ngày để đưa ra ý kiến.

CNN nhận định, quá trình đó có thể khiến lần ra mắt tiếp theo của Starship phải lùi sang năm 2024.

Tên lửa mạnh nhất thế giới bị cùm chân, đe dọa sự thống trị của Mỹ: Trung Quốc đi trước? - Ảnh 4.

William Gerstenmaier - Phó Chủ tịch phụ trách Xây dựng và Độ tin cậy của Chuyến bay của SpaceX. Ảnh: NASA/Aubrey Gemignani

Ông William Gerstenmaier cho rằng những vướng mắc về quy định một phần là do thiếu nhân sự, đồng thời cho biết bộ phận cấp phép của FAA đang "rất khó khăn" và "cần gấp đôi nguồn lực hiện có".

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 18/10, Phó giám đốc NASA Pam Melroy cho biết:

"Khi mối quan tâm và khả năng toàn cầu về khám phá không gian tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh chóng, Mỹ phải tiếp tục dẫn đầu trong hoạt động khám phá không gian của con người với việc quay trở lại Mặt trăng dưới sự chỉ đạo của Chương trình Artemis cũng như sứ mệnh đầu tiên của con người tới sao Hỏa để tìm kiếm sự sống trong Hệ Mặt trời.

Để thành công trong việc đạt được các mục tiêu của NASA, điều quan trọng là các đối tác quản lý của chúng tôi phải có các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ giám sát và theo kịp tiến độ".

Cùng với SpaceX tại phiên điều trần còn có đại diện của hai công ty vũ trụ thương mại khác: Blue Origin (của tỷ phú Jeff Bezos) và Virgin Galactic (của tỷ phú Richard Branson) - cả hai đều đưa những khách du lịch giàu có đến rìa vũ trụ trên tên lửa của riêng họ, CNBC thông tin.

Với tốc độ thực hiện các vụ phóng tên lửa ngày càng tăng và sự cạnh tranh ngày càng lớn từ Trung Quốc, các giám đốc điều hành từ các công ty vũ trụ hàng đầu của Mỹ đều kêu gọi các thượng nghị sĩ cải thiện quy trình cấp phép và quản lý của Cục Hàng không Liên bang Mỹ.

Phil Joyce, Phó chủ tịch cấp cao của Blue Origin cho biết FAA cần thêm kinh phí để đối phó với sự gia tăng số lần phóng của tên lửa vũ trụ.

Chuyên gia trong ngành Caryn Schenewerk, cựu lãnh đạo của SpaceX và Relativity Space, nói rằng những thay đổi gần đây của FAA vẫn chưa "hợp lý hóa việc đánh giá cấp phép" và thay vào đó "đã tỏ ra cồng kềnh và tốn kém hơn".

Wayne Monteith - một thiếu tướng Không quân đã nghỉ hưu, người đứng đầu Văn phòng không gian của FAA - nói rằng Quốc hội nên xem xét việc củng cố các quy định về không gian.

"Tôi tin rằng cần phải có cách tiếp cận hiệu quả hơn để ủy quyền và cấp phép cho các hoạt động khám phá không gian".

Nguồn: CNN, CNBC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại